Vấn đề giảng dạy sách Tiếng Việt CNGD: Hoang mang vì xem xét kiểu “thầy bói xem voi”

Giáo viên hướng dẫn các em "Tách lời thành tiếng" theo quy trình 4 việc
Giáo viên hướng dẫn các em "Tách lời thành tiếng" theo quy trình 4 việc
(PLO) - Thời gian gần đây, vấn đề giảng dạy sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục (CNGD) đang “nóng” dần lên từng ngày trên mạng xã hội. Nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng cho việc học của con mình. Tuy nhiên, thực tế hiểu biết của các phụ huynh và dư luận về chương trình này đã thực sự đúng và đầy đủ?

Khi sự việc bị kéo đi quá xa

Chưa bao giờ vấn đề giáo dục tiểu học, đặc biệt là lớp 1 lại được các bậc phụ huynh và dư luận quan tâm đến thế. Đi đâu cũng thấy mọi người bàn tán về Tiếng Việt CNGD. Đa phần đều mang tâm lý phản đối và bất an, lo lắng. Tuy nhiên, sự bàn tán của mọi người chủ yếu dựa vào những thông tin tiếp cận từ mạng xã hội mà không có một sự tìm hiểu cặn kẽ và chi tiết. Từ đó, dư luận rất dễ bị dẫn dắt đi theo một hướng sai lệch, phiến diện và cục bộ, gây nên những hệ lụy đáng tiếc.

Những thông tin trên mạng xã hội đăng tải cắt khúc, không trọn vẹn chương trình Tiếng Việt CNGD làm cho các bậc phụ huynh và dư luận hiểu lầm, lo lắng. Tại sao lại có vấn đề nhìn ô vuông đọc thành chữ, còn nhìn chữ thì lại không biết?

Đồng thời, đa phần mọi người đều cho rằng chương trình Tiếng Việt CNGD của GS Hồ Ngọc Đại là chương trình cải cách tiếng Việt giống theo kiểu của PGS Bùi Hiền. Ngoài ra, mọi người còn nghĩ tiếng Việt sẽ bị thay thế bởi các hình khối “vuông vuông, tròn tròn, tam giác”…

Tuy nhiên, trên thực tế thì ý tưởng cải cách tiếng Việt của PGS Bùi Hiền là làm thay đổi chữ viết tiếng Việt, viết theo một cách khác. Ngược lại, chương trình Tiếng Việt CNGD của GS Hồ Ngọc Đại chỉ thay đổi phương pháp tiếp cận cho học sinh dễ tiếp thu và cải thiện việc học chứ hoàn toàn không làm thay đổi chữ viết tiếng Việt. Tiếng Việt vẫn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có của dân tộc. Việc quy chụp, đánh đồng 2 chương trình này lại với nhau thực sự là một sai lầm đáng tiếc trong cách nghĩ của dư luận.

Còn việc cho rằng chương trình này sẽ dùng các hình khối: vuông, tròn, tam giác để thay thế tiếng Việt thì lại càng sai lầm. Gần đây, mạng xã hội nổi lên trào lưu nhắn tin, bình luận hay đăng các dòng trạng thái theo kiểu “vuông vuông, tròn tròn, tam giác”, thậm chí hát những bài hát “tròn, vuông, tam giác”... Điều này chỉ là hình thức “tát nước theo mưa” càng gây thêm sự hiểu lầm trong dư luận.

Các hình vuông, hình tròn đó chỉ là một phương pháp giảng dạy để học sinh nhìn vào đọc và phân biệt số tiếng mà thôi chứ không thể nào thay thế tiếng Việt.

Người trong cuộc nói gì?

Cũng như nhiều nơi khác, nhiều phụ huynh ở TP Cần Thơ cũng rất hoang mang. Phóng viên đã đến tìm hiểu tại Trường Tiểu học Ngô Quyền - một trong những trường điểm của TP Cần Thơ.

Cô Đinh Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết, Trường đã áp dụng chương trình này từ năm học 2016 – 2017 và đã thực hiện đại trà trong 2 năm học. “Khi chuẩn bị đưa vào áp dụng, Trường đã nghiên cứu, tham khảo rất kỹ ở các trường bạn và chuẩn bị rất kỹ công tác tập huấn chuyên sâu cho giáo viên”.

Đồng thời, cô Thảo còn cho biết, có rất nhiều phụ huynh thắc mắc về chương trình này lên gặp nhà trường và giáo viên hỏi và đã được hướng dẫn, giải thích thỏa đáng. Theo cô Thảo, “hiện nay, đa phần mọi người đang lầm tưởng giữa chương trình Tiếng Việt 1 CNGD là cải cách tiếng Việt nên họ mới hoang mang, lo sợ”. Vì vậy, cần phải giải thích để phụ huynh hiểu rõ mọi việc để không đưa trẻ vào rối rắm, hoang mang. 

Học sinh lớp Một đọc theo kiểu “ô vuông, hình tròn” sẽ nhớ lâu hơn.
Học sinh lớp Một đọc theo kiểu “ô vuông, hình tròn” sẽ nhớ lâu hơn.

Cô Trầm Thị Khánh Ly – Giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết, những đoạn clip lan truyền trên mạng về việc chỉ tay vào ô vuông để đọc chỉ là 1 trong 4 việc của phần dạy “Tách lời thành từng tiếng”. “Mục tiêu của bài tiếng là giúp các em nhận biết từ các câu thơ, câu ca dao của tiếng Việt có thể tách từng tiếng đơn rời nhau.

