Theo Dự thảo Luật Tố cáo, người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung tố cáo... Như vậy có nghĩa tố cáo nặc danh sẽ không được xem xét giải quyết. Thông tin trên đang gây nên những luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người còn lo lắng, quy định trên sẽ “triệt tiêu” những lá đơn tố cáo chống tiêu cực mà vì nhiều lý do, họ không dám nêu tên và địa chỉ của mình.
Vì sao phải tố cáo nặc danh?
Các hình thức tố cáo theo Dự thảo luật bao gồm: tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo, tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax. Bên cạnh đó, người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung tố cáo và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có.
Cán bộ nhận đơn giải quyết KNTC của người dân
Trước đó, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 quy định: đơn tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo (Điều 65), Nghị định số 136/2006/NĐ-CP cũng quy định không xem xét, giải quyết tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới.
Các quy định của Đảng cũng không xem xét, giải quyết những tố cáo thuộc dạng nêu trên. Theo giải thích của nhà làm luật, tố cáo nặc danh không nên xem xét vì trong tố cáo nặc danh có dạng vu cáo, vu khống, việc xác định trách nhiệm và xử lý đối với người vi phạm là rất khó khăn.
Những quy định trên nhằm phát huy vai trò tích cực, đề cao trách nhiệm của người tố cáo, hạn chế tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để gây rối. Nhưng có một thực tế, hình thức tố cáo nặc danh hiện vẫn diễn ra khá phổ biến, và không phải đơn tố cáo nặc danh nào cũng là dạng tố cáo vu khống. Đã có khá hiều vụ việc tiêu cực được các cơ quan chức năng phát hiện và phanh phui trong thời gian qua cũng nhờ một phần vào những thông tin trong các lá đơn tố cáo nặc danh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thừa nhận: Nguyên nhân của tố cáo nặc danh là bởi bản thân việc tố cáo vốn nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tố cáo. Hơn nữa, hành vi vi phạm của cán bộ, công chức nếu do những người công tác trong cùng cơ quan, đơn vị phát hiện và tố cáo thì do sợ bị trù úm liên lụy nên tố cáo nặc danh.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Phạm Hùng Thắng (Đoàn Luật sư Thanh Hóa) cho rằng: Có thực tế, Kế toán phát hiện Giám đốc Công ty dùng tiền nhà nước chi tiêu sai nguyên tắc, tham ô, hối lộ…Tuy nhiên, nếu ghi rõ tên tuổi thật của mình trong đơn tố cáo lại sợ bị lãnh đạo phát hiện và trù dập, đuổi việc nên không dám đứng tên thật trong đơn.
Nên công nhận tố cáo nặc danh
Mặc dù Dự thảo Luật Tố cáo cũng có những điều luật cụ thể quy định việc giữ bí mật và bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, việc làm của người tố cáo; các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an có trách nhiệm trong việc xử lý người vi phạm quy định pháp luật liên quan đến trả thù người tố cáo. Nhưng thực tế thời gian qua đã có không ít cá nhân khi đứng tên tố cáo chống tiêu cực đã bị trả thù bằng nhiều hình thức…
Ông Đinh Bá Tú (cán bộ về hưu thuộc huyện Từ Liêm - Hà Nội) nhận xét: Việc quy định đơn tố cáo phải có đầy đủ họ tên, địa chỉ của người tố cáo chỉ thuận lợi cho cơ quan chức năng khi xác minh đơn và đi thu thập thông tin, chứ không thuận lợi cho việc tố cáo chống tiêu cực. Quan trọng là đơn tố cáo có nội dung gì, có bằng chứng kèm theo hay không?
Bởi cơ quan chức năng khi điều tra, xác minh phải căn cứ vào những thông tin này. Nếu đơn tố cáo có đầy đủ họ tên, địa chỉ của người tố cáo nhưng lại không có chứng cứ kèm theo hoặc chứng cứ bị sai lệch thì cái nào quan trọng hơn?
Theo tôi được biết, có những đơn thư tố cáo người dân gửi đến cơ quan cấp trên của cơ quan (hoặc cá nhân cán bộ) có sai phạm. Nhưng rồi, nhiều khi cơ quan cấp trên này không giải quyết mà lại chuyển đơn tố cáo về cho cơ quan bị tố cáo xử lý.
Vậy là “tôi tố cáo anh, anh lại xử lý đơn tố cáo của tôi”, như thế là không khách quan, người tố cáo sẽ bị người bị tố cáo “để ý” và “anh ta” sẽ luôn trong tầm ngắm của người này và khó có cơ hội thăng tiến… Hễ có nhất cử nhất động là “anh” lại bị gán cho cái tội để lộ bí mật cơ quan hay không đoàn kết nội bộ...
Từ những nhận định trên, Luật sư Phạm Hùng Thắng đề xuất: Trong trường hợp nếu có những bằng chứng cụ thể và tương đối chính xác trong đơn tố cáo nặc danh thì cơ quan chức năng vẫn có thể chấp nhận và coi đây là một hình thức tố cáo hợp pháp.
Theo tôi, chỉ cần khoảng 30- 50% thông tin trong đơn tố cáo nặc danh là có căn cứ cũng có cơ sở cho cơ quan chức năng tiên hành xác minh, điều tra làm sáng tỏ vấn đề. Nếu không chấp nhận đơn tố cáo nặc danh, cơ quan chức năng sẽ bỏ phí những đầu mối thông tin mà từ đó có thể phát hiện ra các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn…
Vân Thanh