Đó là “nghịch lý” cười ra nước mắt ở khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Những năm gần đây, mức lương, thưởng của khối DNNN luôn cao hơn so với mặt bằng chung và có xu hướng ngày càng tăng. Xin nêu ví dụ để “nói có sách, mách có chứng”:
Tại Tổng Công ty SCIC, năm 2015 với tổng nhân viên 273 người, SCIC đã chi ra 121 tỷ đồng trả lương cho người lao động. Trong đó nhân viên có thu nhập trung bình khoảng 37 triệu đồng, nguyên một tổng giám đốc là 1,4 tỷ đồng; bốn phó tổng giám đốc có thu nhập khoảng 1,3 tỷ đồng, kiểm soát viên là 1,1 tỷ.
Mặc dù giá cao su liên tục rớt trong những năm gần đây, song lương, thưởng của các nhân viên và lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam vẫn ở mức cao. Đặc biệt, 13 lãnh đạo quản lý DN có thu nhập bình quân khoảng 527 triệu đồng/năm.
Lương lãnh đạo cao có tương ứng với doanh thu, tăng trưởng, đóng góp vào ngân sách của DNNN? Chưa chắc. Bằng chứng là, tại Công ty Vận tải biển Việt Nam, lãnh đạo vẫn lĩnh lương tiền tỷ trong khi đang lỗ luỹ kế khoảng 500 tỷ đồng.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo thực trạng hoạt động của 38 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong đó có 5 tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Hệ số vay nợ của DNNN luôn ở mức cao, nhiều DN được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nhưng không có khả năng trả nợ. Dù ít nhiều ở thế độc quyền trong lĩnh vực, song các DNNN ít tận dụng được, hơn nữa quản lý yếu kém khiến hiệu quả sử dụng vốn thấp. KTNN đã cảnh báo, hàng nghìn tỷ đồng vốn nhà nước tại các DNNN có nguy cơ mất trắng.
Chúng ta thường nói nhiều đến vấn đề để duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa khối DNNN và DN tư nhân, cần phải đảm bảo tính trung lập trong thực thi pháp luật cạnh tranh (trong đó có luật pháp về thu nhập).
Đáng tiếc đây vẫn chỉ là lời nói. Đã có thời cũng là DN, nhưng không thiếu DNNN, quan chức đi lại bằng xe biển xanh, biển số 80… với nhiều ưu đãi của một “hệ thống quan chức” nhưng điều hành DN bằng “tư duy nhiệm kỳ”.
Nhớ lại rằng, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, ông Sandeep Mahajan nhận định rằng tại Việt Nam thường nghe nói rất nhiều về sân chơi bình đẳng cho DN nhưng “chưa bao giờ giữa DNNN và DN tư nhân có sự bình đẳng”. Điều này thấy ngay khi nhìn vào hiệu quả của DN và lương, thưởng của “hệ thống quan chức” DNNN.
Không lẽ “túi mình” đầy là được, còn “túi nhà nước” đã có nhân dân lo kéo dài mãi?