Những ngày này, khi dư luận đang “sôi sùng sục” về chuyện rùa tai đỏ “quậy tưng bừng” hồ Gươm và “cụ Rùa”, người ta mới nhớ ra để xảy ra việc này có phần trách nhiệm rất lớn của các cơ quan quản lý đa dạng sinh học. Có điều, thực trạng quản lý lĩnh vực này hiện nay rất đáng buồn vì các Bộ, ngành đều... lúng túng.
Rùa tai đỏ “cưỡi” cụ Rùa hồ Gươm. |
Luật Đa dạng sinh học được xây dựng và ban hành từ năm 2008 được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để đưa công tác quản lý bảo tồn vào nền nếp. Tuy nhiên, dù đã có hiệu lực pháp luật hơn 1 năm nhưng đến nay, do thiếu các các văn bản hướng dẫn thực thi luật nên các Bộ, ngành đều lúng túng khi triển khai luật.
Nguy cơ chồng chéo giữa các Bộ, ngành
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường tại Hội thảo Tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg và xây dựng định hướng chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam tới năm 2020, hầu hết các Bộ, ngành ở Trung ương cũng như các địa phương đều cho rằng còn gặp khó khăn khi triển khai các hoạt động bảo tồn khi thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đa dạng sinh học. Đơn cử như Bộ Công thương nêu thiếu văn bản hướng dẫn Quản lý Nhà nước về an toàn sinh học đối với nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc GMO (thực phẩm biến đổi gien).
Ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Khoản 2, Điều 6 Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đa dạng sinh học”. Tuy nhiên, sự phân công trách nhiệm Quản lý Nhà nước đối với đa dạng sinh học theo Luật Đa dạng sinh học 2008 lại chưa đáp ứng được các tiêu chí rõ ràng, cụ thể và khả thi. Do quy định tại Khoản 3 Điều 6: “Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về đa dạng sinh học theo phân công của Chính phủ”, nên trách nhiệm của các bộ, ngành khác vẫn đang trong “chế độ chờ” sự phân công của Chính phủ”.
Ngược lại, các quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước đối với Đa dạng sinh học tại các Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, Luật Thủy sản 2003, Nghị định 109/2003/NĐ-CP, Nghị định số 01/2008/NĐ-CP đã đáp ứng tốt các tiêu chí hợp pháp, đúng thẩm quyền, rõ ràng, cụ thể nhưng lại chưa đáp ứng được tiêu chí phù hợp với đặc thù của đa dạng sinh học.
Nếu sự phân công của Chính phủ đối với các Bộ, ngành trong thời gian tới đây vẫn theo hướng phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành chủ yếu dựa trên cơ sở chia các hệ sinh thái tự nhiên, các bộ phận của Đa dạng sinh học thành: Rừng, biển, đất ngập nước... để quản lý, nghĩa là các hệ sinh thái khác nhau sẽ do các cơ quan khác nhau quản lý, bảo vệ thì xem như cách tiếp cận mới, hiện đại của Luật Đa dạng sinh học 2008 không có giá trị trên thực tế. Nếu không có một “lát cắt mới” trong quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học thì nguy cơ trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành là điều khó tránh khỏi.
Thiếu chế tài xử lý vi phạm
Bà Hoàng Thanh Nhàn - Trưởng phòng Bảo tồn loài, nguồn gien và an toàn sinh học thuộc Tổng cục Môi trường - cho biết: “Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực từ ngày 1/10/2009 nhưng đến thời điểm hiện nay Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo tồn đa dạng sinh học vẫn chưa được ban hành. Các hành vi vi phạm về bảo tồn đa dạng sinh học trong các lĩnh vực cụ thể có thể xử lý theo các luật và văn bản chuyên ngành.
Ví dụ, xử lý vi phạm về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen được thực hiện theo Nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các vi phạm về đa dạng sinh học rừng xử lý theo Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; một số vi phạm có thể xử lý theo Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11/10/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản...
Các văn bản trên mặc dù mới được ban hành nhưng trong thực tế áp dụng đã thể hiện nhiều bất cập. Nhiều trách nhiệm hành chính liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài, bảo tồn tài nguyên di truyển, về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích... vẫn còn chưa được cụ thể trong các văn bản hiện hành”.
Về trách nhiệm hình sự, Luật 37/2009/QH 12 sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự có quy định về các tội danh liên quan tới bảo tồn đa dạng sinh học ở các điều từ 182 đến 191. Tuy nhiên, do quy định hướng dẫn chậm được ban hành nên một số tội danh vẫn còn trong giai đoạn “chờ” mới đủ cơ sở để xử lý. Ví dụ Điều 190 quy định tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” nhưng hiện nay lại chưa công bố “danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.
Tình trạng di nhập các loài sinh vật ngoại lai vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ và có các chế tài xử lý có hiệu quả. Có thể lấy vụ nhập 40 tấn rùa tai đỏ là thí dụ cụ thể.
Tháng 4/2010, Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ đã nhập khẩu 40 tấn rùa tai đỏ (khoảng 25.600 con) để làm thực phẩm tươi sống theo giấy phép số 184/NTTS-GP, ngày 5/3/2010 của Cục Nuôi trồng thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Vụ Nuôi trồng thủy sản). Theo Thông tư 53/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định quản lý các loài thủy sinh vật ngoại lai tại Việt Nam thì rùa tai đỏ thuộc loài không được nhập khẩu thông thường vào Việt Nam.
Các cơ quan chức năng đã lúng túng khi xử lý vụ việc. Cục Nuôi trồng thủy sản thanh minh rằng chỉ cấp phép cho công ty nhập khẩu về làm thực phẩm, chứ không phải về nuôi nhốt tại bản địa. Tuy nhiên, theo quy định thì Cục Nuôi trồng chỉ được cấp phép cho các loài thủy sinh với mục đích để nuôi, làm con giống. Vậy việc Cục này cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng chục tấn rùa nguy hại về làm thực phẩm là “vượt rào”.
Đến tháng 9/2010 - tức là sau 5 tháng, vụ việc này mới được giải quyết, khi đó, đã có một số lượng rùa tai đỏ đã thoát ra ngoài các thủy vực tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Điều đó cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý sinh vật lạ giữa các cơ quan trong một Bộ, đồng thời cũng thấy chưa có đủ chế tài để xử lý những vụ tương tự như thế này.
Lam Hạnh