Sau phần tiếng mới được tìm hiểu cấu trúc ngữ âm, vần, luật chính tả, nguyên âm đôi và phần cuối là luyện tập tổng hợp”, cô Ly nói, đồng thời khẳng định, “những mô hình vuông, tròn, tam giác không phải âm hay chữ trong tài liệu CNGD mà chỉ mang tính mô tả cho 1 tiếng phát ra từ lời nói”.

Nói về vấn đề dư luận trên mạng xã hội, cô Ly cho rằng, ông bố trong đoạn clip yêu cầu quá cao ở con mình vì 2 tuần đầu vào học bé chưa tiếp cận chữ cái, chỉ nhận thức lời ca này được tách ra thành nhiều tiếng như vậy thôi chứ không phải đã đọc được những tiếng này.

“Ví dụ câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” các bé cũng có thể chỉ tay vào mô hình đọc lại 2 câu ca dao đó, chứ không phải bắt buộc chỉ tay vào mô hình này chỉ đọc được bài “Tháp Mười đẹp nhất bông sen…” này thôi đâu” - cô Ly khẳng định

Theo cô Nguyễn Thị Hạnh Phúc - Giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền, Tiếng Việt CNGD có nhiều ưu điểm. Nó giúp học sinh đọc thông viết thạo, nắm chắc luật chính tả và học sinh sẽ nắm chắc được ngữ âm tiếng Việt. Cách đánh vần theo cơ chế 2 bước và đọc theo 4 mức độ sẽ giúp học sinh nhớ lâu hơn. Ngoài ra, các thao tác bằng tay sẽ giúp học sinh phát triển được kỹ năng hình thể.

Ở góc độ phụ huynh, chị Quách Huệ Phương - phụ huynh Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết: “Lúc đầu nghe chương trình mới tôi cũng lo nhưng tôi mạnh dạn cho con tôi học. Về nhà, thường kiểm tra việc học của con và nhận thấy cháu học thông viết thạo, chữ viết rõ ràng sạch đẹp”. Anh Nguyễn Hoàng Phương – phụ huynh Trường Tiểu học Lê Qúy Đôn (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết, năm trước con anh học chương trình này anh hơi lo lắng nhưng thấy cháu đọc được, viết được nên anh cũng yên tâm.

Ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ:

Tránh để thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang trong xã hội

Trong buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ hôm qua (13/9), ông Trần Quốc Trung – Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị Sở phải thật sự bình tĩnh, nâng cao nhận thức, ngăn chặn, tránh để những thông tin không đúng sự thật lan rộng gây hoang mang trong xã hội. Đặc biệt, nắm sát tình hình thực tế không làm rầm rộ kẻo dư luận lại “nóng” lên vì vấn đề này. Ngoài ra, khi thí điểm còn khiếm khuyết phải xác định hạn chế chỗ nào để đề xuất Bộ xem xét lại.

Nói về vấn đề sách Tiếng Việt CNGD, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho rằng, đa phần người dân tiếp cận thông tin chủ yếu từ mạng xã hội. Điều này rất nguy hiểm vì những thông tin đó phản ánh không đầy đủ vấn đề dễ dẫn đến cách hiểu sai lầm.

“Cần Thơ rất cẩn thận khi triển khai chương trình này chứ không nhằm báo cáo thành tích. Sách Tiếng Việt CNGD thực chất là đổi mới hình thức dạy học đối với chương trình lớp 1, giúp các em nhanh chóng biết đọc và hạn chế sai chính tả, đã được thẩm định”, bà Thắm khẳng định. Nếu phụ huynh băn khoăn, chưa đồng tình thì có thể chuyển qua học chương trình cũ. Tương tự, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho rằng, nguyên nhân làm phụ huynh bỡ ngỡ là do công tác tuyên truyền chưa “tới nơi, tới chốn”. Thời gian tới Sở sẽ tuyên truyền rộng rãi đến phụ huynh, giáo viên và các cấp ngành trên địa bàn TP.  

Nhìn vào thực tế để xem xét, đánh giá

Nói về vấn đề này ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, chương trình này đã được TP triển khai thực hiện từ năm học 2015 -2016 trên tinh thần tự nguyện của nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Để được đứng lớp giảng dạy chương trình này, giáo viên đã được tổ chức tập huấn, hướng dẫn cặn kẽ, cụ thể.

“Qua thực tế các năm, nhận thấy giáo viên dạy tốt, học sinh đọc, viết được, chuẩn theo yêu cầu. Đến nay số lượng các trường áp dụng ngày một tăng lên”, ông Long chia sẻ. Đồng thời, theo ông Long, thời gian gần đây các đoạn clip đăng trên mạng xã hội về vấn đề Tiếng Việt CNGD rất dễ khiến cho mọi người hiểu lầm vì các đoạn clip đã bị cắt khúc, không thể hiện trọn vẹn chương trình dạy học này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, hiện mạng xã hội đang xôn xao những vấn đề phản ánh chưa đúng sự thật. “Nếu xem hết 1 tiết học của các em thì phụ huynh sẽ hiểu rõ hơn về chương trình này. Phương pháp dạy này là xâu chuỗi nhiều hoạt động. Các đoạn clip trên mạng chỉ cắt 1 đoạn, chỉ là một hoạt động trong 4 hoạt động của chương trình dạy nên xem rất bất hợp lý”, ông Hùng cho biết.

Theo đó, ông Hùng nhắn nhủ: “Trong quá trình triển khai, các cơ quan nên bình tĩnh. Phụ huynh học sinh có thắc mắc thì gặp nhà trường, cô giáo hay những phụ huynh có con em đã học theo chương trình này xem kết quả như thế nào. Đặc biệt, phải nhìn vào thực tế để xem xét, đánh giá”. 

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...