Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, qua 5 năm thực hiện Nghị định 64/CP về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thành phố, tiến tới xây dựng mô hình chính phủ điện tử đạt được một số kết quả rõ nét trên nhiều lĩnh vực.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành nội bộ
Sở Giáo dục- Đào tạo là một trong những ngành đi đầu ứng dụng CNTT vào quản lý, giảng dạy. Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Vũ Thị Phương Vinh, đến nay, 100% số trường trên địa bàn thành phố ứng dụng CNTT trong quản lý; 85% số giáo viên ứng dụng CNTT vào giảng dạy, hệ thống mạng thông tin, mạng nội bộ ngành phục vụ hiệu quả công tác quản lý, điều hành và giảng dạy. 100% văn bản đi đến từ công văn, giấy mời, thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy, giáo án...được thực hiện, gửi - nhận qua mạng. Qua đó, góp phần tiết kiệm chi phí, giảm thời gian, giấy tờ.
Thực tế trên địa bàn thành phố, còn nhiều đơn vị, địa phương, sở, ngành khác như: hải quan, ngân hàng, thuế, tài chính, hàng không, cảng biển, bưu chính viễn thông... ứng dụng hiệu quả CNTT. Theo ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thành phố những năm qua đạt nhiều kết quả, bám sát định hướng và có kế hoạch. Cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông của thành phố được quan tâm đầu tư và có bước phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Theo đó, mạng viễn thông phủ sóng tới tất cả xã vùng sâu, vùng xa và hải đảo (kể cả đảo Bạch Long Vỹ). Tỷ lệ máy tính bình quân 82 máy/100 cán bộ, công chức; 100% số đơn vị kết nối Internet qua băng thông rộng, 97% số máy tính được kết nối Internet (năm 2007 bình quân 64,57%)…Hệ thống hội nghị truyền hình thành phố triển khai tới 14 quận huyện. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành nội bộ. Thông qua việc triển khai các đề án, dự án ứng dụng CNTT, công tác tin học hoá phục vụ CCHC nhà nước tạo tiền đề đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Nhiều mô hình, cách làm mới hiệu quả phục vụ cải cách hành chính như xây dựng hệ thống “một cửa” tại các quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân. Trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng CNTT đạt 97,8% (năm 2009). Tỷ lệ cán bộ, công chức có kỹ năng ứng dụng CNTT trong soạn thảo văn bản, sử dụng thư điện tử, khai thác Internet, sử dụng phần mềm nghiệp vụ…ngày càng tăng.
Ngành ngân hàng là một trong những ngành sử dụng sớm và hiệu quả công nghệ thông tin trong ọoạt động nghiệp vụ |
Hướng tới mô hình chính phủ điện tử
Với mục tiêu xây dựng mô hình chính phủ điện tử, trên cơ sở đánh giá đúng thực tế mặt được và những hạn chế cần khắc phục, bám sát định hướng chỉ đạo, kế hoạch ứng dụng CNTT của trung ương, thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông xác định mục tiêu cơ bản, chủ đạo xuyên suốt trong ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động cơ quan nhà nước thành phố 5 năm tới. Đó là tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, trên cơ sở đó phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong giai đoạn tới, các sở, ngành, quận, huyện cần bám sát quan điểm chỉ đạo của thành phố: ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước phải nhằm từng bước xây dựng một chính quyền điện tử hiện đại từ thành phố đến các sở, ngành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch trong phục vụ người dân và doanh nghiệp gắn với quá trình cải cách hành chính. Kế thừa, sử dụng tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị, giải pháp phần mềm, nhân lực và các kết quả ứng dụng hiện có; tính toán, lựa chọn phương án đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, điều kiện và từng giai đoạn phát triển từng đơn vị, địa phương; bảo đảm tính thống nhất, tính thực tiễn, tiết kiệm và thực hiện được mục tiêu chung của thành phố…
Ứng dụng CNTT là lĩnh vực mới, phát triển rất nhanh về công nghệ, tốc độ tăng trưởng cũng như phạm vi và khả năng ứng dụng. Bởi vậy, ngoài việc bám sát định hướng, kế hoạch chỉ đạo của thành phố, kế hoạch của ngành, cần sự quyết tâm cao từ mỗi đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ./.
Tiến Đạt