Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta ngày 23/5 thúc giục Thượng viện Mỹ phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), vì sự quan trọng của UNCLOS đối với các lợi ích kinh tế và quân sự của nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: Telegraph |
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama gần đây tiếp tục phát động các chiến dịch kêu gọi Thượng viện thông qua UNCLOS với lập luận rằng, hầu hết các ngành công nghiệp của Mỹ đang mất đi cơ hội thương mại và vị thế lãnh đạo của Washington trên phương diện ngoại giao cũng đang bị suy yếu vì sự chậm trễ của Thượng viện trong việc phê chuẩn công ước này.
Ngoại trưởng Hillary Clinton tại phiên điều trần trước Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ ngày 23/5 khẳng định “những tuyên bố của Trung Quốc tại biển Đông đã vượt quá sự cho phép của UNCLOS” và rằng việc Mỹ không phê chuẩn UNCLOS đã làm suy yếu sự ủng hộ của họ với các nước đồng minh trong tranh chấp trên biển Đông.
“Vì là một bên không có tranh chấp nên chúng ta ở thế thấp hơn Trung Quốc về mặt pháp lý. Chúng ta đã tự đặt mình vào thế phòng thủ. Chúng ta không đủ mạnh để bênh vực cho các đồng minh của chúng ta trong khu vực như điều tôi mong muốn. Và tôi không nghĩ rằng đó là tình thế mà một cường quốc hải quân như chúng ta mong muốn” – bà Clinton nói thêm.
Cả bà Clinton và Bộ trưởng Panetta đều cho rằng UNCLOS là cần thiết để Mỹ củng cố uy tín trong bối cảnh họ đang tìm cách phản bác những tuyên bố của Bắc Kinh tại biển Đông cũng như những mối đe dọa từ Iran đối với việc vận chuyển dầu qua khu vực eo biển Hormuz.
“Các vị đều đã theo dõi những tuyên bố của các nước trên biển Đông. Mặc dù chúng ta không có lãnh thổ ở đó nhưng chúng ta có những lợi ích sống còn, đặc biệt là tự do hàng hải tại khu vực này” – bà Clinton nói.
“Về phương diện ngoại giao, với tư cách là một bên tham gia công ước, chúng ta có sự tín nhiệm lớn hơn trong việc viện dẫn các quy định của công ước và khả năng lớn hơn trong việc thực thi các quy tắc này” – Ngoại trưởng Mỹ nói.
Bà Hillary cũng nói rằng công ước này sẽ cho phép Mỹ tuyên bố chủ quyền đối tại khu vực thềm lục địa hơn 200 hải lý từ bờ biển, “một khu vực còn lớn hơn 1,5 lần diện tích bang Texas”. Ngoại trưởng Clinton cũng phản bác lập luận của những người chống đối công ước này, nói rằng những lập luận đó hoàn toàn dựa trên “hệ tư tưởng và sự hoang đường”.
Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cũng ủng hộ mạnh mẽ việc phê chuẩn UNCLOS. Ông cho rằng Mỹ sẽ được lợi nhiều nhất từ việc tham gia UNCLOS vì là một trong những nước có đường bờ biển dài nhất thế giới và có thềm lục địa mở rộng rộng nhất thế giới.
Ông cũng cho rằng việc tham gia UNCLOS sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Mỹ có các quyền tự do hàng hải và tiếp cận toàn cầu cho các tàu thuyền thương mại và quân sự, máy bay và các đường cáp quang dưới đáy biển của Mỹ, thay vì phải thực hiện quyền tự do hàng hải thông qua tập quán quốc tế như hiện nay.
“Công ước đã được 162 nước, trong đó có Trung Quốc và Nga, phê chuẩn này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhất cho sự hiện diện của chúng ta trên toàn cầu, ở trên và cả ở dưới biển” – ông Panetta nói.
Ông Panetta nói rằng, Mỹ trong các cuộc tranh cãi với Triều Tiên hay Iran thường viện dẫn luật pháp quốc tế và yêu cầu các nước này tuân thủ các quy tắc toàn cầu cho nên việc chậm trễ phê chuẩn UNCLOS có thể sẽ làm tổn hại đến sự tín nhiệm của Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey thì nói rằng UNCLOS sẽ là không những không cản trở đến các chiến dịch hay việc thu thập thông tin tình báo mà còn là công cụ quan trọng giúp Mỹ ngăn chặn các xung đột với rủi ro leo thang thấp hơn.
“Nếu chúng ta không phê chuẩn hiệp ước này, chúng ta sẽ tự đặt mình vào nguy cơ đối đầu với những nước khác, những nước đang viện dẫn các điều luật của tập quán quốc tế để đảm bảo quyền lợi của họ” – Tướng Dempsey nói.
Công ước của Liên hợp quốc về quyền hàng hải chưa được Thượng viện Mỹ thông qua dù nó đã được 2 đời tổng thống liên tiếp của cả 2 đảng, các doanh nghiệp Mỹ, ngành công nghiệp năng lượng và vận tải biển, cũng như các tổ chức về môi trường ủng hộ.
Thượng nghị sỹ John Kerry – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện - cho biết ông sẽ không đưa việc phê chuẩn UNCLOS ra bỏ phiếu tại Thượng viện trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới.
Thanh Tâm (theo AP, AFP)