Giữa tháng 5 nắng như đổ lửa, đến vùng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang, mới thấy được công sức của người trồng vải rẻ thế nào...
Người dân nô nức đi bán vải thiều. |
Mất mùa vẫn lo mất giá
Chợ vải phố Kim – nơi thu mua vải thiều chủ yếu ở huyện Lục Ngạn. Mới 7h nhưng khu chợ đã đông nghịt người. Những chiếc xe máy chở vải đi bán nườm nượp nối đuôi nhau kéo đến từ khắp các ngả đường. Nhưng chỉ có vài ba chiếc xe tải loại nhỏ thu mua.
Thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp, ông Nuôi, quản lý chợ Kim đang khua tay dẹp các hàng rau lấn chiếm lòng đường bỗng nói lớn: “Mấy hôm nữa thương lái Trung Quốc sang cân thì mới đông, chụp mới đẹp”.
Thời gian này, vải Lục Ngạn chủ yếu được thu mua và xuất đi các tỉnh thành trong cả nước. Theo số liệu của Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Lục Ngạn, hằng năm lượng vải thiều xuất sang Trung Quốc chiếm khoảng 50%. Vì vậy nếu việc thông thương hàng hóa không thuận lợi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ.
Năm nay vải thiều Lục Ngạn mất mùa. Chị Chu Thị Sìn, xã Phi Lễ, huyện Lục Ngạn, than thở: “Mọi năm vườn vải nhà tôi thu được gần chục tấn quả. Thế mà năm nay thu được có 3- 4 tấn thôi”. Ngắt mấy quả vải mời tôi ăn thử, chị Sìn nói tiếp: “May mà nhà tôi vẫn thu được một ít, có nhà còn mất trắng, không đậu quả nào cô ạ”.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2012 mưa kéo dài, độ ẩm cao nên làm hạn chế phân hoá mầm hoa. Sau khi thu quả, ở một số vườn vải, nông dân đốn cành quá sâu lại gặp mưa, nhiệt độ tăng cao khiến cây phát lộc, không ra hoa. Đấy chính là nguyên nhân làm cho biết bao hộ nông dân ở huyện Lục Ngạn “ăn không ngon, ngủ không yên” .
Huyện Lục Ngạn có 31 xã, hầu hết các xã đều trồng cây vải thiều, trong đó có những hộ gia đình quanh năm chỉ biết bám vào cây vải để sống. Vậy mà "ông trời không thương", vải không ra hoa làm sao ra quả?. Không có quả thì người dân sống như thế nào đây?.
Những tưởng vải thiều mất mùa, ắt sẽ được giá. Nhưng nào ngờ: “Được có 10 nghìn đồng một cân thôi. Thế mới đểu chứ”, anh Thân Văn Khoái, thôn Nam Điện, Xã Nam Dương, đi ra từ chỗ cân vải, vừa nói, vừa đưa tay lau vội khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi.
Anh cho biết: “Sáng bán được 13 nghìn đồng một cân đấy, nhưng nhà có hai vợ chồng, 5 giờ sáng mới hái cho tươi. Ai dè ra chợ muộn, người ta mua đủ chuyến rồi nên mình bị ép giá”.
Đổ mồ hôi, sôi nước mắt
Nếu Lục Ngạn được ví là kinh đô vải thiều của cả nước, thì xã vùng cao Tân Mộc chính là “cây số 0”. Nhìn những đồi vải thiều chín sớm khoe sắc vàng đỏ ven con đường nhựa liên xã, mấy ai biết được để có được những trái vải thơm mát, ngọt lành ấy, người dân nơi đây đã phải đổ xuống biết bao mồ hôi, công sức.
Dẫn tôi đi thăm đồi vải thiều của mình, Anh Vũ Công Như, cán bộ kỹ thuật khuyến nông cơ sở xã Tân Mộc kể hành trình người nông dân làm ra quả vải.
