Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi là ngọn đuốc chỉ đường cho văn hóa Việt Nam

Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân - Ảnh tư liệu
Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân - Ảnh tư liệu
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đề cương văn hóa Việt Nam đã ra đời 80 năm nhưng những nội dung đề cập trong đó, những giá trị tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.

Đó là sự thể hiện rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, để văn hóa tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và phát triển một nước Việt Nam “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa

Nhiều nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra, dù không có tác phẩm riêng bàn về văn hóa nhưng qua những bài phát biểu, nói chuyện tại các hội nghị; qua thư từ, ghi chép cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Tư tưởng của Người về văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng, hiện vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm văn hóa được hiểu theo cả ba nghĩa rộng, hẹp và rất hẹp. Theo nghĩa rộng, văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người. Theo nghĩa hẹp, Người viết: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”. Theo nghĩa rất hẹp, văn hóa đơn giản là trình độ học vấn của con người, thể hiện ở việc Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người phải đi học văn hóa, xóa mù chữ… Định nghĩa về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc phục được những quan niệm phiến diện về văn hóa trong lịch sử và hiện tại.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24/11/1946), Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính đi trước đón đầu của văn hóa - ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến những thắng lợi: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 05/01/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Trong rất nhiều bài nói và bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phải giữ gìn và phát huy những truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc nên qua hàng ngàn năm lịch sử. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu… Bên cạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc phải biết tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, biết “gạn đục, khơi trong”, nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân, biết chọn lọc, sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc tính của dân tộc mình.

Trong dòng chảy của việc khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến di sản văn hóa dân tộc. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 23/11/1945, Người đã ký kết Sắc lệnh 65 về bảo tồn tất cả các di sản văn hóa như đình chùa, đền miếu, cung điện, thành quách, bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở, kể cả những cái có tính tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử. Năm 1951, trong lúc đang kháng chiến chống Pháp, Người cũng đã ra Chỉ thị phục hồi vốn cổ dân tộc. Nhờ vậy mà một số loại hình nghệ thuật truyền thống ở các địa phương trong nước được phục hồi để phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân, động viên toàn dân, toàn quân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.

Trong Di chúc, Người đau đáu căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”…

Chính cội nguồn văn hóa dân tộc, hệ giá trị cốt lõi của con người Việt Nam đã giúp đất nước vượt lên những khó khăn chưa từng có.

Chính cội nguồn văn hóa dân tộc, hệ giá trị cốt lõi của con người Việt Nam đã giúp đất nước vượt lên những khó khăn chưa từng có.

Văn hóa là nền tảng, là động lực cho sự phát triển xã hội

80 năm trước khi Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời, những nội dung được thể hiện trong đó cho thấy có sự tương đồng vô cùng lớn với tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, sự thống nhất về tư tưởng chỉ đạo của Đảng nói chung cũng như của Tổng Bí thư Trường Chinh - người học trò xuất sắc của Người.

Trong bài viết “Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và bản Đề cương văn hóa 1943” đăng tải trên truyền thông mới đây, TS. Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã viết: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến văn hóa. Tư tưởng của Người về văn hóa luôn dẫn dắt, định hướng trong quá trình xây dựng, phát triển, nâng cao tầm vóc nền văn hóa Việt Nam. Người luôn cho rằng “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa là nền tảng, là động lực cho sự phát triển xã hội. Tầm ảnh hưởng của tư tưởng Người về văn hóa không chỉ đối với sự phát triển văn hóa dân tộc, mà còn đối với sự phát triển của nền văn hóa thế giới, văn hóa của tương lai.

Bản Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 dưới sự chỉ đạo của Đảng mà Tổng Bí thư Trường Chinh là người khởi thảo là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ… Đề cương văn hóa đã phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa dưới ách Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân, mang tới một sự thay đổi có tính đột phá về tư tưởng, về văn hóa. Các nội dung được thể hiện trong bản Đề cương có một sự tương đồng vô cùng lớn với tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, cho thấy một sự thống nhất về tư tưởng chỉ đạo của Đảng nói chung cũng như của Tổng Bí thư Trường Chinh - người học trò xuất sắc của Người…”.

Trong bài viết “Nền tảng cho sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã đề cập tới: “Trong thế nước ngàn cân treo sợi tóc, cả dân tộc phải dồn sức chống lại giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội với hơn 200 đại biểu trong cả nước tham dự. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”.

Từ cách đặt vấn đề “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”, Hồ Chí Minh đi đến khẳng định: “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình. Đối với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận dân ta là ở trong tay ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”. Người tha thiết đề nghị “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và sáng tạo”…

Có thể nói, trong suốt cuộc đời, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Theo Người, văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn và giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Văn hóa được xây dựng và bồi đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử, nó làm nên nền tảng tinh thần của một xã hội, giữ vai trò quan trọng vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Sau thành công tốt đẹp của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021) và các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định:

“Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”.

Tin cùng chuyên mục

Festival Huế đã khẳng định thương hiệu. (Ảnh: Tổ Quốc)

Huế - Thành phố của những Festival

(PLVN) - Từng được xem là lễ hội hoàng gia của triều đình Nguyễn, Festival Huế ngày nay vẫn giữ được nét truyền thống đặc sắc. Festival Huế là một sự kiện văn hóa tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước.

