Dường như bởi được ảnh hưởng bởi sự đứng đắn của dòng nhạc mà họ theo, nên những ca sỹ nhạc đỏ không phải chịu nhiều sự "dòm ngó" của dư luận. Nhưng ít ai biết rằng, được ái mộ, trân trọng và được trả thù lao cao khiến không ít ca sĩ không giữ được bản lĩnh và mắc bệnh chảnh
Từ chuyện của Trọng Tấn, Anh Thơ, hé lộ nhiều vụ "chảnh" của sao nhạc đỏ |
Cát sê 50-60 triệu/show
Theo một ông bầu ở Hà Nội, những show ca nhạc ở các sân khấu có sự tham gia của những giọng ca nổi tiếng dòng nhạc đỏ, thì mức thù lao không có gì đặc biệt. Nếu các chương trình do những Nhà hát thuộc Bộ tổ chức, thậm chí, catse cũng không cao vì theo barem Nhà nước định sẵn. Nguồn catse chủ yếu đến từ việc đi hát sự kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức… ở Hà Nội và các tỉnh. Catse ở Hà Nội thấp hơn so với đi tỉnh và càng đi xa thì càng phải tính toán tỉ lệ cho phù hợp.
Ông bầu này cho hay, mạnh chi nhất là những doanh nghiệp trực tiếp đứng ra mời các ca sĩ về để hát cho toàn thể cán bộ, công nhân viên và các quan khách được thưởng lãm giọng ca vừa hay, vừa kĩ thuật, nhất là khi thể hiện những ca khúc nhạc đỏ đã đi cùng năm tháng. Không ít doanh nghiệp sẵn sàng chịu chi 50-60 triệu đồng để mời đích danh ca sĩ nào đó.
Ông bầu này kể: “Cách đây dăm sáu năm, có người đang đi hát ở mức 5-7 triệu, bỗng nhận được lời mời đi hát event, người ta trả một phát 20-30 triệu, vậy là họ cứ giữ nguyên giá như vậy, dưới 20 triệu kiên quyết không đi. Do đó, nhiều khi họ làm khó cho bầu show rất nhiều”.
Ông bầu này cho rằng: Được ái mộ, trân trọng và được trả thù lao cao khiến không ít ca sĩ không giữ được bản lĩnh và mắc bệnh chảnh. Bà C.P.N hiện công tác tại một công ty tổ chức sự kiện cho biết, lãnh đạo của một doanh nghiệp đối tác từng nhắn bà: “Đừng bao giờ mời ca sĩ ngôi sao nọ tới đây hát lần thứ hai! Sự kiện vui vẻ mà mặt mày cau có như đưa đám!”. Số là trong các hội nghị (đa số diễn ra vào ban ngày), thường có những phát sinh ngoài mong muốn mà không theo kịch bản, chẳng hạn thay vì một vị nào đó phát biểu sau ca sĩ, nhưng vị này lại cao hứng chạy lên cầm mic thổ lộ điều gì đó trong lúc cảm xúc tuôn trào…
Vậy là ca sĩ phải chờ đợi. Bà C.P.N kể: Trong lần tổ chức cho doanh nghiệp bảo hiểm nói trên, một ngôi sao nhạc đỏ tuy đến trễ so với giờ hẹn, nhưng lúc này vẫn chưa đến lượt vì đang có một vị thao thao bất tuyệt ở bàn chủ tọa. Ca sĩ này cáu kỉnh và bày tỏ sự khó chịu và dọa sẽ chỉ chờ thêm 5 phút thôi, nếu nhiều hơn sẽ không hát. Ở trong hội trường, khách vẫn cao hứng mà không thể dừng lại, bên cánh gà, mặt mũi cả ca sĩ, cả BTC đều nặng nề. Kết quả là, họ đành xin kiếu không dám mời ca sĩ nọ tới diễn trong những lần tiếp theo.
Tại công chúng quá ưu ái?
Bà N cho hay, với dân tổ chức sự kiện, làm việc dễ chịu nhất trong số các ca sĩ nhạc đỏ hiện giờ có Đăng Dương, Lan Anh, Việt Hoàn. “Họ không chỉ tạo không khí thoải mái, thông cảm với nhà tổ chức về những phát sinh ngoài mong muốn, mà còn tươi cười hoặc cố gắng không tạo sự căng thẳng cho cả hai bên khi gặp sự cố. Với một vài ngôi sao, trong hợp đồng ghi bao nhiêu bài, họ chỉ hát bấy nhiêu, không bao giờ hát thêm. Nhưng những ca sĩ này có khi còn vui vẻ hát tặng thêm một bài theo yêu cầu, khiến cả khách cả chủ nhà đều vui”, bà N nói.
Lâu nay, trong dư luận vẫn râm ran chuyện ca sĩ nọ chảnh chọe khi địa phương, nơi chôn rau cắt rốn của mình, mời về hát. Thay vì cố gắng trở về để tri ân, chia sẻ với quê hương chút tình cảm của người xa quê và tự hào khi đã thành danh, ca sĩ nọ đòi catse chả khác gì hát ở lễ khai trương, động thổ. Có người còn làm mình làm mẩy để lãnh đạo địa phương săn đón, hứa hẹn và rồi thất hứa.
Những tưởng, lâu nay chỉ có các ca sĩ thị trường và ca sĩ tự do bị chỉ trích về văn hóa ứng xử mà ít ai để ý, hoặc xuê xoa cho các giọng ca đi theo dòng chính thống này, vì sự tôn trọng và ngưỡng mộ. Án phạt dành cho ca sĩ Trọng Tấn và Anh Thơ, hai gương mặt tiêu biểu của nhạc đỏ hiện nay, là một lời cảnh báo họ để không bị “trượt dài” trong sự ưu ái của người hâm mộ.
Theo Đất Việt