Vào đại học không… khó?

Thí sinh kỳ thi cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông 2006. (Ảnh minh họa: PV)
Thí sinh kỳ thi cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông 2006. (Ảnh minh họa: PV)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ ngay trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều trường đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm bằng học bạ. Không ít thí sinh đã tận dụng cơ hội này để giành suất vào đại học, nhằm giảm bớt áp lực lên kỳ thi tốt nghiệp, năm cuối cùng của kỳ thi theo chương trình 2006. Tuy nhiên, trường điểm chuẩn cao vút, trường lại chạm đáy…

Tăng mạnh ở trường tốp đầu

Đến thời điểm này có hàng chục trường đại học (ĐH) đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm. So với năm trước, điểm chuẩn của nhiều trường này đều tăng, đặc biệt là trường top trên. Mở màn Trường ĐH Luật Hà Nội là trường công bố điểm chuẩn xét học bạ cao nhất, với mức chuẩn trúng tuyển vào cơ sở chính tại Hà Nội dao động 26,86 - 30 điểm, thang điểm 30. Cụ thể, ngành luật kinh tế tổ hợp A00 và A01 cùng lấy điểm chuẩn 30 điểm. Như vậy, nếu thí sinh không có điểm ưu tiên, khuyến khích, phải đạt học bạ 10 điểm/môn mới trúng tuyển. Với đa số các tổ hợp, các chương trình đào tạo còn lại, thí sinh phải có điểm học bạ từ 9 điểm/môn cộng thêm điểm ưu tiên mới có cơ hội trúng tuyển. Năm nay Trường ĐH Luật Hà Nội dành 1.190 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ, tương đương hơn 47% tổng chỉ tiêu toàn trường.

Trường ĐH Ngoại thương có điểm chuẩn cao nhất là 29,5/30 tại một số ngành như Khoa học máy tính, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế)... Trường ĐH Thương mại có ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng lấy điểm chuẩn cao nhất với 29,25 điểm. Học viện Ngoại giao cũng đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm dựa trên kết quả học bạ. Ở phương thức này, trường tuyển 70% tổng chỉ tiêu mỗi ngành. Theo đó, ngành Kinh doanh quốc tế có mức điểm chuẩn cao nhất vào Học viện Ngoại giao với 23,82 điểm...

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm năm 2024. Theo đó, điểm chuẩn theo phương thức xét chứng chỉ quốc tế ACT/SAT vào hai trường đều vào top rất cao.

Năm nay, Đại học Kinh tế Quốc dân dành 5% chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ SAT và ACT; 45% chỉ tiêu xét tuyển bằng các chứng chỉ HSA, APT, TSA và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với 1 trong 3 loại chứng chỉ này; 30% chỉ tiêu xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. 20% chỉ tiêu còn lại dành cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2024.

ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ dành 20% chỉ tiêu còn lại dành cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2024. 5% chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ SAT và ACT; 45% chỉ tiêu xét tuyển bằng các chứng chỉ HSA, APT, TSA và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, 30% chỉ tiêu xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trong 66 ngành xét tuyển kết hợp vào trường, có 9 ngành lấy điểm SAT từ 1.500 trở lên.

Cùng với đó, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực và chứng chỉ quốc tế SAT, ACT. Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia tổ chức, thí sinh cần đáp ứng điều kiện tiếng Anh, trong đó điểm trung bình chung môn Tiếng Anh mỗi học kỳ trong 5 học kỳ bậc THPT đạt tối thiểu 7.0 hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS đạt từ 5.5 trở lên hoặc có chứng chỉ TOEFL iBT đạt từ 72 trở lên.

Điểm chuẩn tăng cao khiến phụ huynh và thí sinh khá bất ngờ. Chị Lê Dung ở Hà Nội cho biết, so với điểm chuẩn năm trước, năm nay tăng khá nhiều. Chính vì có ngành tăng tới 2 - 3 điểm nên thí sinh và phụ huynh không thể lường trước được để đăng ký. Con gái chị có chứng chỉ Ielts 6.5 và học lực 2 năm lớp 11, 12 giỏi nhưng không trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng và Trường ĐH Thương mại. Đáng tiếc nhất là con vừa đủ điểm chuẩn vào một ngành của Học viện Ngân hàng nhưng lại không trúng tuyển vì xét tiêu chí phụ.

Và dễ như vào… ĐH?

Trái với mức điểm chuẩn xét học bạ cao chót vót 8 - 9 điểm/môn vẫn trượt, nhiều trường ĐH công bố điểm chuẩn trúng tuyển một số ngành khá thấp, chỉ từ 5 điểm/môn. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương công bố điểm chuẩn xét tuyển học bạ THPT năm 2024 từ 15 - 22 điểm, ngoại trừ khối ngành sức khỏe. Điểm xét tuyển này đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng nếu có. Với thí sinh có điểm ưu tiên, điểm học bạ thấp hơn 5 điểm/môn cũng có thể trúng tuyển ĐH. Tương tự, Trường ĐH Kiên Giang công bố danh sách hơn 900 thí sinh đạt điều kiện xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ THPT. Ngoài hai ngành sư phạm, toàn bộ các ngành còn lại của trường đều có điểm xét tuyển học bạ từ 15 - 16 điểm. Trong đó có 7 ngành có điểm xét tuyển 15 và 15 ngành có điểm xét tuyển 16.

