Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho phát triển văn hóa

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (bìa trái) cho rằng, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 cần bảo đảm theo lộ trình từng năm để thực hiện. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (bìa trái) cho rằng, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 cần bảo đảm theo lộ trình từng năm để thực hiện. (Ảnh: TTXVN)
(PLVN) - Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7, ngày 8/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và nhiều nội dung quan trọng khác.

Rút ngắn đáng kể thời gian tạm giam người chưa thành niên

Dự thảo Luật xây dựng chế định xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt với 12 biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng đối với người chưa thành niên. Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu đánh giá đây là điểm tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan tố tụng lựa chọn áp dụng phù hợp nhất với đối tượng người chưa thành niên, bởi mỗi người chưa thành niên đều có hoàn cảnh gia đình, mức độ vi phạm khác nhau.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) tán thành với việc chuyển biện pháp tư pháp “giáo dục tại trường giáo dưỡng” quy định tại Điều 96 Bộ luật Hình sự hiện hành thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Theo Đại biểu, quy định như dự thảo Luật sẽ sớm kết thúc việc truy cứu trách nhiệm hình sự với người chưa thành niên để nhanh chóng áp dụng xử lý chuyển hướng ngay trong giai đoạn điều tra, thay vì phải kết thúc giai đoạn xét xử sơ thẩm mới có thể xem xét áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng như hiện nay. Việc quy định như vậy cũng sẽ rút ngắn đáng kể thời gian tạm giam người chưa thành niên; hạn chế việc gián đoạn quyền học tập nếu người chưa thành niên được xử lý hành chính.

Một số ý kiến cho rằng cần mở rộng các trường hợp được áp dụng chuyển hướng để phù hợp với việc chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành xử lý chuyển hướng để vừa bảo đảm mục tiêu lấy giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu an toàn cho cộng đồng; hạn chế tối đa việc gián đoạn quyền học tập, học nghề nếu được xử lý chuyển hướng sớm.

Còn Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cho rằng, cần rút ngắn hơn nữa thời hạn điều tra, truy tố, xét xử để bảo đảm “vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên” và hạn chế những tác động tiêu cực từ các thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên do thời hạn điều tra, truy tố, xét xử và tạm giam quá dài như hiện nay.

Cho rằng đây là Luật khó, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Quang Phương đề nghị bổ sung đánh giá kỹ tác động và một số chính sách mới trong Luật này; đồng thời tiếp tục rà soát với các luật liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Bảo đảm cân đối giữa mục tiêu, khả năng và nguồn lực

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: PV).

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: PV).

Cùng ngày, QH thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (Chương trình). Tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn lưu ý, Chương trình có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó. Do đó, các nội dung cần tập trung đầu tư cho Chương trình phải phân định rõ kinh phí đầu tư, nguồn chi..., bảo đảm theo lộ trình từng năm để thực hiện.

Ngoài ra, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình cần phải được xây dựng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; không dàn trải; cân đối với khả năng và nguồn lực; xác định rõ nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo ra đột phá trong phát triển văn hóa. “Chương trình cần có tính kế thừa, không chồng chéo với chương trình, đề án đã được phê duyệt và đang triển khai”, Chủ tịch QH nhấn mạnh. Để thực hiện hiệu quả Chương trình, Chủ tịch QH cũng đề nghị cần phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan theo hướng tinh gọn và có đầu mối; tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương lưu ý, Chương trình phải tránh tình trạng dàn trải, chung chung, trùng lặp; tập trung vào 3 vấn đề bao gồm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, thiết chế văn hóa và công nghiệp văn hóa; lựa chọn những dự án trọng điểm nhất, tạo được bước đột phá về phát triển văn hóa. Cũng theo Phó Chủ tịch QH, Chương trình không nên lặp lại những khuyết điểm mà 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã rút kinh nghiệm, đặc biệt là thủ tục hành chính, tránh trường hợp mỗi Bộ, mỗi ngành làm một cách khác nhau.

Đọc thêm

Khai thác tối đa hiệu của các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có trên 50 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND TP Hà Nội. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị TP Hà Nội nói chung, HĐND TP nói riêng nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt, phát huy mạnh mẽ vai trò của mình và huy động sức mạnh tổng hợp để khai thác tối đa hiệu quả của các cơ chế đặc thù nhằm khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy, phát huy các lợi thế sẵn có.

Ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
(PLVN) - Sáng nay - 01/7/2024, TP HCM và các địa phương trong cả nước đồng loạt tổ chức Lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu thời điểm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành.

Kinh nghiệm phát triển từ Bắc Giang

Ảnh minh họa
(PLVN) - Kinh tế cả nước vừa bước qua 6 tháng đầu năm với nhiều tín hiệu tích cực, nhất là về tăng trưởng. Theo đó, nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng GRDP 2 chữ số, Bắc Giang trở thành “quán quân”, tăng trưởng hơn 14%.

Làm rõ giải pháp, lộ trình thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế

Hình ảnh tại cuộc làm việc. (Ảnh: MT)
(PLVN) - Đây là ý kiến được đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” với Chính phủ diễn ra cuối tuần qua.