Tại sao kỳ thi lớp 10 luôn “nóng”?
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, sau khi rà soát, phân tích, đánh giá kết quả thăm dò ý kiến dư luận về phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023 - 2024, hầu hết các thầy giáo, cô giáo và phụ huynh học sinh đều đề xuất phương án tổ chức thi 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Nhằm tiếp tục giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục, phụ huynh và học sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ các năm học trước, Sở GD&ĐT đã đề xuất với UBND TP về phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023 - 2024 với 3 môn thi.
Cụ thể, kỳ thi được tổ chức theo hình thức thi tuyển vào 2 ngày 10 và 11/6/2023. Thí sinh tham dự kỳ thi phải làm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn (thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường THCS).
Bài thi môn Toán và bài thi môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài; bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/bài.
Từ phương án thi được phê duyệt, UBND TP Hà Nội yêu cầu công tác tổ chức kỳ thi lớp 10 phải đảm bảo công khai, công bằng, phản ánh đúng chất lượng dạy và học, chống tiêu cực, tránh áp lực cho học sinh và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Thực tế, nếu thi 4 môn đồng nghĩa thí sinh sẽ phải lo ôn thi cả 9 môn học. Bởi môn thứ 4 sẽ là môn bất kỳ trong số các môn còn lại, thường sẽ được công bố vào cuối tháng ba hàng năm để tránh tình trạng thí sinh sẽ chỉ học những môn thi. Nhiều em sau khi có thông tin chốt ba môn thi đã dừng học thêm một số môn mà các em lo lắng như Lý, Hóa, Sử… Do đó, với việc Hà Nội chốt ba môn thi đã nhận được sự đồng tình cao từ phía phụ huynh, học sinh lớp 9 bớt quay cuồng với lịch học thêm dày đặc.
Ở góc độ khác, nhiều học sinh và các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc cạnh tranh để đỗ suất học trường công dù thi 3 môn vẫn không giảm áp lực. Sở GD&ĐT Hà Nội thống kê sơ bộ, số lượng học sinh lớp 9 năm học 2022 - 2023 là khoảng hơn 100.000 em, nhiều hơn so với năm học trước vài trăm em. Việc phân bổ chỉ tiêu lớp 10 cho các loại hình trường năm học 2023 - 2024 vẫn cơ bản ổn định như năm học trước.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên bộ môn Hóa học, Hệ thống giáo dục Học Mãi cho rằng, áp lực thi tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội gây căng thẳng, áp lực cho hàng ngàn học sinh và phụ huynh. Nguyên nhân do thiếu trường công lập, sự kỳ vọng của phụ huynh, áp lực thành tích của đội ngũ giáo viên… chứ không hẳn nằm ở ba hay bốn môn thi.
Theo thầy Ngọc, nguyên nhân lớn nhất gây áp lực học sinh trong kỳ thi này là kỳ vọng từ phía phụ huynh. Khi năng lực của con chỉ đạt ở tầm 7 điểm nhưng phụ huynh luôn muốn con nỗ lực để đạt điểm 9, thi đỗ vào trường tốp đầu, trường chất lượng cao, thậm chí trường chuyên.
Cùng với đó, phương thức Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra cho phép học sinh đăng ký 3 nguyện vọng với cách tính nguyện vọng sau phải cao điểm hơn nguyện vọng trước dễ dẫn đến tính toán sai, mất cơ hội cũng gây ra tâm lý lo lắng cho phụ huynh, học sinh. Đồng thời, phía các trường THCS vẫn căn cứ tỉ lệ học sinh đỗ trường THPT công lập để đánh giá thành tích giáo viên. Do đó, thầy cô và nhà trường cũng tăng sức ép để các con phải có kết quả tốt. Chưa kể, do sức nóng dân số, quỹ đất hạn hẹp, Hà Nội luôn ở mức chỉ có 60% chỉ tiêu dành cho học sinh trường công.
Học không chỉ để thi
Theo thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa thì việc Hà Nội tổ chức thi ba hay bốn môn đang được dư luận bàn tán xôn xao. Có ý kiến phản đối vì cho rằng không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong việc dạy học theo định hướng phát huy năng lực học sinh, dạy học phân hóa định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT. Nhưng cũng có ý kiến ủng hộ thi nhiều môn để tránh việc học sinh học lệch…
Mỗi hình thức thi, số môn thi, hệ số môn đều có mặt tích cực và hạn chế nhất định. Điều xã hội mong chờ là kì thi được tiến hành nhẹ nhàng nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu, chất lượng của kỳ tuyển sinh.
Theo thầy Lực, không cần phải thi ba hay bốn môn hay nhân hệ số môn thi làm gì, chỉ cần thi hai môn Ngữ văn và Toán là đủ đánh giá năng lực học sinh như đã từng áp dụng khá phổ biến trước đó. Vì hai môn này được ví như trụ cột, năng lực cốt lõi mỗi cá nhân con người.
“Nếu thi càng ít môn thì càng giảm tải được áp lực học tập, hạn chế tình trạng học thêm, luyện thi; bớt được kinh phí cho phụ huynh, xã hội. Đây là lợi ích trước mắt. Còn về về lâu dài chúng ta nên bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khi điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu học tập tối đa cho học sinh, tiến tới phổ cập THPT”, thầy Lực nêu quan điểm.
Cũng nhìn từ góc độ với chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ phân luồng định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT, đồng nghĩa với việc các em sẽ không học hết các môn đầy đủ như ở cấp THCS. Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên bộ môn Hóa học, Hệ thống giáo dục Học Mãi cho rằng, ở cấp THPT cho phép học sinh chọn môn học nên việc hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản ở cấp THCS càng phải trọn vẹn.
Theo thầy Ngọc, với tâm lý học để thi, nếu thi ba môn, học sinh có thể bỏ bê Lý, Hóa, Sinh ở cấp THCS vì lên bậc THPT các em sẽ không chọn các môn này. Như vậy, các em khi vào đời sẽ khiếm khuyết hẳn một phần cơ bản nhưng lại rất quan trọng trong cuộc sống. “Cá nhân mỗi người có thể thiếu tri thức và tự chịu trách nhiệm với bản thân, nhưng khi số người bị hụt tri thức là rất đông do chế độ thi cử thì hậu quả xã hội không nhỏ. Phụ huynh nên suy ngẫm về việc học để sống, chứ không phải chỉ để thi”, thầy Ngọc chia sẻ.