Lâm Đồng là một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Và cũng được xem là “ngân hàng” lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực nuôi cấy mô tế bào thực vật, sản xuất cây giống (invitro).
Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi cấy mô địa Lan sạch bệnh. Ảnh: St |
Tuy nhiên phần lớn các cơ sở nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh đều đang trong tình trạng được “thả nổi”, chưa có sự quản lý hay giám sát chặt chẽ của các cơ quan chuyên ngành. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở nuôi cấy mô chưa thực sự nghiêm túc trong việc thực hiện các nội quy, quy trình sản xuất và các quy phạm pháp lật về lĩnh vực giống cây trồng.
Trong đợt kiểm tra gần đây nhất của Sở NN&PTNT Lâm Đồng về 17 cơ sở nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh, kết quả thực tế cho thấy: 4/17 cơ sở không có nội quy phòng thí nghiệm. 2/17 cơ sở không có quy trình sản xuất riêng, chỉ làm theo sách hướng dẫn và kinh nghiệm. 10/17 cơ sở không niêm yết tiêu chuẩn cây giống tại vườn ươm. 9/17 cơ sở chưa tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật cả Nhà nước (Pháp lệnh Giống cây trồng, văn bản hướng dẫn của Sở NN, tham gia các lớp tập huấn của Sở NN). Con số thống kê sơ bộ trên cho thấy, hầu hết các cơ sở nuôi cấy mô chưa thực sự nghiêm túc trong việc thực hiện pháp lệnh giống cây trồng.
Nhân cấy mô thực vật là một lĩnh vực công nghệ sinh học được các nước trên thế giới phát triển và nghiên cứu, ứng dụng từ rất lâu. Tại Việt Nam, công nghệ này được áp dụng vào những năm cuối của thập niên 1970 và bắt đầu phát triển mạnh trong khoảng 10 năm sau đó ở Lâm Đồng, từ 1978 đến 1995, Đà Lạt mới chỉ có trên 10 box cấy phục vụ công tác nuôi cấy mô thực vật, các đối tượng nhân cấy chủ yếu là cây khoai tây, hoa địa lan và một số giống hoa ngắn ngày. Tuy nhiên, sự bùng nổ công nghệ nuôi cấy mô chỉ thực sự bắt đầu trong những năm gần đây với việc mở cửa đầu tư thu hút nước ngoài. Điều này cũng đã làm thay đổi nhận thức trong canh tác của người dân địa phương cũng như góp phần vào sự phát triển ổn định cho ngành sản xuất rau, hoa của vùng Đà Lạt – Lâm Đồng.
Hiện nay, hai công ty là Rừng hoa Đà Lạt và Bonie Farm có quy mô sản xuất cây giống invitro lớn nhất (khoảng 50 box cấy), số còn lại có quy mô nhỏ dưới 10 box cấy. Quy mô diện tích nhân cấy mô thực vật của các cơ sở trung bình từ 200 đến 250 m2, trong đó diện tích phòng cấy trung bình khoảng 105m2, phòng sáng 135 m2, vườn ươm 650 m2.
Mặc dù đã có bước phát triển đột phá, tuy nhiên do vẫn chưa có sự quản lý chặt chẽ nên hoạt động nuôi cấy mô của các cơ sở vẫn còn nhiều điều đáng phải lưu tâm. Có thể thấy được những mặt hạn chế cơ bản đó là: Một số cơ sở điều kiện vật chất kỹ thuật chưa được trang bị đồng bộ, vẫn còn tình trạng tận dụng nhà ở thành phòng nuôi cấy, phòng sáng. Các cơ sở cung cấp giống nội địa, chất lượng giống chưa được quan tâm, nguồn gốc giống chưa được kiểm tra virus hoặc tách và nuôi cấy đỉnh sinh trưởng trước khi nhân nhanh phục vụ sản xuất, nhiều cơ sở chưa xây dựng tiêu chuẩn cây giống.
Đa số các cơ sở đều ứng dụng kỹ thuật vô mẫu, cấy truyền thuần tuý mà chưa nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến như chuyển gen hoặc cải tiến quy trình nâng cao chất lượng sản phẩm. Hoạt động nghiên cứu chưa có định hướng rõ nét dù đều xuất phát từ thực tế, số lượng đề tài nhiều nhưng nhỏ lẻ, không có tính tổng hợp, liên ngành. Thiếu cán bộ có khả năng tổ chức thực hiện những chương trình, dự án lớn, đội ngũ cán bộ không được thường xuyên cập nhật kiến thức, thiếu thông tin để có thể mạnh dạn “đi tắt, đón đầu”.
Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp Nhà nước hoạt động ít hiệu quả do ứng dụng khoa học công nghệ chưa trở thành “nhu cầu” bức thiết. Các trường đại học lại gần như chỉ phục vụ giảng dạy, chưa tham gia nhiều vào thực tiễn cuộc sống. Việc phát triển ồ ạt các cơ sở nuôi cấy mô cũng dẫn đến tình trạng nguồn cây giống lúc thiếu, lúc dư thừa không ổn định cho thị trường.
Việc ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật là một định hướng quan trọng trong nghiên cứu chọn tạo và nhân nhanh giống mới có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu cây giống của tỉnh. Để Lâm Đồng thực sự trở thành trung tâm không chỉ của cả nước mà còn trong phạm vi khu vực Đông Nam Á, việc quản lý và định hướng cho các cơ sở nuôi cấy mô là vô cùng cần thiết.
Tuấn Linh