"Người Huế cũng theo kịp nhịp đập của đời sống xã hội hiện đại, có điều đừng so sánh họ với con người của tỉnh thành nào khác. Con người nơi đây giữ được nét tinh tế trong cuộc sống họ. Huế tuyệt đối sẽ không bị ảnh hưởng bởi văn hóa xấu dù họ có bị “đầu độc”, TS Phan Tiến Dũng – Giám đốc Sở VHTT & DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận định.
- Ông có thể cho biết năm 2012 du lịch Huế đã đầu tư như thế nào vào cơ sở hạ tầng và cơ sở hạ tầng đó sẽ tiếp tục phát triển ra sao trong năm nay?
- Năm qua, chúng tôi đã tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng vào các khu du lịch cao cấp, các khu resort, khách sạn, nhà nghỉ. Hệ thống về các hoạt động vui chơi, nhiều công trình công cộng để tổ chức lễ hội sinh hoạt cộng đồng, các quảng trường. Đồng thời, chúng tôi đã xây dựng 400 phòng vệ sinh, trong đó có 370 phòng phục vụ cho nam, nữ, 30 phòng cho người khuyết tật đáp ứng nhu cầu của khách càng tăng về những năm sau đối với Huế.
- Nếu khách du lịch tới Huế đông hơn, liệu cố đô nhỏ bé có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho khách không, thưa ông?
- Tất nhiên là có thể, cơ sở hạ tầng chúng tôi đảm bảo điều này. Hiện tỉnh đang mở rộng khai thác các vùng đầm phá và biển để mở rộng thời gian lưu trú của khách tại chỗ, khai thác tiềm năng của vùng đầm phá lớn nhất Châu Á. Để tiếp tục thu hút khách du lịch trong thời gian tới, tỉnh đã đề nghị và được Chính phủ cho phép nâng cấp khu sân bay, nhà ga.
Những năm đầu Huế chỉ có 50-60 nước nhưng đến năm 2008 có 80 quốc gia, 2010 có 90 quốc gia và hiện tại có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có người đến đây tham dự các kỳ lễ hội. Tháng 3 tới, sân bay sửa chữa, chúng tôi đã đề cập tới chiến lược tăng cường các tuyến du lịch của khách trong khu vực như: Lào, Thái Lan… theo đường bộ.
Kết nối với cảng hàng không Đà Nẵng để gom khách du lịch đến Huế vào một chuyến để tránh việc đi lẻ tẻ, tạo điều kiện cho khách cảm thấy thoải mái khi di chuyển từ cảng hàng không Đà Nẵng vào Huế bằng ô tô có thể dừng lại bên Lăng Cô, một trong những vịnh biển Đẹp của thế giới. Vì Huế vô cùng hấp dẫn nên khó khăn cũng có thể thành thuận lợi.
- Vậy nếu đông khách quá, Huế có còn giữ được vẻ đẹp yên bình như hiện nay?. Tỉnh sẽ ứng phó thế nào khi Huế trở thành điểm đến danh tiếng thế giới?. Liệu cố đô có bị ô nhiễm văn hóa, ô nhiễm môi trường?.
- Huế là nơi có nền văn hóa, lịch sử truyền thống. Bên cạnh đó, Huế phải luôn luôn mới về thái độ, ứng xử với khách sẽ tốt hơn mọi dịch vụ. Nói Huế là một thành phố ồn ào mà chạy trốn thì không đúng bởi con người Huế không phải lúc nào cũng thâm trầm mãi mà có những tiến bộ.
Người Huế cũng theo kịp nhịp đập của đời sống xã hội hiện đại, có điều đừng so sánh họ với con người của tỉnh thành nào khác. Con người nơi đây giữ được nét tinh tế trong cuộc sống họ. Huế tuyệt đối sẽ không bị ảnh hưởng bởi văn hóa xấu dù họ có bị “đầu độc”. Ví dụ du khách đi vào các lăng tẩm nhưng ăn mặc quá “lố” chúng tôi sẽ cho thuê đồ áo cung đình. Còn việc ô nhiễm môi trường cũng được đẩy lùi vì Huế đang hướng tới du lịch xanh.
Nhìn chung Huế không hề đóng cửa mà sự tiếp nhận về kiến trúc đô thị, sinh hoạt xã hội về cả đời sống nghệ thuật thì Huế có sự chọn lọc. Như vậy, sắp tới ở Huế cũng cần giữ lại những khu vực cần thiết, giữ gìn những môi trường truyền thống và đồng thời phải có một khu vực để tiếp nhận đời sống đương đại chứ Huế không lạc hậu...
- Xin cảm ơn ông!
Bào Hòa (thực hiện)