Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)
Dự kiến, đầu phiên họp sáng 17/6, Quốc hội (QH) xem xét, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp. Trong tuần này, QH tập trung cho công tác lập pháp. Cụ thể, QH sẽ thảo luận về các dự án Luật gồm Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cũng được đưa ra thảo luận tại hội trường QH. Dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; đáp ứng kịp thời công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người. Góp ý về dự án Luật này, các đại biểu cho rằng việc giải thích khái niệm “mua bán người” là một bước tiến của dự thảo Luật so với Luật hiện hành.
Tuy nhiên, một số đại biểu lưu ý cần tiếp tục rà soát thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm thế giới để hoàn thiện quy định giải thích khái niệm này, bảo đảm chặt chẽ, tránh gây hiểu nhầm trong quá trình áp dụng, cũng như phù hợp với các bộ luật, luật liên quan. Ví dụ, dự thảo Luật quy định việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên.
Theo Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc), quy định như vậy chưa phù hợp với Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 và sửa đổi, bổ sung năm 2017. Để tương thích với Bộ luật Hình sự, Đại biểu đề nghị quy định theo hướng “việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên”.
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) đề nghị nghiên cứu bổ sung “cơ quan công an” trong giải quyết việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân đến trình báo nhằm bảo đảm sự thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, trong tuần này, QH biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của QH năm 2025.
Rà soát 2 bản Quy hoạch của Thủ đô
Ngay trong ngày đầu tiên của tuần làm việc này, QH sẽ thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đồng thời, QH thảo luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và một số nội dung khác.
Trước đó, hôm tuần trước, cho ý kiến về 2 bản Quy hoạch của Thủ đô, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ QH đề nghị tiếp tục rà soát nội dung của Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, chính xác, phù hợp và thống nhất với các quy hoạch cấp cao hơn trong hệ thống quy hoạch. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đề nghị, các cơ quan lập, thẩm định cần có sự phối hợp chặt chẽ để tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm nguyên tắc Quy hoạch Thủ đô là căn cứ để lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng quy định kinh phí công đoàn 2% là cần thiết.
Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi): Tiếp cận và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh
Theo chương trình làm việc, tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 7, QH sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu đều cho rằng việc xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) là cần thiết nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật Công đoàn; tiếp cận và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh mà Luật chưa điều chỉnh; tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới và nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong bối cảnh hiện nay.
Nhấn mạnh về vấn đề kinh phí công đoàn và phương án phân bổ kinh phí, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cho biết, hiện nay, kinh phí công đoàn theo quy định là 2%. Thời gian qua, khi có dịch Covid-19, có ý kiến đề xuất giảm mức kinh phí công đoàn. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Cường, việc duy trì kinh phí này trong mấy thập niên qua đã tương đối ổn định, bảo đảm việc vận hành bộ máy công đoàn không phụ thuộc vào ngân sách.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký QH cho rằng mức thu này cũng không có tác động lớn đối với doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc duy trì cũng bảo đảm theo đúng kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến vấn đề này; bảo đảm nguồn lực để công đoàn thu hút, tập hợp đông đảo người lao động đến với tổ chức mình. Đồng thời, phương án phân chia được công đoàn tính toán rất hợp lý, trên cơ sở số người lao động tham gia vào tổ chức.