Từ Tuyên ngôn độc lập đến bản Hiến pháp đầu tiên

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc nói về tư tưởng dân chủ, pháp quyền trong Tuyên ngôn độc lập và bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam.

 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc nói về tư tưởng dân chủ, pháp quyền trong Tuyên ngôn độc lập và bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khoá III ngày 26/4/1964 tại Hà Nội - Ảnh: tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khoá III ngày 26/4/1964 tại Hà Nội - Ảnh: tư liệu

Ông Lộc  nói: “Ngày 2/9/1945, bằng Tuyên ngôn độc lập, đất nước Việt Nam được độc lập. Nhưng không phải độc lập nào cũng giống nhau, ý nghĩa của bản Tuyên ngôn này ở chỗ, mang lại quyền làm chủ cho người dân. Chính vì vậy ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cấp bách xây dựng Hiến pháp để người dân được hưởng quyền tự do dân chủ”.

 

Dân chủ có nghĩa là dân được mở miệng

 

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Câu đó Bác trích trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ”. Nhưng điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người nói: "Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Bác đã nâng từ giải phóng từng cá nhân đến giải phóng cả một dân tộc. Nó không chỉ là Tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam mà là tuyên ngôn cho tất cả các dân tộc đang là nô lệ cho thực dân, đế quốc. Bởi vì, lúc đó Liên Hiệp Quốc đã ra đời nhưng chưa có văn bản nào công nhận quyền độc lập tự do của dân tộc. Sau này, chính trên cơ sở cuộc cách mạng của chúng ta Liên Hiệp Quốc mới chấp nhận quyền đó thành một tuyên ngôn và lần lượt các dân tộc Đông Nam Á, châu Phi... đều giành được độc lập.

 

* Thưa ông, có quan điểm cho rằng, sở dĩ lúc đó Hồ Chí Minh phải tuyên ngôn đề cao dân chủ, nhân quyền là do yêu cầu tập hợp nhiều lực lượng, tầng lớp, giai cấp?

2
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc
 - Chúng ta phải trở lại với câu hỏi Nguyễn Ái Quốc ra đi để làm gì? Có phải chỉ để giải phóng nông dân không? Không, mà là giải phóng dân tộc. Tư tưởng của Bác là không phân biệt già trẻ, trai gái, giai cấp, đã là người Việt Nam thì đều được quyền tự do. Nhưng tất nhiên phải nói rằng, trong hoàn cảnh khi chúng ta giành độc lập năm 1945, thế giới chưa chia thành 2 phe, lý tưởng của Bác Hồ là độc lập dân tộc, giải phóng người dân, mang lại cơm no áo ấm cho mọi người. Đó là lý tưởng, mong muốn của Người chứ không phải là bất cứ sự thủ đoạn nào. Chỉ có sau này, khi thế giới chia 2 phe, chúng ta phải định hình một quan hệ và lúc đó mới có vấn đề giai cấp.

 

* Thưa ông, ngay từ năm 1919 Hồ Chí Minh đã nói “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Tư tưởng dân chủ, pháp quyền được Người thể hiện thế nào trong Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp năm 1946?

 

- Trong bản yêu sách của nhân dân An Nam mà Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles năm 1919, thì yêu sách thứ bảy là đòi: thay chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. Nước nào cũng có pháp luật nhưng không phải nước nào cũng có pháp quyền. Vì sao? Pháp luật phải đi đôi với dân chủ, từng người dân phải có quyền tự do và quan trọng hơn là quan hệ Nhà nước và người dân thế nào để người dân có quyền làm chủ. Muốn biết xã hội có thượng tôn pháp luật hay không thì phải xem pháp luật đó do ai ban hành.

Tại sao lại yêu cầu phải hủy bỏ chế độ ra sắc lệnh, thay bằng chế độ ra các đạo luật? Sắc lệnh là loại văn bản do người đứng đầu Nhà nước ban hành, có nghĩa là cá nhân, độc tài. Khi đó Nguyễn Ái Quốc đã có tư tưởng đòi tổng tuyển cử, bầu cử tự do, lập ra bộ máy quốc hội, nghị viện, do nhân dân bầu ra, thay mặt nhân dân để ra các đạo luật. Yêu sách này có ý nghĩa dân chủ hóa đời sống xã hội, thay chế độ độc tài, chuyên chính cá nhân bằng chế độ do nhân dân làm chủ, bằng cách nhân dân bầu ra quốc hội, giao quyền cho quốc hội ra luật.

 

Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp 1946 mang đậm tinh thần này, khi xác định rất rõ địa vị của người dân. Người dân được tự do làm tất cả những gì pháp luật không cấm, làm tất cả những gì không chạm đến tự do của người khác.

 

* Thưa ông, quyền phúc quyết của người dân ghi thế nào trong Hiến pháp năm 1946?

