Như chúng tôi đã từng phản ánh trước đây về trường hợp đơn thư của gia đình ông Nguyễn Văn Ngay (ngụ Thành phố, Cao Lãnh, Đồng Tháp), bố của ông là ông Nguyễn Văn Nỉ được UBND Thị xã Cao Lãnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với phần đất 13.330m2 tại xã Mỹ Trà, Thành phố Cao Lãnh.
Tuy nhiên, ông Nỉ lại không hề có đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất đối với phần đất trên mà do con trai của ông là ông Nguyễn Văn Cư lúc đó đang công tác tại UBND xã Mỹ Trà tự ý làm giả hồ sơ để xin đăng ký cấp sổ đỏ cho ông Nỉ.
Vụ việc sau đã được Toà án xét xử và sổ đỏ đã bị tạm giữ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thi hành án. Hiện Giấy chứng nhận trên được ông Ngay cất giữ.
Trước đó, khi biết bản thân được cấp sổ đỏ trên, ông Nỉ đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận trên. Năm 2001, UBND Thị xã Cao Lãnh cũng đã có hướng sẽ ra quyết định thu hồi lại để sửa sai theo đúng quy định hiện hành. Nhưng đến nay, công tác thu hồi vẫn chưa thấy được thực hiện, trong khi gia đình ông Ngay đã rất nhiều lần yêu cầu.
Không chỉ dừng lại ở chuyện yêu cầu thu hồi sổ đỏ mà còn rất nhiều vấn đề cần được các cơ quan, ban ngành tỉnh Đồng Tháp xem xét giải quyết trong vụ việc này.
Tại đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Văn Nỉ (do ông Cư tự ý khai năm 1994) kê khai 4 thửa. Nhưng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì lại cấp đến 5 thửa, trong đó có thêm 1.000 mét vuông thửa 1126.
Xem xét tại sơ đồ đo đạc hiện trạng đất của gia đình ông Ngay đang sử dụng (lập khoảng năm 2017), thì tổng diện tích phần đất thực tế của gia đình ông Ngay chỉ có 6458 mét vuông (chứ không phải 13.330m2 như diện tích trên sổ đỏ và là mảnh đất trên được tạo thành bởi 2 thửa chứ không phải 5 thửa như trên sổ đỏ. Đối chiếu với bản đồ 299, thì hai thửa đất này hoàn toàn trùng khớp với thửa 819 và 816.
Một phần đất của gia đình ông Nguyễn Văn Ngay |
Khi phóng viên tìm hiểu về hai thửa đất 310, 342 mà UBND Thị xã Cao Lãnh lúc bấy giờ đã cấp cho ông Nỉ thì được biết hai thửa này nằm hoàn toàn cách xa thửa 816, 819 và cũng nằm xa rất nhiều so với khu đất mà gia đình ông Ngay sử dụng từ xưa đến nay. Trớ trêu hơn, là hai thửa đất 310, 342 lại do người khác quản lý, sử dụng chứ không phải gia đình ông Ngay. Riêng 1.000 mét vuông thửa 1126 được "tặng thêm" thì đến nay vẫn chưa rõ vị trí và nguồn gốc.
Trên bản đồ 299 thể hiện rất rõ thửa đất số 819 chưa hề bị tách thửa. Tuy nhiên, tại sơ đồ đo đạc hiện trạng đất thì lại cho thấy, thửa 819 đã bị tách ra thêm một thửa (nằm bên góc) với diện tích khoảng 300 mét vuông. Và đây cũng chính là diện tích đất được cho là đã cấp cho ông Nguyễn Văn Cư (năm 1995) và hiện do vợ chồng bà Nguyễn Thị Cẩm Hân quản lý, sử dụng.
Tại Biên bản định giá lại tài sản thi hành án của Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp ngày 6/3/1997 có nêu rõ, diện tích thửa đất ruộng của hộ ông Nỉ là 5.860 mét vuông, mặt tiền giáp đường Điện Biên Phủ dài 67 mét. Nhưng sơ đồ đo đạc cho thấy, mặt giáp Điện Biên Phủ của thửa 819 chỉ có 56,54m.
Trong khi chưa làm rõ việc một thửa đất còn nguyên vẹn bỗng lại có một thửa nhỏ nằm bên trong thì lại nảy sinh ra vấn đề khác là khoảng đất vỏn vẹn 300m2 nằm bên trong này lại tiếp tục bị "băm" thành nhiều thửa nhỏ hơn.
Theo Quyết định số 57/2007/QĐ-UBND ngày 18/12/2007 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành quy định diện tích tối thiểu được tách thửa và việc cấp sổ đỏ cho thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, thì diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp ở khu vực đô thị là từ 500m2 trở lên và đối với khu vực nông thôn là 1.000m2 trở lên. Quyết định của UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành rõ ràng là thế, nhưng không hiểu vì sao ngày 06/10/2008 UBND thành phố Cao Lãnh lại cấp đến 3 sổ cho bà Hân với diện tích nhỏ hơn rất nhiều lần so với diện tích tối thiểu quy định.
Dẫu chỉ có 200 mét vuông là đất ở đô thị còn lại là đất lúa, nhưng theo ghi nhận của phóng viên thì toàn bộ diện tích đất trên đã được sử dụng để xây nhà ở kiên cố và nhiều năm nay được sử dụng để kinh doanh cà phê.
Được biết, năm 2014, UBND thành phố Cao Lãnh cấp giấy phép xây dựng tạm cho bà Nguyễn Thị Cẩm Hân, theo đó chỉ được phép xây dựng căn nhà cấp 4 và được sử dụng trong thời hạn 3 năm. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà trên đất lại là một căn nhà kiên cố và công trình đến nay vẫn còn thản nhiên "bám trụ".
Trở lại nội dung yêu cầu thu hồi lại Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp sai, vào ngày 27/3/2001 UBND Thị xã Cao Lãnh có văn bản số: 07/TL.UB gửi Phòng Thi hành án tỉnh Đồng Tháp thễ hiện rõ quan điểm là qua kiểm tra lại hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của ông Nỉ thì hồ sơ không do chính ông Nỉ đăng ký mà do con của ông là Nguyễn Văn Cư tự ý đăng ký, mạo chữ ký và tự ghi số giấy CMND vào hồ sơ nên bị sai.
"Cha tôi không hề xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và càng không muốn nhận Giấy chứng nhận QSDĐ trên, bởi lẽ đất thực tế của gia đình tôi chỉ khoảng 7.000 mét vuông, ở đâu ra mà thành phố cấp cho gia đình tôi đến hơn 13.000 mét vuông. Tôi biết rõ, phần đất được cấp thêm đó là của ai, nhưng chẳng lẽ tôi yêu cầu gia đình họ phải tháo nhà trả đất cho tôi, đó là một hành vi trái đạo đức. Gia đình tôi không tham, nếu tham thì tôi đã lấy đúng diện tích đất mà thành phố đã trót cấp cho gia đình tôi. Tôi đề nghị một lần nữa, UBND TP Cao Lãnh thu hồi và cấp lại theo đúng quy định pháp luật và đúng diện tích đất của gia đình chúng tôi", ông Ngay nói.