Mỗi một cây vải thiều trồng xuống đất, sau ba năm ròng rã cắt tỉa, vun trồng tỷ mỉ mới cho thu hoạch quả. Sau khi thu hoạch, người nông dân lại không ngừng nghỉ, bắt tay vào cắt tán, tỉa cành, bón phân cho cây phục hồi, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho các đợt lộc để cây phát triển tốt. Rồi đến giai đoạn cây ra hoa, cây kết quả, quả hình thành cùi… Mỗi giai đoạn lại có chế độ chăm sóc khác nhau, chế độ chăm sóc mỗi năm lại mỗi khác, tùy vào diễn biến thời tiết.
Người nông dân nơi đây cứ quay cuồng với cây vải thiều như thế. Để sản phẩm cuối cùng là những trái vải chín mọng trên cây. Vải chín rồi nhưng nông dân vẫn nơm nớp lo sợ.
Cuộc đời quả vải chín chỉ sống trong vòng 20 ngày. Nếu không thu hoạch kịp vải sẽ bị rụng, thối. Vì vậy hằng năm cứ đến chính vụ vải, người dân nơi đây lại phải thuê người hái.
Anh Như cho biết: “Năm trước thuê 100 nghìn đồng/một người/một ngày. Nhưng năm nay cái gì cũng đắt, chắc phải 120 – 150 nghìn đồng”. Gía thuê người hái vải tăng, giá thuốc trừ sâu tăng, giá điện nước tưới vải tăng,… cái gì cũng tăng giá. Nhưng giá vải thiều vẫn dao động ở mức như năm ngoái và lại còn mất mùa”.
Không những vậy, khi mang vải thiều ra chợ bán, người dân còn bị thương lái mạnh tay ép giá. “Hái xuống rồi, không bán thì mang đi đâu?”, anh Như ngậm ngùi. “Họ nói giá cao, giá thấp thì mình cũng phải chịu thôi”.
Có lẽ vì vậy mà không ít hộ dân ở Lục Ngạn đã quyết định chặt cây vải thiều, chuyển sang trồng cây kinh tế khác.
Không nên chuyển đổi ồ ạt
Để hạn chế rủi ro cho người dân trồng vải, ông Hoàng Minh Phương, Phó phòng Kinh tế Hạ tầng Lục Ngạn cho biết: Hằng năm huyện thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho nông dân cách chăm sóc, bảo quản vải thiều. Bộ nông nghiệp cũng khuyến khích người dân chuyển những đồi vải thiều cho hiệu quả thấp sang trồng các loại cây kinh tế như cam, bưởi để có lợi nhuận cao hơn.
Thế nhưng, “dù các loại cây khác cho lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần cây vải thiều, thì cuộc đời tôi vẫn phải gắn bó với loại cây này”, ông Vũ Công Thạc, Trưởng thôn thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn khẳng định.
Ông Thạc cho rằng chỉ nên chuyển đổi một số diện tích trồng vải sang trồng cam. Không nên chuyển đổi ồ ạt. Bởi “cây cam cho lợi nhuận cao hơn thật đấy, nhưng chi phí và công chăm sóc lại cao gấp nhiều lần cây vải. Hơn nữa cây vải đã gắn bó với mảnh đất này từ bao nhiêu năm nay. Tôi thật không đành lòng”, ông Trá ngậm ngùi nói.
Hoàng hôn dần buông xuống, xa xa trên những sườn đồi, người dân Lục Ngạn vẫn đang hỳ hục hái vải cho kịp chuyến xe thu mua cuối ngày. Mặt trời đỏ au ôm trọn miền quê. Bên cạnh những đồi vải vàng, đỏ, là những đồi cam, đồi bưởi xanh mướt rủng rỉnh quả non. Chẳng bao lâu nữa người dân nơi đây lại tất bật với một mùa thu hoạch mới. Hy vọng khi ấy, những giọt mồ hôi trên gương mặt người nông dân sẽ ít đi phần nào.
Nguyễn Hoa