Hạn chế tối đa 1 thí sinh đỗ nhiều trường
PGS. TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2021, công tác tuyển sinh vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định nên cần điều chỉnh để ngày càng hoàn thiện hơn. Chẳng hạn như, vẫn tồn tại tỷ lệ không nhỏ về thí sinh ảo. Ngoài ra, có tình trạng một thí sinh đỗ vào nhiều trường đại học khác nhau trong cùng đợt xét tuyển, ảnh hưởng tới cơ hội trúng tuyển của thí sinh khác, gây khó khăn cho công tác dự báo trong tuyển sinh của cơ sở đào tạo...
Nguyên nhân là do các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý. Hoặc tuyển sinh không đúng với số lượng chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu công bằng đối với thí sinh và gây một số hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, nhưng chưa có đủ biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh. Có trường tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo gia tăng. Cũng có trường chưa thực sự tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên và có năng lực nhất.
Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo khai báo chỉ tiêu tuyển sinh chưa thống nhất giữa các hệ thống, hoặc chưa thực hiện đúng kế hoạch, đủ hết quy trình đối với việc xác định chỉ tiêu. Cũng có trường chưa kiểm soát được điều kiện sơ tuyển, do vậy thí sinh không đủ điều kiện vẫn trúng tuyển và phải xử lý các vấn đề nảy sinh sau khi thí sinh nhập học. Một số trường nhập thông tin về điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố…
Khắc phục tình trạng này, năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh một số nội dung trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trong đó có dự kiến xây dựng phần mềm lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển, bao gồm cả phương thức xét tuyển riêng của các trường đại học thay vì chỉ lọc ảo theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT như trước. Nhờ đó, thí sinh hoàn toàn chủ động về thời gian và nội dung đăng ký xét tuyển. Đồng thời điều chỉnh này cũng tiết kiệm chi phí chung của hệ thống và xã hội khi hệ thống mở nhận đăng ký xét tuyển trong 1 đợt thay vì 2 đợt như trước đây.
Đã có ý kiến lo ngại về việc nếu tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo sẽ ảnh hưởng đến quyền tự chủ của trường và hạn chế quyền lựa chọn của các thí sinh. Bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định, thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn về số nguyện vọng và các em được trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của mình (đã sắp xếp theo thứ tự nguyện vọng) khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo. Các cơ sở giáo dục đại học cũng vẫn bảo đảm quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định, áp dụng các phương thức xét tuyển đa dạng với các đối tượng thí sinh, đồng thời dự báo được chính xác số lượng trúng tuyển do số lượng thí sinh ảo giảm tối đa.
Thí sinh chỉ được hưởng điểm ưu tiên 1 lần
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, dự thảo đưa ra một số điểm mới cơ bản như: Thứ nhất, thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến (trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh (theo các cơ sở đào tạo, các ngành, các phương thức xét tuyển) của đợt xét tuyển đợt 1 sẽ được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định, cụ thể là từ sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho tới khi công bố kết quả thi và cả điểm phúc khảo. Nhờ vậy, thí sinh chủ động về thời gian và các nguyện vọng đăng ký xét tuyển, đồng thời tiết kiệm chi phí chung của hệ thống và xã hội.
Thứ ba, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển (theo các ngành, theo các phương thức) của thí sinh trên toàn hệ thống được từng trường xét tuyển trước và đưa lên phần mềm xử lý nguyện vọng - hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ (như năm 2021) và cho kết quả thí sinh trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.
Thứ tư, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp xét tuyển, các trường cần phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp này; đảm bảo phương thức, tổ hợp xét tuyển lựa chọn được thí sinh có năng lực để học tập, đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh tham gia xét tuyển. Việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo; tránh làm ảnh hưởng tới việc học tập, ôn luyện của các thí sinh.
Thứ năm, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường trung học phổ thông rà soát và cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành kết quả học tập của thí sinh để đồng bộ sang hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, nhằm hỗ trợ thí sinh và các trường về dữ liệu trong công tác xét tuyển, đáp ứng điều kiện thực hiện dịch vụ công cấp độ 4.
Thứ sáu, các trường cần quy định phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh, đồng thời công bố công khai trong đề án tuyển sinh của mình.
Thứ bảy, thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được cộng điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3). Quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho các thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng (đối tượng thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp và thí sinh đã tốt nghiệp có nhu cầu thi lần nữa để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Nhiều trường hợp các thí sinh này đã chuyển tới các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn, tập trung để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển vào đại học. Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông (và xét tuyển vào đại học, cao đẳng tại năm tuyển sinh đó) phải học tập nhiều môn hơn và chịu áp lực nhiều hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa đăng ký xét tuyển vào đại học. Như vậy, với dự kiến quy định mới, tất cả các thí sinh thuộc khu vực ưu tiên đều được hưởng ưu tiên 1 lần, công bằng cho mọi thí sinh.