Cần khôi phục lại phạm vi điều chỉnh của nguyên tắc thiện chí, trung thực

(PLO) - Thiện chí, trung thực là nguyên tắc được ghi nhận trong nhiều hệ thống pháp luật (nhiều hệ thống pháp luật không tách trung thực ra khỏi thiện chí mà coi thiện chí bao hàm cả trung thực). Ở Việt Nam, nguyên tắc “thiện chí, trung thực” đã chính thức được ghi nhận tại Điều 9 BLDS năm 1995. Nguyên tắc này tiếp tục được duy trì trong BLDS năm 2005 với nội hàm thay đổi so với BLDS năm 1995 tại Điều 6.
Dự thảo sửa đổi BLDS đang lấy ý kiến toàn dân có nội dung thay đổi Điều 6 BLDS năm 2005 và chúng tôi thấy sự thay đổi trong Dự thảo không thuyết phục từ góc độc thực tiễn cũng như góc độ so sánh nên cần phải xem lại.
Sự thay đổi trong Dự thảo
Điều 6 BLDS hiện hành quy định “trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào”. Ở đây, các bên phải thiện chí, trung thực “trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Điều đó có nghĩa là nguyên tắc này không chỉ áp dụng trong việc “thực hiện” mà còn cả trong việc “xác lập” quyền, nghĩa vụ dân sự.
Về phạm vi áp dụng, nguyên tắc trên đã có sự thay đổi trong Dự thảo và thực tế Điều 5 của Dự thảo theo hướng “khi tham gia quan hệ dân sự, cá nhân, pháp nhân phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình một cách thiện chí, trung thực. Không ai được giành lợi thế cho mình từ hành vi trái pháp luật hoặc từ việc ứng xử không thiện chí, không trung thực”.
Nguyên tắc này trong Dự thảo đã có nhiều thay đổi so với BLDS năm 2005 và ở đây chúng tôi chỉ quan tâm tới phạm vi áp dụng. Nếu trong BLDS hiện hành, nguyên tắc thiện chí, trung thực được áp dụng không chỉ cho “thực hiện” mà còn cho cả “xác lập” quyền, nghĩa vụ dân sự thì Dự thảo thu hẹp lại pháp vi điều chỉnh. Vì nguyên tắc này theo Dự thảo chỉ còn áp dụng cho giai đoạn “thực hiện” quyền, nghĩa vụ dân sự.
Sự không thuyết phục nhìn từ góc độ thực tiễn
Trong thực tiễn xét xử, không hiếm trường hợp Tòa án phải khai thác nguyên tắc thiện chí, trung thực để giải quyết những vẫn đề liên quan đến giai đoạn “xác lập” quyền, nghĩa vụ dân sự. Điều đó có nghĩa là, so với nhu cầu của thực tiến, việc Dự thảo bỏ nguyên tắc thiện chí, trung thực ra khỏi giai đoạn “xác lập” quyền, nghĩa vụ dân sự là không thuyết phục.
  Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng nhau nghiên cứu một tình huống đã được Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao giải quyết ở cấp giám đốc thẩm (về vụ việc này, xem thêm Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị quốc gia 2013, Tái bản lần thứ tư, Bản án số 12-14).
Vụ việc minh họa: ông Thạnh đến nhà bà Hương xem giấy tờ nhà phô tô và đồng ý mua căn nhà 150A Lạc Long Quân với giá 380 lượng vàng SJC và đặt cọc 20.000 USD. Hai bên đã ký “Giấy thỏa thuận mua bán nhà” viết tay với nhau, trong đó có nội dung: “Nếu nhà bị giải tỏa và quy hoạch” thì bên bán trả lại tiền cọc cho bên mua. Nếu vì lý do nào đố bên bán không bán nữa sẽ trả lại 40.000 USD, bên mua không mua nữa sẽ mất cọc.
PGS.TS Đỗ Văn Đại
PGS.TS Đỗ Văn Đại
Sau đó, ông Thạnh đến xem giấy tờ gốc của nhà 150A Lạc Long Quân và hai bên đã ký lại vào “giấy thỏa thuận mua bán nhà” đánh vi tính. Tờ giấy này do bà Hương thảo lại trên cơ sở nội dung của “giấy thỏa thuận mua bán nhà” viết tay ký hôm trước. Sau đó ông Thạnh đi hỏi các cơ quan có thẩm quyền mới biết nhà bà Hương bị giải tỏa 1/3 nhà nên hai bên phát sinh tranh chấp.