 

- Nó được ghi tại Điều 32 và Điều 70. Người dân có quyền phúc quyết đối với những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia (trong đó có ban hành Hiến pháp). Có nghĩa là với những vấn đề hệ trọng, sau khi được 2/3 số nghị viên đồng ý thì  đưa ra phúc quyết, tức là trưng cầu dân ý bằng hình thức bỏ phiếu. Điều này thể hiện rất rõ tư tưởng của Hồ Chí Minh “dân chủ có nghĩa là dân được mở miệng”. Hiến pháp 1946 quy định, nhân dân trao quyền làm chủ cho Quốc hội và giữ cho mình quyền quyết định đối với những vấn đề hệ trọng. Nhưng đến Hiến pháp 59, Hiến pháp 80 và 92 không có quy định về phúc quyết nữa.

 

Cần sửa 5 chương về bộ máy

 

* Tại sao vậy, thưa ông?

 

- Vì sau các lần sửa thì chúng ta theo mô hình Hiến pháp Xô Viết không có phúc quyết. Hiến pháp 1992 nói, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nhưng nhân dân thực hiện quyền lực thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Có nghĩa là, nhân dân trao hết quyền lực cho Quốc hội ở T.Ư và Hội đồng nhân dân ở địa phương, chẳng giữ lại gì cho mình.

 

Hiến pháp xã hội chủ nghĩa khẳng định rất mạnh mẽ rằng tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, điều đó đúng, nhưng nhân dân chỉ thực hiện quyền lực thông qua cơ quan đại diện, chứ tự mình không thể thực hiện được. Theo tôi, nếu bây giờ đặt vấn đề sửa Hiến pháp 1992 là phải sửa từ điều đó.

 

* Thưa ông, kinh tế Việt Nam đang phát triển theo hướng mở và hội nhập nhưng tổ chức bộ máy quyền lực của Nhà nước còn khép kín. Về mặt lý thuyết nếu khép kín, thiếu công khai rất dễ dẫn đến quan liêu, lạm quyền. Theo ông phải sửa điều này thế nào?

 

- Như tôi đã nói, phải sửa từ cách đặt vấn đề nhân dân thực hiện quyền lực thế nào và phải sửa 5 chương về bộ máy. Hiến pháp của chúng ta khẳng định nhất quán quyền lực thuộc về nhân dân nhưng lại không hề nói đến cơ chế để nhân dân thực hiện quyền thế nào. Nhiều lắm thì Quốc hội trước khi thông qua luật, Hiến pháp, công bố dự thảo để nhân dân tham gia ý kiến. Xin lưu ý là tổ chức lấy ý kiến thôi nhé, nghe hay không thì không biết, nó khác hẳn với trưng cầu dân ý là tổ chức bỏ phiếu, dân có thể trực tiếp bày tỏ thái độ đồng ý hoặc không đồng ý.

 

Nói cho công bằng thì Hiến pháp của ta có nói nhân dân có quyền giám sát bộ máy Nhà nước. Tuyên bố đó mạnh mẽ nhưng giám sát như thế nào thì chưa làm được. Chẳng hạn, trong luật có quy định người dân có quyền bãi miễn đại biểu do mình bầu ra nhưng làm thế nào để bãi miễn thì chưa rõ. Thế nên 65 năm nay chưa thấy đại biểu nào bị dân bãi miễn theo đúng nghĩa.

 

* Thưa ông, phải thực thi pháp quyền và dân chủ thực chất bắt đầu từ đâu?

 

- Khi nói Nhà nước pháp quyền phải nói đến xã hội dân sự. Nhưng cho đến  nay khái niệm xã hội dân sự chưa được đưa vào văn kiện, chúng ta vẫn xem đó như điều kiêng kỵ, coi đó như là sản phẩm của tư bản chủ nghĩa. Đúng là nó ra đời ở xã hội tư sản nhưng không phải tất cả sản phẩm của tư sản đều xấu cả (cười). Chúng ta cứ chê họ nhưng rõ ràng chế độ dân chủ của họ ngày càng hoàn thiện, ở đó người dân thực sự nắm giữ lá phiếu để bầu ra người đại diện cho mình, để thay mình làm ra các đạo luật và giải quyết các vấn đề mà cử tri yêu cầu. Còn ở ta thì người dân có quyền gì với các đại biểu không, có quyền chi phối các đại biểu không? Chưa có. Tôi có 20 năm làm đại biểu Quốc hội nhưng chẳng khi nào thấy dân tìm đến tôi yêu cầu giải quyết vấn đề này vấn đề kia. Tôi hỏi các đại biểu khác cũng thế thôi. Họ không đến là phải, vì cùng lắm đại biểu cũng chỉ chuyển đơn của họ thôi rồi thông báo: tôi đã gửi đơn của ông rồi đấy.

Nói thẳng ra thì tổ chức bộ máy Nhà nước của mình đang còn có vấn đề và chế độ bầu cử cũng là vấn đề lớn cần giải quyết.

 

* Xin cảm ơn ông!

Theo TNO

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.