Không ít ý kiến cho rằng, để vào học ĐH trong mấy năm nay không hề khó. Không ít trường tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo vạt tép”, nên chất lượng giảm đáng kể so với trước đây. Anh Tuấn Anh ở TP HCM thẳng thắn cho rằng: “Đây là nguyên nhân của việc nhiều cử nhân của trường ĐH “làng nhàng” đi làm thợ hồ, chạy grab bike, bưng bê cho quán ăn... Bởi mấy năm gần đây nhiều trường mở tùm lum ngành, xét tuyển điểm vô tội vạ để vơ vét sinh viên. Bên cạnh đó, quan niệm của các bậc cha mẹ cũng như xã hội vẫn “sính” bằng cấp…”. Trái với quan điểm trên, chị Ánh Hồng, Hà Nội lại cho rằng, các em có quyền được học lên đại học, chỉ cần các trường thắt chặt quá trình đào tạo để bảo đảm chất lượng. Một lao động bình thường có qua ĐH vẫn hơn là chưa qua ĐH. Các trường ĐH vẫn rộng cửa thì hãy để mọi người vào, bản thân mỗi người còn 4, 5 năm thử thách học tập, ra trường vẫn còn thị trường chọn lọc, các doanh nghiệp có quyền tuyển chọn”.

Về phía các trường ĐH, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sớm cũng bội thu với các năm trước. Tại Trường ĐH Công thương TP HCM, số lượng hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT đã được khoảng 10.000 cùng 2.000 hồ sơ xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh riêng của trường với đối tượng học sinh 3 năm bậc THPT xếp loại giỏi và điểm tiếng Anh từ 8 trở lên. “Chỉ riêng phương thức xét học bạ, lượng hồ sơ năm nay tăng gần 20% so với năm ngoái (năm ngoái 7.800 hồ sơ)”, ThS. Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp nói. Tương tự, tại Trường ĐH Tài chính - Marketing TP HCM, TS. Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng cho biết, so với năm 2023, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển sớm tăng gần 20%. Trong khi đó, số hồ sơ nộp nhiều nhất có thể kể đến Trường ĐH Văn Lang với gần 46.000 hồ sơ cùng khoảng 110.000 nguyện vọng.

Dù số lượng hồ sơ xét tuyển sớm tăng mạnh nhưng nhiều trường vẫn lo lắng bởi chỉ tiêu năm nay có cao hơn năm trước nhưng ở hình thức xét tuyển sớm này tỷ lệ ảo cũng rất “khủng”. TS. Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho hay: “Ở phương thức xét tuyển sớm, đa phần các thí sinh đều xét tuyển cùng lúc nhiều ngành, nhiều trường nên tỷ lệ ảo rất cao. Với kinh nghiệm làm tuyển sinh lâu năm, phương thức này có thể ảo lên đến trên dưới 80% tùy vào từng ngành, từng trường. Do đó, việc gọi tỷ lệ trúng tuyển bao nhiêu là phù hợp cũng khiến những người làm tuyển sinh đau đầu”.

Chất lượng nhân lực kém vì giá trị ảo?

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2024, có 20 phương thức tuyển sinh của các trường ĐH. Trong đó, phương thức được nhiều trường sử dụng là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ… Điều này nảy sinh bất cập là không ít trường ĐH sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển, có phương thức chỉ tuyển khoảng trên 10 chỉ tiêu cho mỗi ngành, vừa gây rối cho thí sinh, vừa không công bằng.

Tại Hội nghị tuyển sinh 2024, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, thực trạng này gây nhiễu thông tin. Nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký dẫn tới kém hiệu quả, chưa bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Các cơ sở đào tạo cần phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả, có phương án xét tuyển để bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự cổ súy giá trị ảo này nên bằng ĐH ở không ít trường đã tạo nên một thế hệ tốt nghiệp ĐH nhưng chỉ có thể chạy xe ôm, xuất khẩu lao động. Những mảng cần thợ chuyên môn cao thì thiếu, do không ai muốn cầm bằng thợ. Các trường nếu rộng cửa vào thì nên hẹp cửa ra - siết lại chất lượng đào tạo.

Cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm

Nhằm bảo đảm công bằng và quyền lợi của thí sinh, Bộ GD&ĐT lưu ý, cơ sở đào tạo không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ hồ sơ…).

Với các thí sinh, Bộ GD&ĐT lưu ý, thí sinh chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học lên hệ thống từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7/2024. Các thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm cũng phải đăng ký các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống như các thí sinh khác.

Đọc thêm

Thủ đô rực rỡ cờ hoa trong ngày lễ Khai giảng

Thủ đô rực rỡ cờ hoa trong ngày lễ Khai giảng
(PLVN) - Sáng 5/9, khoảng 23 triệu học sinh cả nước tham dự Lễ khai giảng năm học 2024-2025 trong không khí rộn ràng, rực rỡ cờ hoa. Tại Hà Nội, gần 2.3 triệu học sinh thành phố cũng háo hức tham dự lễ khai giảng.

Cảnh báo người trẻ sau phát ngôn vô ơn của Chu Vinh

Cảnh báo người trẻ sau phát ngôn vô ơn của Chu Vinh
(PLVN) - Dư luận cả nước đang dậy sóng trước phát ngôn gây tranh cãi của Chu Ngọc Quang Vinh- nam sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái. Chu Vinh là một người từng giành vòng nguyệt quế trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

‘Gieo chữ’ giữa đại ngàn Trường Sơn

Các cô đến từng nhà động viên tinh thần phụ huynh học sinh đưa con em đến trường.
(PLVN) - Giữa đại ngàn Trường Sơn, thầy, cô giáo cùng các chiến sĩ quân hàm xanh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đang từng ngày nỗ lực mang tình yêu thương, rèn từng nét chữ, giúp học sinh vùng cao có được kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống.