Theo kết quả kiểm phiếu mới nhất do Ủy ban bầu cử trung ương (SIK) Ucraina công bố ngày 8/2, với 98,17% số phiếu được kiểm, ông Yanucôvích giành được 48,55% số phiếu ủng hộ, trong khi đương kim Thủ tướng Yulia Timôsencô (Yulia Tymoshenko), đối thủ của ông Yanucôvích trong vòng hai bầu cử, chỉ giành được 45,86% số phiếu bầu.
Phát biểu với hãng tin Reuters, ông Mikhailô Ôkhenđốpxki (Mykhailo Okhendovskiy), thành viên của SIK, cho biết với hơn 98% số phiếu đã được kiểm, thắng lợi của ông Yanucôvích với khoảng cách gần 3% trước bà Timôsencô là khó thay đổi, thậm chí khoảng cách này được dự đoán sẽ còn giãn rộng hơn do số phiếu chưa kiểm hiện tập trung ở các khu vực miền Đông và Nam, vốn là "thành trì" của ông Yanucôvích. Cho đến thời điểm này, bà Timôsencô vẫn không thừa nhận thất bại của mình.
Theo giới phân tích, dù ông Yanucôvích hay bà Timôsencô thắng cử, tân Tổng thống Ucraina sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó, việc phục hồi kinh tế được cho là bài toán khó khăn nhất.
Năm 2009, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ucraina đã giảm 15% và đồng nội tệ của nước này mất giá 60% kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế cuối năm 2008. Thâm hụt ngân sách của Kiép đang ở mức báo động, khiến các nhà đầu tư nước ngoài lần lượt rút khỏi nước này. Tân Tổng thống Ucraina chắc chắn sẽ phải đề xuất và thực thi nhiều biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm vực dậy nền kinh tế đang lung lay của nước này.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Víchto Yusencô (Viktor Yushchenko) đã phải thừa nhận: "Không một quốc gia châu Âu nào lại suy thoái dữ dội như Ucraina”. Bị tác động nặng nề bởi cơn bão tài chính và kinh tế trên thế giới, các mặt hàng xuất khẩu của Ucraina, chủ yếu trong ngành luyện kim, mất giá mạnh. Ngân sách trong năm qua thâm hụt tương đương 8-10% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm một nửa (tương đương 9,7 tỷ USD) so với năm 2008. Ucraina bị đánh giá là một "con bệnh trầm trọng" phải cầu viện tới Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tháng 11/2008, IMF đã quyết định cho Ucraina vay 16,4 tỷ USD tín dụng. Cho đến nay, 10,6 tỷ USD đã được giải ngân. Kiép đang trông chờ một khoản tín dụng khác trị giá 2 tỷ USD, song đổi lại, IMF yêu cầu Ucraina phải tiến hành cải cách kinh tế và ổn định chính trị.
Một nhà phân tích kinh tế cho rằng trong tình hình khó khăn hiện nay, nếu tân Tổng thống Ucraina đưa ra được các biện pháp cần thiết để giảm bớt thâm hụt ngân sách, chẳng hạn như quyết định nâng giá tiền thuê nhà, tiền khí đốt sưởi ấm… thì sẽ được IMF ưu tiên hơn. Tuy nhiên, những biện pháp như vậy chắc chắn lại không được lòng dân./.