Văn hóa là bền gốc sâu rễ chứ không thể ăn xổi ở thì

Cái tin người ta làm trẻ di tích thành nhà Mạc ở Tuyên Quang đang làm sửng sốt nhiều người. Một cái cổng thành cổ kính rêu phong tồn tại hàng năm trăm năm, bỗng chốc trở thành một cái... lò gạch, tươi roi rói.

Cái tin người ta làm trẻ di tích thành nhà Mạc ở Tuyên Quang đang làm sửng sốt nhiều người. Một cái cổng thành cổ kính rêu phong tồn tại hàng năm trăm năm, bỗng chốc trở thành một cái... lò gạch, tươi roi rói. Và điều đáng nói là người ta đã bỏ ra hàng mấy chục tỉ để "cải tạo" nó, trong đó có việc đổ hàng tỉ vào để cạo sạch rêu phong và những cái cây cổ thụ bốn năm trăm năm ôm kín cổng thành. Ở đây lại đặt ra vấn đề bảo tồn di tích, lớn hơn, đụng đến vấn đề văn hóa.
   
Múa hát cồng chiên.
Múa hát cồng chiên.
Mấy chục năm tìm hiểu và học hỏi văn hóa Tây Nguyên, tôi nghiệm ra một điều rất đơn giản: Văn hóa quyết không chỉ là cái bề nổi, là cờ đèn kèn trống, là những đám đông sắc màu. Văn hóa phải là cái gì đấy lặn vào bên trong, nó tiềm ẩn và sâu sắc, nó tích lũy và điềm đạm, nó thậm chí rất cô đơn và khó hiểu. Nó là văn hiến, là toàn bộ giá trị xã hội do con người viết hoa tạo ra. Erotxtrat, kẻ đốt đền vĩ đại, rất nổi tiếng trong lịch sử, nhưng y không phải là hiện thân của văn hóa. cũng như thế, Polpot, Hít Le, Tần Thủy Hoàng... không phải là văn hóa dù họ có thể tạo nên những giá trị, nhưng đấy là những giá trị phản văn hóa. Trong khi Hồ Chí Minh là một giá trị văn hóa. Tôi thấy nhà văn Nguyên Ngọc đã rất tường minh khi ví văn hóa như là cái thắng (phanh xe). Vâng, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, trong không khí mà mọi người lo đổ xô và quay cuồng làm giàu bất chấp mọi giá trị, thì văn hóa chính là, và phải là, cái thắng để giữ con người dừng lại ở bến bờ của sự hướng thiện hướng mỹ, ở bến bờ của yêu thương và khát vọng làm người. Phát huy và giữ gìn văn hóa Tây Nguyên không gì hơn là phải có một chính sách vô cùng hợp lý, sáng suốt và thuận quy luật. Nếu không thế thì chiêng chả ai chơi, dù ngành văn hóa có mua cho mỗi gia đình một bộ chiêng chứ không chỉ mỗi làng một bộ như hiện nay, hay dù nhà nước có liên tục tổ chức các Festival như đã làm... cũng như thế là các giá trị văn hóa khác. Vấn đề là, văn hóa đã tham gia rất rộng lớn và sâu sắc đến đời sống xã hội hiện đại, vì thế, nếu chỉ một sai sót, chứ chưa nói đến sai lầm, về văn hóa thì sẽ là rất tai hại, vì không ai có thể khôi phục lại được ngôi thành nhà Mạc đã trường tồn suốt năm trăm năm nay, nhưng biến nó thành cái lò gạch như hiện nay thì không cần văn hóa. Thế tức là làm ra văn hóa thì rất khó mà phá nó thì dễ vô cùng. Văn hóa vì thế thường được gắn với sự mỏng manh, yếu đuối, kể cả khi nó được lặn vào tâm thức, vào bản lĩnh đám đông, tưởng như trường tồn nhưng vẫn mong manh dễ vỡ, và vì thế mới thấy cần phải ứng xử với văn hóa gượng nhẹ và cẩn trọng đến mức nào. Theo thống kê thì hiện nay văn hóa truyền thống Tây Nguyên đang mai một, biến mất rất nhiều. Số lượng các nhà rông truyền thống, các dàn chiêng và đội chiêng, các nghệ nhân và các nghề thủ công truyền thống ở Tây Nguyên đang bị mai một ghê gớm. Trong khi đó thì một số tập tục cũ, thậm chí man rợ trỗi dậy, điển hình là hai vụ nghi ma lai và thư ở huyện Mang Yang và Chư Sê năm nào, dân làng đã giết 4 người vô tội vì nghi họ là ma lai, có thuốc thư... Bên cạnh đó, một số người lợi dụng các yếu tố này để xúi giục một bộ phận dân chúng làm bậy, gây mất ổn định xã hội. Nói đến văn hóa Tây Nguyên, không thể không nhắc đến cồng chiêng. UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Thế mà tin lành Đề Ga lại xúi dân không chơi chiêng, đập bỏ chiêng. Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là trong đời sống văn minh hiện nay, khi mà các nhạc cụ hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều, càng rẻ và càng tiện lợi thì càng ngày cồng chiêng càng... được treo cất nhiều hơn, được chuyển đổi mục đích sử dụng như... mang bán chẳng hạn. Một số may mắn có giá trị thật sự thì được các tay mua đồ cổ sưu tầm cất giữ. Số kém hơn thì được cân đồng nát... Chiêng là môn nghệ thuật tập thể, có tính cộng đồng, cần phải đông người. Để có một cuộc chơi chiêng cần hội đủ 3 thành phần là người chỉnh sửa âm thanh (lên dây chiêng), người chơi chiêng và người xoang. Đời sống buôn làng bây giờ đã khác, nhanh hơn, gấp hơn, tính cá nhân đang lấn át tính cộng đồng. Nó phù hợp với sự phát triển của xã hội nhưng lại không phù hợp với... chiêng nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung. Thêm nữa, bây giờ các nhạc cụ hiện đại như ghi ta, organ với tiết tấu nhanh, công năng nhiều, dễ sử dụng, có thể chơi mọi nơi mọi lúc. Rồi sự ảnh hưởng của đạo tin lành ở một bộ phận người Tây Nguyên khi nó xui họ không... chơi chiêng, đặc biệt trong các đám chết... làm cho cồng chiêng đang rời xa đời sống cư dân Tây Nguyên... Nguy cơ mai một cồng chiêng trong đời sống cư dân Tây Nguyên là có thật. Theo thống kê của sở Văn hóa Thông tin Gia Lai thì trước năm 1980, cả tỉnh có hàng chục ngàn bộ cồng chiêng ở các buôn làng. Có nhà sở hữu hai ba bộ chiêng. Mỗi làng có hàng chục bộ (Làng Tây Nguyên chỉ vài chục, thậm chí một chục, nóc nhà). Đến năm 1999 thì chỉ còn 5117 bộ. Năm 2002 còn chưa đầy 3000 bộ. Và bây giờ thì con số ấy còn ít hơn nữa. Cũng tỉnh Gia Lai đã có chủ trương mua tặng cho mỗi làng một bộ chiêng. Vấn đề là giao cho ai giữ bộ chiêng này, bởi không khéo sẽ là “cha chung không ai khóc”. Rồi chất lượng, giá trị của bộ chiêng ấy ra làm sao? Đang có một hiện tượng là có một số tác giả và tác phẩm văn học, báo chí nhìn Tây Nguyên tương đối hời hợt và sai lệch. Họ khai thác Tây Nguyên ở khía cạnh lạ và lạc hậu. Họ không sống đời sống của Tây Nguyên mà cưỡi ngựa xem hoa và “nghe kể”. Và như thế, những đánh giá và nhận xét, những miêu tả và cảm xúc của họ là chưa tương thích với những gì đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên mảnh đất này. Người ta hô hào nhiều về việc bảo vệ và giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng thực sự bản sắc dân tộc là gì và bảo vệ giữ gìn nó như thế nào không phải ai cũng trả lời được một cách thấu đáo và có sức thuyết phục. Rồi cái gì bảo vệ, cái gì giữ gìn, cái gì phát huy, cái gì loại bỏ... hiện nay các ý kiến cũng rất vênh nhau. Sự can thiệp có khi máy móc, phản quy luật của một bộ phận nhiều khi làm cho nền văn hóa truyền thống biến dạng. Và đây là những kẽ hở để kẻ địch lợi dụng. Vai trò ít ỏi còn lại của truyền thống, của tập tục, của các tác nhân tốt đẹp đã không đủ ngăn được sự mù quáng của hàng chục ngàn người tham gia vào các cuộc gây rối năm 2001 và 2004. Nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từng phê phán gay gắt lối làm nhà tái định cư cho đồng bào theo kiểu nhà hộp, vô cảm, vô hồn, vô bản sắc khi ông lên thăm khu tái định cư thủy điện plei Krông ở Kon Tum năm trước. Truyền thống văn hóa buôn làng với tất cả tập tục tốt đẹp ngàn đời, nếu chúng ta biết bảo tồn và phát huy nó, sẽ có tác dụng rất lớn trong việc giữ ổn định và khơi dậy tiềm năng to lớn của nhân dân. Và như thế, rõ ràng không thể áp đặt, không thể cưỡng quy luật, cưỡng thực tại khách quan để phát triển bằng mọi giá...
Văn Công Hùng

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.