Đê Tả Đáy từ lâu được nhắc đến trong vai trò như một tuyến đê quan trọng giúp phân lũ sông Hồng, sẵn sàng cứu nguy cho thủ đô Hà Nội khi bị đe dọa bởi bão lụt. Tuy nhiên, suốt nhiều năm nay hàng chục km đê bao, đặc biệt là đoạn chạy qua địa phận huyện Ứng Hòa (Hà Nội) dường như bị những đơn vị có trách nhiệm… lãng quên.
Mục sở thị gần 20 km đê, dễ dàng ghi nhận được vô số những hành động xâm phạm hành lang đê điều nghiêm trọng mà không hề có bất kỳ sự xử lý, cải tạo nào.
Nhiều hạng mục xuống cấp, hư hại
Vào khoảng thời điểm những năm 2000 để thay thế con đê bằng đất thiếu kiên cố chạy trên địa bàn cũng như đảm bảo tính mỹ quan của trục quốc lộ 21B, trạch đê bằng bê tông, nằm sát mép con đê cũ đã được xây dựng.
Một đoạn đê bị hư hại nghiêm trọng |
Với tổng chiều dài "ngót" 20 km, phần trạch đê Tả Đáy bắt đầu từ thị trấn Vân Đình, qua nhiều xã thuộc huyện Ứng Hòa như Hòa Nam, Hòa Xá, Phù Lưu… cuối cùng kết thúc tại nơi tiếp giáp với xã Tượng Lĩnh, thuộc huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam).
Trên khắp trục đường quốc lộ có đê Tả Đáy chạy qua, người viết bài ghi lại được hàng chục điểm đê bị xâm hại nghiêm trọng. Trong đó, phổ biến nhất là các hành vi như: đập phá trạch đê, tự ý mở lối tắt, đổ phế thải xây dựng, trồng cây, xây nhà kiên cố trên hành lang đê… Thậm chí, ngay cả điếm canh đê Tả Đáy số 22 thuộc địa phận xã Hòa Xá từ chức năng canh giữ, cảnh báo đê điều lại được chuyển đổi công năng thành địa điểm sửa xe và bán sim thẻ điện thoại.
Trên phần trạch đê vỡ nát nham nhở có đoạn kéo dài cả chục mét, cỏ mọc um tùm nhưng cũng có đoạn mới nứt vỡ, đất cát văng tràn ra cả lòng đường quốc lộ. Điều này hiển nhiên cho thấy hiện tượng trên diễn ra khá lâu mà không được ngăn chặn. “Đê bị vỡ nát, bị xâm hại thế này nếu có bão lụt chắc gì đã cản được…”, một người dân bày tỏ bi quan.
Theo người dân địa phương nơi có tuyến đê chạy qua, ngoài nguyên nhân do một số cá nhân thiếu ý thức tự ý phá hoại đê, không loại trừ việc đê trở nên vỡ nát là do các xe trọng tải lớn gây ra.
Trên thực tế, phần trạch đê được kiên cố hóa bằng bê tông đều nằm sát ngay trục quốc lộ 21B, mặt khác cung đường này có độ uốn khúc, quanh co nhiều, lượng xe trọng tải lớn lưu thông trên tuyến đường cao, khi trời không sáng rõ sẽ rất dễ dẫn đến va chạm, gây đổ vỡ thân đê.
Cần sớm có sự vào cuộc của cơ quan chức năng
Theo quy hoạch, thiết kế của tuyến đê phân lũ Tả Đáy nếu nước sông Hồng có nguy cơ ngập gây ảnh hưởng đến khu vực nội thành, tuyến đê phân lũ lúc này mới thực sự phát huy hết tác dụng. Tuy nhiên, theo lịch sử ghi nhận thì việc phân lũ từ sông Hồng vào vùng này mới chỉ diễn ra một lần vào năm 1971.
Hành vi phá hoại đê điều bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; Riêng hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và bắt buộc khải khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. (Trích Nghị định số 129/2007/NĐ-CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính về đê điều) |
Đem những băn khoăn sau khi ghi nhận được từ con đê bị… lãng quên này tới đơn vị chức năng phụ trách theo dõi và quản lý về vấn đề trên, người viết bài đã tìm đến ông Bùi Quang Vĩnh, trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa. Tuy nhiên, với lý do bận họp vị cán bộ phòng kinh tế huyện đề nghị nên đến trực tiếp Hạt quản lý đê điều huyện Ứng Hòa để trao đổi thông tin.
Tại Hạt quản lý đê theo lời ông Vĩnh, một cán bộ tên Tòng đã từ chối cung cấp thông tin cho chúng tôi với lý do Hạt quản lý đê điều huyện Ứng Hòa trực thuộc Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội.
Bởi vậy, chỉ khi có sự giới thiệu từ đơn vị này xuống thì ông Tòng mới có thể cung cấp thông tin. Ông Tòng Còn cho biết do phạm vi quản lý đê điều nằm trên địa bàn Ứng Hòa bởi thế toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến tuyến đê tả Đáy đều đã được chuyển lên UBND huyện Ứng Hòa, và yêu cầu người viết bài quay trở lại làm việc với huyện.
Tiếp tục liên hệ lại với ông trưởng phòng kinh tế huyện Bùi Quang Vĩnh, qua quá trình trao đổi trên điện thoại ông Vĩnh cho biết thời gian này bận họp, không thể tiếp xúc với phóng viên.
Hành lang bảo vệ đê điều đang bị xâm phạm |
Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã phát sinh 86 vụ vi phạm Luật Đê điều. Trong đó, Ứng Hoà là huyện phát sinh nhiều nhất, với 44 vụ vi phạm.
Mới đây nhất, vào khoảng cuối tháng 5, hơn 1,5km đê tả Đáy thuộc địa phận xã Đồng Tiến bị sạt lở nghiêm trọng, báo động tình trạng bất ổn an toàn đê bao mùa mưa lũ. Tuy nhiên, trái ngược với thực tế đó qua điện thoại, ông trưởng phòng kinh tế huyện lại khẳng định: “Ứng Hòa này không có gì vi phạm lắm đâu, không có gì đâu…”, ông Vĩnh nhắn gửi.
Tuyến đê Tả Đáy đoạn chạy qua huyện Ứng Hòa ít trải qua sự thử thách của bão lũ, bởi vậy nảy sinh tâm lý coi thường, ít có sự quan tâm chú ý là điều khó tránh.
Tuy nhiên, việc để con đê bị xâm hại có thể tiềm ẩn vô vàn những nguy cơ, hệ lụy nghiêm trọng nếu xảy ra lũ lụt. Để một công trình phân lũ có tính chiến lược của quốc gia xuống cấp, trách nhiệm trước hết thuộc về các đơn vị quản lý đê điều huyện Ứng Hòa.
Đinh Luyện