Văn hóa lễ cưới- nhiều điều suy ngẫm

Hơn mười năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tạo sự chuyển biến tích cực và được sự đồng tình của số đông người dân, song thực tế, việc tổ chức lễ cưới thế nào cho tiết kiệm và có văn hóa vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Có phải “phú quý sinh lễ nghĩa”?

 

Nhớ lại những đám cưới cách đây hơn hai chục năm, nhiều người nuối tiếc: “Đám cưới ngày ấy sao mà vui thế!” Vui ở đây có nhiều nghĩa, chỉ cần thuê hội trường, nhà trai chuẩn bị bánh kẹo, trà thuốc, một ban nhạc sống với tiếng hát góp vui của bạn bè cô dâu chú rể, mà sao rộn ràng, hân hoan. Người đến dự mang tặng cô dâu chú rể những tặng phẩm cần thiết cho cuộc sống gia đình mà sâu nặng nghĩa tình. Mọi người cùng vui vẻ, cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng.

 

Ngày nay cuộc sống khá hơn trước nhiều, kinh tế phát triển, “cả đời người chỉ có một lần, phải tổ chức sao cho hoành tráng chứ”- đó là suy nghĩ của không ít người. Và “phú quý sinh lễ nghĩa”. Một đám cưới đón dâu với hàng chục chiếc xe con đi thuê, thêm vài chiếc xe bảy hoặc mười sáu chỗ. Có đám cưới ở quê mời đến hàng trăm mâm, có đám tổ chức ăn trong mấy ngày… Nhìn ra thế giới, mới thấy đời sống người ta khá hơn mình nhiều, nhưng đám cưới của họ đâu có rườm rà, phức tạp, phiền toái đến thế. Và thực tế, chung quanh ta, một số gia đình có đời sống khá giả, có điều kiện kinh tế song họ tổ chức cưới cho con hết sức nhẹ nhàng, phạm vi hẹp và báo hỷ cho bạn bè. Tiếc rằng những đám cưới như thế chưa được nhân rộng.

 

Hình thức “trả nợ miệng”

 

Ông cha ta có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Có lời mời đến chung vui với hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ, quý lắm chứ. Song khốn nỗi, khách mời nhiều khi chỉ quen sơ sơ với bố mẹ của cô dâu chú rể. Đi ăn đám cưới về cũng nào có biết cô dâu, chú rể làm gì, bao nhiêu tuổi? Gia chủ không mời thì áy náy, trong cùng cơ quan chẳng lẽ mời người này không mời người kia, hóa ra nhất bên trọng, nhất bên khinh. Vì vậy, không hiếm những trường hợp cùng một cơ quan, khác đơn vị, không biết nhau, nhưng được mời theo danh sách bảng lương. Người được mời không đi cũng không đành, có đi cũng không thoải mái. Đành gửi tiền mừng vậy, mà mừng thì ăn cũng thế, không ăn cũng vậy. Gia chủ nhận quà cũng áy náy… Đấy là chưa kể, việc đi dự cưới là hình thức “trả nợ miệng”, ông đã đi dự cưới con tôi thì tôi phải đi dự đám cưới con ông bà.

 

Một đám cưới hiện nay đặt ở nhà hàng gần 200.000 đồng/ suất, không kể đồ uống. Những nhà hàng, khách sạn sang trọng, một suất đặt lên đến 300.000-400.000 đồng. Người đi ăn biết mừng sao đây? Đám cưới bình thường cũng phải mừng 300.000 đồng, sang trọng hơn thì 500.000 đồng. Ôi thôi! Cả tháng lương của một người lao động, một cán bộ công chức chỉ đủ đi mừng vài đám cưới. Có người quen cả cô dâu và chú rể, được cả hai họ cùng mời. Thế là đi ăn đám cưới hai lần, vẫn cô dâu ấy, chú rể ấy. Những chuyện thế này, biết rồi khổ lắm nói mãi! Giá như, gia chủ thu hẹp phạm vi khách mời để vừa tiết kiệm, vừa giảm bớt gánh nặng cho nhiều người.

 

Mong có nhiều đám cưới văn hóa, trang trọng, tiết kiệm

 

Tổ chức một đám cưới sao cho văn hóa, lịch thiệp, trang trọng sẽ để lại ấn tượng đẹp trong lòng mọi người. Khách đến dự cưới ai cũng mong được hòa mình trong không khí trang trọng, thân thiết, chìm đắm trong tiếng nhạc du dương nhẹ nhàng, vừa trao đổi, trò chuyện cùng người bên cạnh. Song đáng tiếc, nhiều đám cưới hiện nay, khách vừa ăn vừa bị “tra tấn” bởi tiếng nhạc, tiếng gào hét của những ca sĩ đến mua vui.

 

Một điều đáng buồn nữa là đang xuất hiện dịch vụ phục vụ đám cưới của các em nhỏ. Những bé gái, bé trai kháu khỉnh, xinh xắn đi nâng váy cho cô dâu. Có phải các em là con cháu của hai họ không? Không. Các em đi làm thuê và nhận tiền. Một dàn diễn viên nhí trên dưới mười tuổi, vừa nhảy, vừa múa quay cuồng trên sân khấu, ăn mặc thậm chí nhiều khi cũng thiếu thốn như các cô chú ca sĩ.  Các em là con cháu của hai họ chăng? Không. Các em múa thuê và được tiền. Các em đang mua vui cho cô dâu chú rể và khách mời. Bố mẹ các em có suy nghĩ gì khi chứng kiến cảnh này?  Các ông bầu không biết hay cố tình vi phạm luật lao động đối với trẻ em? Khách dự cưới ngồi ăn mà cảm thấy xót xa, áy náy, có điều gì thật không phải với các em. Phong trào này đang rộ lên vài tháng nay, xuất hiện ở một số nhà hàng, khách sạn lớn của thành phố. Đã có nhiều người đi dự cưới cảm thấy bất bình. Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, phải chăng đã đến lúc cần lên tiếng?

 

Lễ cưới là một phong tục đẹp, một nét văn hóa truyền thống trong đời sống của người dân Việt. Thiết nghĩ nên giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp, bỏ đi những rườm rà, hình thức, tốn kém để có một đám cưới văn hóa, trang trọng, tiết kiệm.

 

Thu Nga

(Ban Tuyên giáo Thành ủy)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.