Liên quan đến vụ nữ sinh viên năm nhất Học viện Ngân hàng mất tích, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án, lệnh tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Xuân Trung (35 tuổi, trú xã Văn Phú, huyện Thường Tín) để làm rõ tội "giết người, cướp tài sản".
Đồng thời, Nguyễn Văn Quân (37 tuổi, trú xã Quất Động, huyện Thường Tín) cũng bị cơ quan công an bắt giữ để làm rõ hành vi giúp sức Trung trong việc sát hại nữ sinh Trần Thúy H. (18 tuổi).
Theo dõi vụ án, Trung tá Đào Trung Hiếu (Thạc sĩ, Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) nhận định, hành vi của các đối tượng xâm phạm đồng thời 2 khách thể được luật hình sự bảo vệ, gồm quyền được sống (quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe) và quyền sở hữu. Các đối tượng sẽ bị xử lý về 2 tội đó là giết người, cướp tài sản.
Hành vi giết người man rợ, ác tính cao, thể hiện sự ích kỷ cao độ, coi thường tính mạng người khác. Hành vi bị thúc đẩy bởi động cơ thoát mãn nhu cầu vật chất, ở đây là nhu cầu có tiền mua ma tuý sử dụng. Với mục đích chiếm đoạt được tài sản, đồng thời bị thúc đẩy bởi nỗi lo sợ nếu để nạn nhân sống hành vi phạm tội sẽ bị tố giác, đối tượng đã quyết tâm tước đoạt sinh mạng nạn nhân một cách man rợ, bỏ ngoài tai lời khẩn cầu xin tha mạng của nữ sinh.
Về cơ chế hành vi phạm tội: các nghi can là người nghiện ma tuý, đặc điểm tâm lý cá nhân chứa đựng sẵn những lệch lạc, lệch chuẩn, tiêu cực, như sự ích kỷ, độc ác, hành động theo bản năng hướng đến việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất thô thiển.
Khi gặp phải tình huống thuận lợi (nạn nhân có tài sản, dễ tấn công, khống chế vì có một mình, trong điều kiện hoàn cảnh thuận lợi như trời tối, vắng vẻ..), tác động trực tiếp đến người đã có trong nhân cách những đặc điểm tiêu cực, hình thành ý định phạm tội.
Nạn nhân có vai trò trong cơ chế hành vi phạm tội, thể hiện ở khâu làm nảy sinh ý định phạm tội và giúp cho tội phạm được thực hiện thuận lợi. Nếu nạn nhân có ý thức cảnh giác, không xuất hiện tại khu vực vắng vẻ khi trời tối, không để lộ ra tài sản, biết cách ứng phó (tri hô, kêu cứu, bỏ chạy, tự vệ)... có thể không xảy ra tội phạm hoặc giảm thiểu được hậu quả, tác hại. Phòng ngừa tội phạm từ khía cạnh nạn nhân, cần nghiên cứu sâu vai trò (yếu tố lỗi) của nạn nhân trong các vụ án.
Vụ án tiếp tục đặt ra câu hỏi cần phải làm gì để ngăn chặn, phòng ngừa người nghiện ma tuý gây án tại cộng đồng. Trước đây, tại Bộ luật hình sự 1999, hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý bị xử lý hình sự theo Điều 199 - tội sử dụng trái phép chất ma tuý. Xử lý hình sự với hành vi này có tác dụng răn đe tốt. Trong lần sửa đổi vào năm 2009, Bộ luật hình sự đã bỏ tội danh này.
Từ đó, người nghiện được coi là người bệnh. Những biện pháp quản lý người nghiện, xử lý vi phạm... đều có những bất cập, hạn chế. Kết quả là cộng đồng đang sống trong nỗi lo âu, còn người nghiện ngoài cộng đồng đã, đang và sẽ tiếp tục tiềm ẩn những hậu quả, thiệt hại nặng nề cho xã hội. Thiết nghĩ, tình trạng đó đòi hỏi nghiên cứu, xem xét một cơ chế quản lý hiệu quả, mang tính răn đe, trừng trị, giáo dục.