Áp dụng nguyên tắc thiện chí: Theo Tòa án nhân dân tối cao, “mặc dù đã trao đổi miệng, bà Hương nói nhà không bị giải tỏa, nhưng ông Thạnh thừa nhận có xem xét giấy tờ nhà phô tô xong mới đặt cọc. Tại giấy tờ nhà có tài liệu “Họa đồ đính kèm ngày 13/10/1989” và “giấy phép mua bán nhà ngày 1/11/1989” đều ghi: phần diện tích 31,98m2 chiếm lộ giới không cho mua bán, chủ nhà tự tháo dỡ khi có quy hoạch chung của Nhà nước.
Như vậy giấy tờ nhà đã thể hiện có một phần diện tích nằm trong lộ giới sẽ bị giải tỏa, nhưng ông Thạnh không xem kỹ giấy tờ đã đặt cọc mua bán toàn bộ nhà là có lỗi trong việc ông xin hủy hợp đồng. Về phía bà Hương thì chỉ đưa giấy tờ nhà cho ông Thạnh xem mà không nói rõ nhà sẽ bị giải tỏa một phần là chưa thiện chí”. Từ đó, Tòa án kết luận, “bà Hương có lỗi một phần trong việc ông Thạnh xin hủy hợp đồng”. Như vậy, ứng xử của bà Hương (bên bán) đã được Tòa án xác định là “chưa thiện chí” và việc này tồn tại ở thời điểm xác lập hợp đồng (tức xác lập quyền, nghĩa vụ giữa các bên).
 Do đó, nếu chúng ta bỏ nguyên tắc thiện chí như Dự thảo hiện nay, chúng ta không có cơ sở vững chắc để Tòa án xử lý những hoàn cảnh như trường hợp của bà Hương nêu trên và đây là điều đáng tiếc.
Áp dụng nguyên tắc trung thực: Vẫn trong vụ việc trên, theo Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, “bà Hương cho rằng, giấy thỏa thuận mua bán nhà đánh vi tính đã ghi: nếu nhà bị “quy hoạch giải tỏa trằng” thì bà mới trả tiền cọc. Xét thấy khi thỏa thuận ngày 20/3/2002 giấy viết tay chỉ ghi: nếu nhà bị “giải tỏa và quy hoạch” thì bên bán sẽ trả lại tiền cọc. Điều đó chứng tỏ ý thức người mua là nếu nhà cứ bị giải tỏa là sẽ không mua.
Nhưng trong giấy thỏa thuận đánh vi tính do bà Hương thảo lại ghi: nhà bị “quy hoạch giải tỏa trắng” thì bên bán sẽ trả lại tiền cọc cho bên mua, nghĩa là giải tỏa toàn bộ thì người mua mới được trả lại tiền cọc. Đây là nội dung thay đổi cơ bản bất lợi cho bên mua, nhưng lại không được đưa ra thỏa thuận lại một cách nghiêm túc trước khi ký mà ý thức của bà Hương là cứ viết vào văn bản, nếu ông Thạnh phát hiện ra thì không ký, nếu ông Thạnh không phát hiện ra cứ ký thì bà Hương có lợi. Điều đó chứng tỏ ý thức của bà Hương khi thiết lập lại hợp đồng là không trung thực, nên có lỗi một phần trong việc ông Thạnh không tiếp tục thực hiện hợp đồng”.
Như vậy, nguyên tắc trung thực cũng đã được Tòa án khai thác để giải quyết vấn đề liên quan đến xác lập hợp đồng (tức xác lập quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng). Do đó, việc Dự thảo bỏ nguyên tắc trung thực trong giai đoạn “xác lập” quyền, nghĩa vụ dân sự là không thuyết phục từ góc độ thực tiễn và cần xem lại.
Sự không thuyết phục nhìn từ góc độ so sánh
Nghiên cứu pháp luật quốc gia của các nước theo hệ thống pháp luật thành văn như chúng ta cho thấy hướng bỏ việc áp dụng nguyên tắc thiện chí, trung thục ở giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự là không thuyết phục. Ví dụ, ở Pháp, Bộ luật dân sự nổi tiếng năm 1804 (vẫn được gọi là Bộ luật dân sự Napoléon) quy định các giao dịch được giao kết hợp pháp “phải được thực hiện một cách thiện chí” (Điều 1134).
