Hát cho những người… không nghe hát
“Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe”…, tiếng hát trong treo cất lên từ bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh không át nổi tiếng “zô zô” ầm ĩ của những gương mặt đỏ gay chuếnh choáng vì rượu. Ai hát cứ hát. Ai “zô” cứ “zô”. Không gian đặc quánh những mùi thức ăn pha trộn tiếng hát, tiếng gào thét ầm ĩ. Kết thúc bài hát, thay vì những tràng vỗ tay tán thưởng, thay vì những bông hoa tặng ca sĩ tỏ sự ngưỡng mộ, là những cái vỗ vai, những vại bia ép uống.
“Cùng là kiếp cầm ca, sao mình khổ vậy” - Hoa (29 tuổi) thở dài thườn thượt sau khi hát 3 bài trong bữa tiệc tại một nhà hàng. Hoa là cựu sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia. Hoa có giọng hát ngọt, trong trẻo, man mác buồn. Hoàn cảnh gia đình ở quê khó khăn, bố mất sớm, mẹ phải gò mình nuôi 5 chị em. Hoa là chị cả. Ngày còn đi học, Hoa đã đi hát ở những nhà hàng, quán bar, khách sạn để kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi em.
Ra trường, Hoa xin về các đoàn ca múa nhưng tất cả đều lắc đầu vì “đủ biên chế”. Chán nản, bỏ bê hát một thời gian nhưng nhớ nghề, cuộc sống quê nhà khó khăn, cô lại “đầu quân” vào nhóm các ca sĩ hát phục vụ tiệc cưới, tiệc nhậu, quán rượu…
Cô nhẩm tính, đến nay mình đã 7 năm hát tại quán rượu. Chừng ấy năm, cô nếm biết bao sự cay đắng mà chỉ có ai hát ở đó mới hiểu. Các ca sĩ đứng trên sân khấu lớn thường được trả tiền cát xê cao gấp hàng chục lần so với người hát ở quán nhậu. Những người như Hoa không ăn lương và không hát ở một nơi nào cố định, cứ “du ca” khắp các quán nhậu. Công việc của Hoa bắt đầu vào trưa mỗi ngày, khi các quán nhậu bắt đầu có khách, và kéo dài tới quá nửa khuya, khi quán xá tàn cuộc.
Mỗi ngày hát, Hoa chỉ nhận được tiền cát xê 300-700 nghìn đồng, thu nhập trồi sụt theo từng ngày. Ngày có, ngày không. “Nói chung, thu nhập của việc này cũng chỉ đủ chi tiêu tối thiểu vì ngày nhiều bù cho ngày ít. Trong sinh hoạt thường ngày, tôi phải tằn tiện mới đủ cho cuộc sống của mình và gửi về phụ mẹ nuôi em. Cùng được ăn học bài bản, các ca sĩ hát trên sân khấu thu nhập cao, họ được lên xe, xuống ngựa, còn mình thì như thế…”.
Tủi thân về cát xê đã đành, cái làm họ “đau” nhất là cách hành xử của những khán giả. Cùng nghiệp hát, các ca sĩ hát trên sân khấu với những khán giả yêu nhạc thực sự, họ được trân trọng qua tràng pháo tay, những bông hoa tươi thắm. Còn Hoa, “sân khấu” là những bàn nhậu và khán giả là thực khách đang chuếnh choáng trong cơn say, hay trong đầu toan tính phi vụ làm ăn nào đó. Nhiều khách vẫn nghĩ những ca sĩ như Hoa là một dạng gái “nhậu thuê”, gái “gọi” biến tướng... nên họ nhìn với ánh mắt soi mói, xem thường. Vì kế sinh nhai, Hoa phải đứng hát giữa đám cưới, đám nhậu người ăn, kẻ nhậu nhồm nhoàm, tiếng cười cợt nhả.
Từng có những người khách “bo” một số tiền lớn nhưng nhét vào kẽ áo hay tỏ thái độ coi thường. Có vị còn ghé tai, dúi vào tay Hoa tờ danh thiếp đề nghị sau khi hát ở quán xong, sẽ hát… trên giường cho ông ta nghe. Những lúc ấy, Hoa chỉ muốn trào nước mắt. “Làm nghề này, mình phải mềm mỏng. Nếu từ chối không khéo, khách phật ý mắng mỏ và chủ quán không gọi mình tới hát nữa” - Hoa cúi mặt, trốn nỗi buồn sâu kín.
Sợ bị “về hưu non”
Một nỗi niềm khác cũng khiến những ca sĩ hát quán nhậu như Hoa đau đáu. “Thầy già, con hát trẻ”, đó là câu mà những người như Hoa sợ nhất.
Cũng trong nghề “hát quán nhậu” có chị Hương Giang (38 tuổi). Chị hát quán nhậu hơn chục năm nay. Mới đầu đi hát, chị Giang giấu tiệt mọi người trong gia đình mình hát ở quán nhậu. Chị thường bảo với chồng con là hát ở các buổi chiêu đãi tại những công ty lớn. Nơi đó, dù người nghe hát là thực khách nhưng họ lịch sự hơn chứ không suồng sã, cợt nhả như ở quán nhậu. Chồng con chị yên tâm.
Nhưng chỉ hơn năm, qua lời bạn bè kể, chồng chị biết vợ hát quán nhậu nên đã cấm tiệt chị đi hát. Chị vất vả chạy ngược xuôi xin hát tại sân khấu ca nhạc, tại các buổi chiêu đãi nhưng tất cả khép lại với câu trả lời: “Ca sĩ trẻ đầy rẫy, không tới lượt chị”. Vì sinh nhai, chị bàn với chồng cho đi hát lại và hứa sẽ không cho ai xúc phạm tới nghề, xúc phạm tới người chị. Nói mãi anh mới miễn cưỡng đồng ý. Con thuyền hạnh phúc bớt chòng chành vì sóng gió.
Có quán cách xa vài chục cây số, chị Giang cũng phải phóng xe đến nếu không muốn mất “mối”. Thường thì bất kể bài nào khách yêu cầu, chị cũng phải hát để phục vụ. Cái mà chị lo nhất không phải quãng đường xa, không phải sự sàm sỡ của thực khách mà là bị “về hưu non”. Dù có giọng hát hay nhưng chị Giang ít nhận được sô vì thực khách chê… già.
“Nghề này nhiều khi buồn lắm, ví như tôi giờ lớn tuổi rồi, nên có khi đã bị khách chê thẳng là già, mập... Nhưng vì mưu sinh, vì yêu ca hát, tôi cắn răng hát dù cát xê thấp hơn mọi người” - chị Giang bộc bạch kèm tiếng thở dài. Những ca sĩ hát quán nhậu, nhà hàng như Hoa hay chị Giang đều rất ngại đưa hình ảnh của mình lên truyền thông. “Các ca sĩ hát trên sân khấu mới tự hào lên báo, lên hình chứ như tôi, tránh đi là hơn” - chị Giang buồn bã nói.