[links()]Tường trình của của nạn nhân từng trúng độc suýt vong mạng
Những người không may trở thành nạn nhân của tục bỏ độc phải trải qua một giai đoạn đau đớn, vật vã về thể xác. Khi chất độc phát tác, người trúng độc thường lên cơn sốt, khản tiếng, môi và móng tay thâm tím. Khi các bộ phận trên cơ thể teo tóp lại người trúng độc chỉ nằm bất lực một chỗ chờ chết.
Ám ảnh “ma độc”
Mất khá nhiều thời gian để lần theo các manh mối, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được những nạn nhân bị trúng độc. Ông Lục Văn Thước (60 tuổi) ở xóm Nà Ngườm, xã Đức Hồng là một trong số những người may mắn còn sống sót, thoát khỏi tay của “ma độc”.
Hơn hai chục năm đã trôi qua, nạn nhân vẫn chưa hết nỗi ám ảnh khi nhắc lại và liên tục lẩm bẩm: “May cái mệnh còn lớn không thì giờ xương thịt tôi đã nát vụn thành đất cát”.
Ông Lục Văn Thước kể lại lần bị trúng độc |
Nhấp chén trà đắng ngắt, ông Thước trầm ngâm kể lại: “Vào cuối thập niên 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, “ma độc” hoành hành ở nhiều bản trong vùng, là thời đỉnh điểm nhất từ xưa tới nay. Hồi đó, tôi được nghe nhiều lời đồn đại về chuyện “ma độc” hại không ít người chứ không hề biết thực hư ra sao. Tuy vậy, mọi người trong vùng kể cả tôi luôn có cảm giác bất an, lo lắng khi vào nhà người lạ ở các bản trong xã.
Thật không ngờ, điều đó đã xảy đến với tôi vào cuối năm 1989. Hôm đó, tôi cùng một số anh em trong bản đi giúp ông Hoàng V. T. bê đá xây nhà. Đến chập tối, chủ nhà làm vài mâm cơm mời mọi người ăn uống. Sau khi ra về nhà, tôi cảm thấy nao nao khó chịu trong người. Sáng hôm sau lại lên cơn sốt, toàn thân co cứng, mồm miệng nhạt thếch chẳng muốn ăn uống thứ gì.
Nhiều người trong bản nói tôi đã bị người khác hạ độc, lúc đó tôi rất hoang mang, lo sợ bởi sắp sửa đối mặt với cái chết. Trong lúc đang lâm vào tình trạng nguy kịch, may mắn lại có người mách nước tìm đến nhà một vị lang y để lấy cây thuốc trị độc nên giờ tôi mới sống được đến bây giờ.
Từ sau đợt đấy, tôi chẳng dám đi vào ngôi nhà đó nữa. Khi đó tôi mới tin là có chuyện bỏ thuốc độc hại người. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn cẩn thận khi vào nhà người lạ hoặc đi dự các đám cưới ở các bản có tiếng “ma thuốc độc” trong xã”.
Ông Thước cho biết thêm, ở thời điểm đó không chỉ mình ông có dấu hiệu bị “ma thuốc độc” hãm hại mà còn nhiều trường hợp khác khi đến bản này cũng đều mang hiện tượng như vậy lúc ra đi. Và phần lớn, họ đều bỏ mạng vì không biết phương thuốc chữa trị hoặc mắc phải chất kịch độc, không kịp phát hiện đã tắt thở.
Cũng một nạn nhân khác được cứu sống, đó là anh Triệu Văn Long ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề (Trùng Khánh). Cách đây hơn một năm, sau đám cưới của đôi trai gái ở xóm Nà Khiêu, xã Đức Hồng, Long trở về nhà đột nhiên có biểu hiện môi thâm tím, toàn thân run lẩy bẩy và khản tiếng.
Buổi sáng hôm sau, gia đình Long mới biết chuyện và chạy lên nhà ông nội tìm cách cứu chữa. May mắn, ông nội Long lại biết một vài mẹo y thuật trị độc do người xưa truyền lại. Sau khi uống thuốc của ông đưa cho, Long thấy trong người khỏe dần rồi khỏi bệnh.
Cho dù không biết người bỏ độc là ai, thực hư thế nào nhưng từ khi đó Long không dám bước chân đến xóm này chơi nữa. Chuyện Long bị trúng độc cũng được nhiều người xôn xao, lấy làm tâm điểm trong các cuộc nói chuyện một thời gian dài.
Kiêng một năm… không tắm sau khi được giải độc
Ông Lục Văn Thước cho rằng, theo nguyên tắc của các thầy lang y trong vùng, nạn nhân sau khi được giải độc phải kiêng khem. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tắm và vệ sinh cá nhân, nếu không chất độc sẽ tái phát ngay tức khắc.
Trường hợp của ông là một minh chứng về điều này. Đối với ông Thước, việc kiêng khem khi không được tắm cũng khổ sở không kém so với chuyện chịu đựng sự đau đớn về thể xác khi bị trúng độc.
Ông Thước chưa bao giờ thấy thời gian trôi chậm như lúc bấy giờ. Một năm dài đằng đẵng, ông không dám bước vào nhà bạn bè trong bản uống rượu hay vào gần ai đó nói chuyện.
Để tìm hiểu rõ điều này, chúng tôi đã tìm gặp ông Triệu Văn Quán (75 tuổi) ở Bản Khuông, xã Thông Huề là “vua giải độc” nổi tiếng vùng núi huyện Trùng Khánh. Sau một hồi trầm ngâm, ông Quán cho biết:
“Đúng là những người trúng độc khi được cứu sống thường kiêng kỵ một số thứ. Tùy theo từng loại độc, có loại không thể chữa khỏi còn loại có khả năng chữa khỏi nạn nhân sẽ phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Bản thân tôi đã từng chữa khỏi cho nhiều nạn nhân có dấu hiệu trúng độc. Tuy nhiên, những trường hợp bị độc dược phát tác lại không được cứu chữa kịp thời thì tôi cũng đành bó tay, không thể nào trị khỏi”.
Trở lại câu chuyện của ông Thước, từ sau chuyện bị “ma độc” hành hạ, phần lớn thời gian ông chỉ loanh quanh ở trong nhà hoặc ra nhà hàng xóm lê la tâm sự. Mỗi khi chuẩn bị bước chân khỏi nhà, vợ con ông đều ra sức ngăn cản hoặc dặn dò hai chữ “cẩn thận” khi vào nhà người lạ tham gia tiệc tùng, ăn uống.
Và mỗi lần như vậy, ông Thước luôn thủ sẵn vài quả ớt để đề phòng “ma độc”, bằng cách ông ăn ớt trước khi mọi người mời rượu. Theo kinh nghiệm của người xưa truyền lại nếu “ma độc” biết đối tượng đã ăn ớt thì sẽ không dám hành động nữa bởi vì khi trúng phải bất cứ loại độc nào người đó sẽ chết ngay tức khắc nên dễ bị phát hiện.
Tuy nhiên, mấy năm nay ông Thước đã an tâm hơn khi đi dự đám ma chay, hiếu hỷ trong bản. Ông cho biết, người bỏ độc ông năm xưa không còn sống đến bây giờ nữa. Nhiều năm, Nà Ngườm cũng không còn ai có hiện tượng bị “ma thuốc độc” hãm hại. Tuy nhiên, ông vẫn e ngại, đề cao cảnh giác khi vào các bản lân cận trong xã.
(Còn nữa)
Nông Lưu Vĩnh
Đón đọc kỷ cuối: Sự thật phía sau “ma độc”