Đọc thêm

Về làng Yên Thái xem nghề làm giấy cổ xưa

Đãi, lọc bột dó. (Ảnh: tư liệu)
(PLVN) - Làng Yên Thái từ thế kỷ 15 đã vang danh khắp chốn với nghề làm giấy dó truyền thống như một niềm tự hào của người dân Kẻ Bưởi. Trải qua nhiều công đoạn chế tác thủ công cầu kỳ, phức tạp, đôi tay tài hoa của người thợ Việt đã làm ra thành những tờ giấy nhẹ như bấc, mềm như lụa, óng như tơ, mảnh mai, tinh tế. Người xưa đã dùng giấy dó để in kinh sách, viết chữ, in tranh dân gian, các triều đại phong kiến Việt Nam dùng nó cho việc viết sắc phong. Đặc biệt, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên giấy dó vùng Bưởi.

Trò chuyện với người viết quyển sách 'Lòng nhân ái của Bác Hồ'

Tác giả Trần Đình Việt giao lưu với Viện Khoa học hình sự miền Trung về tác phẩm “Lòng nhân ái của Bác Hồ”. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) -  Với tác giả Trần Đình Việt, “Lòng nhân ái của Bác Hồ” là tác phẩm tâm đắc nhất của ông trong suốt cuộc đời làm công tác xuất bản. Một tập hợp những câu chuyện nhỏ mà tác giả dày công nghiên cứu, tìm hiểu đã lay động biết bao trái tim độc giả, cho thấy một khía cạnh rất đời thường mà cũng rất vĩ đại của vị cha già kính yêu.

'Bác ơi, tim Bác mênh mông thế'…

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2 năm 1951).
(PLVN) - “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/Ôm cả non sông, mọi kiếp người”… Nhà thơ Tố Hữu đã thốt lên trong những câu thơ chan chứa về lòng nhân ái bao la của Bác như thế… Năm 1990, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) đã vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất. Trong rất nhiều điều vĩ đại làm nên nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, là tình yêu bao la của Bác dành cho nhân loại, cho mỗi kiếp người…

Thế giới ngợi ca Người - Danh nhân Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh được đón chào khi đến thăm thành phố Novosibirsk, mở đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên Xô (nay là Liên bang Nga), ngày 10 tháng 7 năm 1955. (Ảnh: tư liệu)
(PLVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại không chỉ đối với Nhân dân Việt Nam mà còn đối với bạn bè yêu chuộng tự do và hòa bình trên thế giới. Người là một nhân vật lịch sử được yêu thích khắp năm châu không chỉ bởi tài năng lỗi lạc mà còn bởi phẩm chất đạo đức trong sáng, đẹp đẽ, kết tinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt trải qua hàng ngàn năm lịch sử.

Theo dấu hành trình cách mạng của Bác Hồ qua bưu ảnh và tem

Người dân đến tham quan triển lãm “Hành trình theo chân Bác Hồ qua bưu ảnh”.
(PLVN) - Thông qua bưu ảnh và những con tem quý giá của nhà sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc, người xem dường như bước vào một cuộc hành trình theo dấu chân Bác từ những ngày Bác còn niên thiếu cho đến trưởng thành, ra hải ngoại, làm cách mạng, lãnh đạo đất nước. Dường như những trang sử hào hùng cũng được mở ra từ những bức ảnh và con tem bé nhỏ.

Mùa tỏi cô đơn

Mùa tỏi cô đơn
(PLVN) - Mỗi khi tàu nhả khói chạm vào vòm cây xà cừ cổ thụ chỗ nền ga Điềm cũ sẽ rúc những hồi còi dài dằng dặc, tiếng bánh sắt lăn rình rùng trên đường ray. Đường gạch chật chưỡng dưới chân Miên.

Hãy níu nhau thêm một chút…

Hãy níu nhau thêm một chút…
(PLVN) - Cuộc sống thời số hóa, mọi buồn vui, hạnh phúc, hỉ nộ ái ố với nhiều người đều ăm ắp trên mạng xã hội… Nhưng có một cô gái đã chết khô trên sofa đã hơn một năm trong căn hộ tại một chung cư ở Hà Nội lại không có - dù chỉ là một kết nối thực...

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Hướng tâm về Đức Phật, vì mọi người mà phục vụ

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP Hà Nội. (Ảnh: giacngo.vn).
(PLVN) -  Nhân dịp Đại lễ Phật đản, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP Hà Nội mong muốn tất cả mọi người hãy hướng tâm về Đức Phật, lấy đạo hạnh của Ngài để soi rọi bản thân, sống vô ngã vị tha, vì mọi người mà phục vụ.

Ra mắt làng du lịch cộng đồng Đăk Răng

Tiết mục biểu diễn Cồng chiêng tại buổi Lễ công nhận làng du lịch cộng đồng Đăk Răng.
(PLVN) - Tại làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, sáng 17/5, UBND huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) tổ chức Lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận Làng Du lịch Cộng đồng Đăk Răng và Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc xã Đăk Dục năm 2024.

Xúc động những bộ phim khắc họa chân dung Bác Hồ

Bộ phim “Vầng trăng thơ ấu” tái hiện cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn nhỏ. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Những ngày tháng 5 này, người dân Việt Nam lại bồi hồi xúc động nhớ về vị Cha già của dân tộc - lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình tượng kinh điển, nguồn cảm hứng bất tận cho những người làm nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng. Trong đó, những bộ phim khắc họa chân dung Bác Hồ luôn để lại niềm xúc động sâu sắc trong lòng khán giả.