Luật không cấm tử tù hiến xác nhưng lại không có một quy định pháp lý nào về quy trình hiến xác và các thủ tục để tử tù hiến xác. Hơn nữa, tranh cãi pháp lý về địa vị pháp lý của tử tù, mâu thuẫn giữa mục đích của hình phạt đối với tử tù và chế độ chăm sóc đặc biệt đối với người hiến xác khiến cho việc tử tù xin hiến xác hiện nay chưa thể làm được.
Nguyễn Văn Hải - tử tù thứ hai làm đơn xin hiến xác. (Ảnh: PL TPHCM) |
Tiền lệ tử tù đầu tiên làm đơn xin hiến xác để cứu người là Nguyễn Phước Đỉnh ngụ tại xã Tân Phước, huyện Gò Công, Tiền Giang. Ngày 25/10/2007, tử tù này đã làm đơn xin được hiến xác để cứu người. Trước đó, hồi đầu năm 2007, do mâu thuẫn giữa mẹ Đỉnh và bà Nguyễn Thị Thiêu, Đỉnh đã dùng súng bắn chết bà Thiêu cùng con trai bà là Nguyễn Khắc Vũ. Ngày 16/10/2007, Đỉnh bị tòa án tuyên tử hình vì hai tội giết người và sử dụng trái phép vũ khí, quân dụng. Trong quá trình chờ thi hành án, Đỉnh làm đơn xin hiến xác vì cho rằng mình còn trẻ tuổi, khỏe mạnh, một số bộ phận trong cơ thể nếu được hiến cho y học sẽ có nhiều khả năng cứu sống những người mắc bệnh hiểm nghèo. Tử tù thứ hai làm đơn xin hiến xác là Nguyễn Văn Hải (30 tuổi, trú tại Quảng Ninh). Tháng 8/2008, Nguyễn Văn Hải thuê một tàu ra một đảo gần đó chở hàng. Tuy nhiên, ra đến giữa biển, Hải đã trói chủ tàu, đẩy xuống biển rồi mang tàu về Nghệ An bán được 7 triệu đồng. Sau khi gây án, Hải trốn vào Nam nhưng sau đó chưa đầy nửa năm thì bị bắt tại Kiên Giang. Hải bị Tòa Phúc thẩm, TAND tối cao tại Hà Nội xét xử và tuyên phạt án tử hình về tội giết người và cướp tài sản. Tháng 9/2009, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh thông báo cho tử tù Nguyễn Văn Hải về việc viết đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm. Tuy nhiên, thay vì viết đơn xin ân giảm, bị án này lại viết đơn xin được thi hành án trong đó thể hiện nguyện vọng hiến xác cho y học. Lá đơn của tử tù này có đoạn: “Tôi có tội nên xin được thi hành án để trả lại sự công bằng. Tôi xin hiến xác cho khoa học để giúp đỡ những người đang bị bệnh tật, để chuộc lại những lỗi lầm tôi đã gây ra… Tôi đã mắc nhiều tội lỗi, tôi xin tình nguyện làm những việc như trên để linh hồn tôi khi chết được thanh thản”. Gần đây nhất, mặc dù không phải là bị án làm đơn bày tỏ nguyện vọng, nhưng một bác sỹ đã viết một lá đơn bày tỏ mong muốn những tử tù như Nguyễn Đức Nghĩa nên làm đơn xin hiến xác cho khoa học. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi này dù đã được đề cập và thảo luận cả chục năm nhưng cuối cùng vẫn chưa có hành lang pháp lý nào để thực hiện. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ban hành năm 2006 quy dịnh: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”. Tuy nhiên, theo một chuyên gia Luật hình sự, tử tù là một người đang phải thi hành bản án, bị hạn chế một số quyền công dân. Hơn thế, hình thức tử hình hiện tại là xử bắn bằng đội hành quyết, cho nên dù tử tù có muốn hiến bộ phận cơ thể hay thi thể cũng khó vì các nội tạng (tim, thận…) đều không còn nguyên vẹn. Còn nếu để cho ướp xác để phục vụ nghiên cứu cũng khó vì theo một bác sỹ, khi tiêm thuốc vào các mạch máu của tử thi, tử thi phải đảm bảo nguyên vẹn, nếu các động mạch bị vỡ thì không thể tiêm thuốc vào vì bị xì hơi. Ở một khía cạnh khác, tháng 5/2010 vừa qua, khi QH thảo Luật thi hành án Hình sự, cũng có đề cập đến vấn đề tử tù hiến xác, nhưng sau đó, vấn đề này cũng không được đưa vào luật vì nhiều ý kiến cho rằng hàng năm, tử tù không nhiều, nhiều tử tù có tiền sử bệnh tật… cho nên việc lấy bộ phận cơ thể của tử tù trước khi xử bắn là khó. Ngoài ra, theo quy định người hiến bộ phận cơ thể, mô tạng còn được gắn kỷ niệm chương, người hiến xác còn được ghi tên trong nhà tưởng niệm… Nếu tử tù tự nguyện hiến xác thì có được đối xử như trên không? Một điểm nữa, là từ 1/7/2011, Luật Thi hành án Hình sự có hiệu lực, trong đó quy định thay hình thức xử bắn bằng tiêm thuốc độc. Như vậy, việc lấy mô tạng, bộ phận cơ thể hoặc thi thể của tử tù sẽ càng khó khăn vì nếu tiêm thuốc độc thì dường như các cơ quan nội tạng đều rất khó còn có thể sử dụng được nữa. Như vậy, có thể nói dù Luật không cấm, nhưng nếu chỉ căn cứ theo các quy định hiện nay, thì tử tù có làm đơn bày tỏ nguyện vọng được hiến xác, cũng không thể thực hiện được.
Theo N.A
VTC news
VTC news