Quy định này chỉ đề cập tới “thiện chí” (theo nghĩa bao gồm cả trung thực) ở giai đoạn “thực hiện” mà không nói đến “thiện chí” trong giai đoạn “xác lập” giao dịch. Tuy nhiên, trước sự phức tạp của quan hệ dân sự, án lệ đã bổ sung theo hướng việc giao kết (xác lập) giao dịch cũng phải được tiến hành “một cách thiện chí”. Pháp đang tiến hành sửa đổi pháp luật hợp đồng và, trong Dự thảo sửa đổi năm 2012, Điều 1134 trên được sửa đổi theo hướng “hợp đồng phải được giao kết và thực hiện một cách thiện chí”.
Như vậy, so với BLDS năm 1804, Dự thảo sửa đổi BLDS Pháp đã kế thừa án lệ và bổ sung việc áp dụng thiện chí cho cả giai đoạn hình thành hợp đồng (bên cạnh việc áp dụng truyền thống cho giai đoạn thực hiện). Điều đó cho thấy Pháp đang chưa có quy định minh thị cho phép áp dụng nguyên tắc thiện chí (bao hàm cả trung thực) vào giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự và án lệ cũng như các nhà lập pháp đã và đang cố gắng bổ sung thiện chí cho cả giải đoạn này. Ngược lại, chúng ta đang có quy định minh thị cho phép áp dụng nguyên tắc thiện chí, trung thực cho cả giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên Dự thảo của chúng ta lại bỏ đi quy định này mà người đọc hoàn toàn không hiểu vì lý do gì.
Ở cấp độ châu Âu, hiện nay chúng ta có một Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng. Trong Bộ nguyên tắc này, thiện chí (theo nghĩa rộng bao gồm cả trung thực) cũng rất được quan tâm. Nguyên tắc này được đưa vào phần chung của Bộ nguyên tắc tại Điều 1:201 theo đó “mỗi bên phải ứng xử phù hợp với các yêu cầu của thiện chí. Các bên không thể loại bỏ cũng như hạn chế nghĩa vụ thiện chí này”.
Đây là quy định chung trong phần chung nên áp dụng cho toàn bộ quan hệ hợp đồng, từ giai đoạn xác lập hợp đồng đến giai đoạn thực hiện hợp đồng và các nhà làm luật còn khẳng định các bên không được thỏa thuận hạn chế hay loại trừ nghĩa vụ thiện chí.
Điều đó cũng có nghĩa là Dự thảo của chúng ta đi ngược lại với xu hướng đương đại trên thế giới về vai trò của nguyên tắc thiện chí, trung thực: Thế giới muốn vận dụng nguyên tắc thiện chí cho giai đoạn xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự cũng giống như văn bản hiện hành của chúng ta (đang vận dụng cho cả xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự). Nhưng Dự thảo sửa đổi BLDS lại bỏ nguyên tắc này cho giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự.
Quy định trong BLDS hiện hành đang cho phép áp dụng nguyên tắc thiện chí, trung thực không chỉ cho giai đoạn thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự mà còn cả cho giai đoạn xác lập chúng. Nhưng Dự thảo lại theo hướng bỏ việc vận dụng nguyên tắc này cho giai đoạn xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự.Với hướng này, Dự thảo làm cho pháp luật của chúng ta tương đồng với pháp luật của Pháp cách đây hơn 200 năm về trước và không còn phù hợp với xu hướng đương đại. So với giai đoạn thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, BLDS của chúng ta (và cả pháp luật các nước trên thế giới nói chung) có quá ít quy định trong giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự. Do đó, cần có một nguyên tắc bao trùm là thiện chí, trung thực để điều chỉnh khi thiếu quy định cụ thể cho những hoàn cảnh cụ thể ở giai đoạn xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (như trường hợp của bà Hương nêu trên). Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị khôi phục lại nguyên tắc thiện chí, trung thực cả trong giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự.

Đọc thêm

Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp: Tự hào 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ

Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp: Tự hào 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ
(PLVN) - Hòa trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) của cả nước, ngày 04/5, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Đoàn cơ sở Học viện Tư pháp và các Chi đoàn, Đoàn cơ sở trực thuộc tổ chức chương trình "Dâng hương và giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên tại các điểm di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Hà Nội". Đồng chí Trịnh Xuân Tùng - Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn.

Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1 dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1 dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
(PLVN) -Sáng 04.5.2024, Đoàn lãnh đạo và công chức Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, TPHCM do ông Nguyễn Tiến Huy - Bí Thư Chi bộ, Chi cục trưởng làm trưởng đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, thăm quan bến Nhà Rồng nhân dịp hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) và 113 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2024).

Cần quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ

Dao - tang vật trong nhiều vụ án. (Ảnh minh họa: anninhthudo.vn)
(PLVN) - Thực tế hiện nay tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao, chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng. Tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 không quy định dao là vũ khí.

Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương: “Bước cuối cùng mới phải cưỡng chế”

Tập thể cán bộ, công chức Chi cục THADS TP Hải Dương. (Ảnh:haiduong.gov.vn)
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quý, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Hải Dương chia sẻ: “Việc cưỡng chế rất phức tạp, liên quan đến hàng chục, cơ quan đơn vị, quy trình gồm nhiều bước, không những rất tốn kém tiền của, công sức mà còn lo ngại đến an ninh trật tự trên địa bàn. Do đó, quan điểm của chúng tôi là bằng mọi biện pháp, phải vận động thuyết phục đến cùng, bước cuối cùng mới đến cưỡng chế”.

Cần tăng cường nguồn lực khi thí điểm giao Phòng Tư pháp cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp

Cần tăng cường nguồn lực khi thí điểm giao Phòng Tư pháp cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp
(PLVN) -Sẵn sàng tâm thế để đón nhận nhiệm vụ mới nếu Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm giao một số Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An thực hiện cấp Phiếu LLTP được thông qua, tuy nhiên, các Phòng Tư pháp cũng mong muốn được tăng cường nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Thi hành án dân sự địa phương chủ động gỡ khó

Đoàn công tác của Ban Nội chính Thành uỷ làm việc với Cục THADS TP.HCM (nguồn Cục THADS TP.HCM).
(PLVN) - Trong bối cảnh công tác thi hành án dân sự (THADS) ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều giải pháp đã được các cơ quan THADS chủ động triển khai để phấn đấu đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Chương trình thiện nguyện “cùng em đến trường” tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Chương trình thiện nguyện “cùng em đến trường” tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình
(PLVN) -Ngày 27/4, Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phan miền Bắc và thân hữu đã phối hợp với Câu lạc bộ Bất động sản Hoà Lạc, Tỉnh đoàn Hoà Bình, Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc tổ chức Chương trình thiện nguyện “CÙNG EM ĐẾN TRƯỜNG” trao tặng 200 chiếc xe đạp và một số phần quà dành cho các em học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình.

Nhiều giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án dân sự

Ông Văn Đình Minh- Cục trưởng Cục THADS Hà Tĩnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hữu Anh
(PLVN) -6 tháng đầu năm 2024, công tác Thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn, số việc, số tiền phải thi hành đều tăng cao trong khi đó thị trường bất động sản trầm lắng, các vụ việc liên quan đến đất đai, đánh bạc, lừa đảo có số lượng người bị hại lớn, tài sản thi hành án khó xử lý... ngành thi hành án đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt đạt kết quả đáng khích lệ trên tất cả các mặt công tác.

Cảm xúc của các đại biểu lần đầu tiên được ra Đảo Bạch Long Vĩ

Cảm xúc của các đại biểu lần đầu tiên được ra Đảo Bạch Long Vĩ
(PLVN) - Trong không khí tuổi trẻ cả nước hướng tới chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024 và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/1924), được sự đồng ý của Đảng uỷ - Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã có những ngày trải nghiệm thật thú vị tại đảo Bạch Long Vĩ.

Truyền thông chính sách góp phần tạo sự đồng thuận xã hội

Cảnh Buổi làm việc.
(PLVN) - Ngày 26/4, Tổ Thư ký giúp việc của Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương (Tổ Thư ký) đã có buổi làm việc tại Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) về tình hình thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” (Quyết định số 407).