Trước đăng ký dự thi (ĐKDT), thí sinh cần căn cứ vào năng lực của bản thân, lời khuyên của thầy cô, gia đình. Ngoài ra, cần xem lại sở trường cũng như điều kiện kinh tế gia đình, đầu ra sau khi tốt nghiệp, chứ không nên vội vàng nộp hồ sơ ĐKDT.
Những lời khuyên trên đây được Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Ngô Kim Khôi đưa ra khi trao đổi với Đất Việt về một số nội dung liên quan đến kỳ thi ĐH, cao đẳng (CĐ) năm 2010. Ông Khôi cho biết, ngày 10/3 tới là thời điểm thí sinh trong cả nước sẽ bắt đầu nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi ĐH, cao đẳng năm 2010.
Thí sinh cần căn cứ vào năng lực của bản thân, lời khuyên của thầy cô, gia đình và điều kiện kinh tế gia đình. |
13/3 sẽ phát hành Cẩm nang tuyển sinh
- Thưa ông, hồ sơ ĐKDT sẽ được phát hành khi nào? Thí sinh mua hồ sơ và sau này nhận giấy báo dự thi tại đâu?
- Mẫu hồ sơ ĐKDT năm 2010 do Bộ GD-ĐT ban hành, giữ bản quyền và các sở GD-ĐT tổ chức in ấn, phát hành trước ngày 10/3. Cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010” cũng sẽ được phát hành chậm nhất ngày 13/3.
Thí sinh có thể mua hồ sơ ở bất cứ đâu ((không nhất thiết phải mua đúng nơi mình sẽ nộp) và sử dụng hồ sơ ĐKDT của bất cứ địa phương nào phát hành để nộp. Thí sinh nộp hồ sơ tại đâu sẽ nhận giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi (hoặc phiếu báo điểm), giấy báo trúng tuyển tại đó hoặc theo địa chỉ đã ghi trong phong bì nộp kèm với hồ sơ ĐKDT (tùy theo quy định của từng sở GD-ĐT).
- Hồ sơ như thế nào được coi là hợp lệ, thưa ông?
- Một bộ hồ sơ hợp lệ gồm một túi đựng hồ sơ và hai phiếu số 1, số 2; ba ảnh chân dung cỡ 4x6cm có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh của thí sinh ở mặt sau; bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có); ba phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.
Riêng đối với thí sinh thuộc diện chính sách như con thương binh, liệt sĩ... phải photocopy giấy chứng nhận ưu tiên để nộp kèm hồ sơ. Khi làm hồ sơ ĐKDT, thí sinh cần lưu ý khai chính xác, rõ ràng, không được tẩy xóa. Các thông tin trên hai tờ phiếu số 1 và số 2 phải khớp nhau. Nếu viết sai một tờ phiếu ĐKDT, thí sinh không cần phải mua lại toàn bộ hồ sơ mà có thể photocopy hoặc in từ mẫu có sẵn tại Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT (http://ts.moet.gov.vn/).
Phải cân nhắc kỹ
- Ông có những lời khuyên gì trước khi thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT?
- Thời gian nộp hồ sơ ĐKDT dài hơn một tháng. Vì vậy thí sinh không nên vội vàng nộp hồ sơ mà cần phải cân nhắc kỹ trước khi đặt bút khai hồ sơ ĐKDT. Theo đó, cần căn cứ vào năng lực, sở trường của bản thân, lời khuyên của gia đình, thầy cô… cũng như xem lại điều kiện kinh tế gia đình, đầu ra sau khi tốt nghiệp rồi mới khai. Điều này nhằm đảm bảo giúp thí sinh không cần nộp nhiều hồ sơ ĐKDT, tiết kiệm những chi phí không cần thiết. Vì dù có nộp nhiều bộ hồ sơ ĐKDT, cuối cùng thí sinh cũng chỉ chọn một giấy báo dự thi để đi thi.
- Khi đã hết hạn nộp hồ sơ ĐKDT mà thí sinh mới phát hiện các thông tin khai trong hồ sơ có sai sót thì có được nộp hồ sơ khác thay thế?
Khi phát hiện sai sót, thí sinh có quyền được chỉnh sửa vào ngày làm thủ tục dự thi của mỗi đợt. Thí sinh cần có mặt tại địa điểm ghi trong giấy báo thi vào ngày 3/7 đối với đợt 1, ngày 8/7 đối với đợt 2 và ngày 14/7 đối với đợt 3 để làm thủ tục chỉnh sửa, bổ sung. Những bổ sung và điều chỉnh này phải được cán bộ tuyển sinh của trường sửa lại trên hồ sơ gốc, cập nhật ngay vào máy tính và đóng dấu xác nhận vào phiếu số 2 thì mới có giá trị pháp lý.
- Cảm ơn ông!
Theo Phó vụ trưởng Ngô Kim Khôi, khi nộp hồ sơ ĐKDT, thí sinh cần lưu ý: cán bộ thu nhận hồ sơ phải ký và đóng dấu xác nhận vào phiếu số 2. Thí sinh phải giữ phiếu số 2 trong suốt quá trình dự thi và cả sau này, coi đó là biên lai nộp hồ sơ. Trong trường hợp bị thất lạc, đánh mất, thí sinh phải liên lạc với phòng đào tạo của trường để phục hồi phiếu. Ngoài ra, trong mọi trường hợp, thí sinh không được gửi hồ sơ ĐKDT qua đường bưu điện mà nên chuyển hồ sơ và lệ phí ĐKDT nhờ người quen đến nộp trực tiếp tại trường, nhận lại đầy đủ phiếu số 2 và biên lai đóng lệ phí. |
Theo Đất Việt