Theo báo cáo của UBQLV, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, BCĐ xử lý các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương (BCĐ) và sự vào cuộc của các cơ quan, DN liên quan, đến nay một số dự án, DN đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh.
Với 5 dự án, DN đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xử lý trong năm 2021, Vinachem và PVN đã chủ động khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và triển khai phương án. Từ 2017 đến nay, dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng của Cty CP DAP – Vinachem đã sản xuất ổn định, hàng năm có lãi, đã hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022. Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ – PVN chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY.
Với 7 dự án, DN còn lại, Vinachem đã xây dựng, hoàn thiện phương án xử lý 3 dự án sản xuất phân bón, gồm: Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc; dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai. Bước đầu, các DN này đã duy trì được sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.
Dù ước thực hiện năm 2022 còn lỗ lũy kế 13.195 tỷ đồng, song từ 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi (giá phân bón cao nhất trong 10 năm trở lại đây), nên kết quả sản xuất, kinh doanh của 3 dự án nói trên, DN có cải thiện hơn, tăng hiệu quả 2.815 tỷ đồng so với 2021.
Với 4 dự án, DN còn lại trong danh mục như: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Cty CP Gang Thép Thái Nguyên, dự án Nhà máy Thép Việt Trung, dự án Cty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS); dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam; UBQLV đã có nhiều buổi làm việc, tích cực chỉ đạo các DN khẩn trương có phương án xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc theo pháp luật, báo cáo lãnh đạo Chính phủ để trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị trong quý I/2023.