Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài “Cần làm rõ vụ xuất khẩu lao động “chui”, “Lộ diện đường dây đưa lao động sang Na Uy trái phép” phản ánh về việc Giám đốc Cty CP Thương mại đầu tư xây dựng và Cung ứng lao động 19/5 (gọi tắt là Cty 19/5) kí hợp đồng đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) trái phép.
Sau khi báo đăng, Cơ quan Điều tra (CQĐT) Công an Nghệ An đã vào cuộc điều tra xác minh và có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Huy Tưởng về hành vi “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
Theo cáo trạng của VKSND TP. Vinh, Nguyễn Huy Tưởng là Giám đốc Cty 19/5, mặc dù không được cơ quan có thẩm quyền cho phép đưa người đi XKLĐ cũng như cung ứng lao động. Mặt khác, Việt Nam và Na Uy chưa ký kết hiệp định hợp tác lao động, nhưng ngày 23/7/2013, Nguyễn Huy Tưởng đã đại diện Cty 19/5 ký hợp đồng với ông Trương Xuân Điều (bố đẻ anh Trương Công Thành) về việc ủy quyền cho Tưởng làm thủ tục visa đi Na Uy trong thời hạn 12 tháng với mức lương 2.000 USD/tháng.
Tổng chi phí làm hồ sơ XKLĐ là 18.000 USD, ông Điều đặt cọc trước 2.000 USD, khi có visa sẽ thu tiếp 10.000 USD. Cùng ngày, ông Điều đã đặt cọc cho Tưởng 2.000 USD, hộ chiếu, sổ hộ khẩu…
Sau khi nhận đặt cọc, Tưởng ra Hà Nội gặp Soái Thị Thu Phương – nhân viên văn phòng Trung tâm Hỗ trợ nhân đạo Đông Nam Á, đưa cho chị Phương 2.000 USD và các giấy tờ tùy thân của anh Thành nhờ chị này làm visa du lịch cho anh Thành.
Trước đây, Phương có quen biết với ông Kim Fat (quốc tịch Singapore) chuyên làm dịch vụ visa nên Phương đồng ý và mang số tiền trên cùng giấy tờ cho ông Kim Fat.
Ngày 20/8/2013, Tưởng thông báo cho ông Điều đã có visa của anh Thành và yêu cầu ông nộp tiếp 10.000USD. Trong ngày, ông Điều đã nộp cho Tưởng số tiền trên. Sau khi nhận được tiền, Tưởng đã chuyển vào tài khoản ông Kim Fat để ông này đưa anh Thành sang Na Uy.
Theo giấy hẹn, sáng 24/8/2013 Tưởng đưa Trương Xuân Thành ra Hà Nội gặp ông Kim Fat, sau đó ông này cùng với Soái Thị Thu Phương đưa Thành sang Hà Lan, sau đó tiếp tục bay sang thủ đô Oslo (Na Uy).
Sang đến nơi ông Kim Fat quay về, anh Thành được người quen của Tưởng đón và hứa bố trí việc làm. Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi không bố trí được việc làm nên anh Thành tự ra ngoài xin việc thì bị Cảnh sát nước này bắt giữ.
Ngày 30/1/2014, TAND thành phố Oslo đã xử, buộc trục xuất anh Thành về Việt Nam, khi về nước anh Thành đã làm đơn tố cáo hành vi của Nguyễn Huy Tưởng.
Tại CQĐT, Tưởng đã thừa nhận các hành vi phạm tội của mình, sau khi có đơn của ông Điều và anh Thành thì Tưởng đã trả lại cho ông Điều số tiền 2.000 USD. Trước đó, nhiều lần TAND TP.Vinh phải hoãn phiên tòa vì Nguyễn Huy Tưởng vắng mặt không đến phiên tòa.
TAND TP.Vinh đã yêu cầu Cơ quan Công an TP.Vinh truy nã Tưởng. Tuy nhiên, sau hơn một tháng vẫn không có thông tin gì về Tưởng, thời điểm diễn ra phiên tòa Tưởng cũng không có mặt, TAND TP.Vinh đã đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Huy Tưởng mức án 3 năm tù về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
Về mặt dân sự, Nguyễn Huy Tưởng có trách nhiệm phải hoàn trả lại số tiền đã nhận từ ông Điều là 10.000USD.
Được biết, trước đó Tưởng đã từng có tiền án về tội đánh bạc, chưa được xóa án tích. Hiện cảnh sát vẫn tiếp tục truy nã Nguyễn Huy Tưởng./.