Có rất nhiều vụ án liên quan tới chữ Hiếu đã diễn ra và chưa dừng lại. Những nhát dao oan nghiệt vẫn vung lên, những lời chửi rủa thóa mạ vẫn được phun ra đẩy người cùng cực đến lằn ranh của tội ác. Pháp luật đã quá nhẹ nhàng hay nguồn cội của chữ Hiếu là tình cảm gia đình đã bị lung lay?
Gieo đòn roi, nhận quả đắng
Những ai đã từng được dự khán phiên tòa xét xử bị cáo Phan Minh Mẫn về tội giết cha hẳn đã không bao giờ quên được những giọt nước mắt đã rơi tại chốn pháp đình. Ngày 9/11/2009, Mẫn - sinh viên trường Cao đẳng kinh tế nghiệp vụ Phú Lâm đi học về tới nhà thấy cha mình là ông P.T.T. say rượu đang nằm ngủ dưới nền nhà.
Phan Minh Mẫn (trái) cùng người thân (bà nội, mẹ, em gái) trong giây phút Mẫn bị Tòa sơ thẩm tuyên án tử hình |
Nghĩ đến cảnh ông thường xuyên say rượu, đánh chửi vợ con, đập phá đồ dùng trong nhà, Mẫn nảy sinh ý định giết cha. Kết thúc đau lòng, ông T. chết do bị con trai chích điện vào người trong nhiều phút. Phan Minh Mẫn bị bắt và lĩnh án tử hình. Tại phiên phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP.HCM, Mẫn đã thừa nhận mình nảy sinh ý định giết cha do thấy cha thường say xỉn, đánh đập mẹ và hai anh em suốt nhiều năm.
Đại diện cho người bị hại, bà nội Mẫn nước mắt như mưa cầu xin Tòa cho cháu nội mình được sống khi nhắc lại những trận đòn roi của con trai mình đổ xuống đầu con dâu và cháu nội ngày ngày - nguyên nhân chính xô đẩy Mẫn phải đứng sau vành móng ngựa. Mẹ Mẫn cũng khẩn thiết xin Tòa giảm án cho con, bởi với bà, 20 năm bên chồng là những ngày tháng không ít đắng cay mà chỉ có đứa con trai là người chia sẻ. Phiên tòa đã khép lại với mức án được hạ xuống thành chung thân dành cho Phan Minh Mẫn - đứa con mang trọng tội giết cha. Phiên tòa đó đã trở thành một phiên tòa định mệnh cứu vớt một gia đình xiêu vẹo.
Thế nhưng cũng từ đây một câu hỏi cũng đặt ra rằng đã có quá nhiều những thảm cảnh diễn ra, những bản án nghiêm khắc được tuyên phạt như thế, nhưng tại sao mọi sự vẫn không dừng? Những nhát dao oan nghiệt vẫn vung lên, những lời chửi rủa thóa mạ vẫn được phun ra đẩy người cùng cực đến lằn ranh của tội ác. Phải chăng từ tận sâu thẳm nguồn cội, gốc rễ của chữ Hiếu đã bị lung lay? Như người cha xấu số của bị cáo Phan Minh Mẫn cứ hồn nhiên cho mình cái quyền được chửi vợ, đánh con mà không biết rằng chính điều đó đã là nguyên nhân đưa chính mình vào chỗ chết và đẩy đứa con trai thành kẻ bất hiếu và ra chốn pháp đình?
Bảo tồn chữ hiếu: Tình cảm quan trọng hơn pháp luật
Theo Bộ luật Hồng Đức - một bộ luật xưa nổi tiếng của Việt Nam - thì tội ác nghịch (mưu giết hay đánh ông bà cha mẹ) và tội bất hiếu (cáo giác hay chửi rủa ông bà cha mẹ) đều được liệt vào nhóm tội thập ác có nghĩa là những trọng tội nguy hiểm nhất và đi kèm với đó là những hình phạt nghiêm khắc nhất mà không được chế độ đặc xá, đại xá. Cổ luật nghiêm khắc là vậy nên trải qua hàng trăm năm áp dụng, hành vi bất hiếu đã mặc nhiên bị xã hội lên án kịch liệt trong bề dày của phong tục, tập quán. Và người phạm vào hành vi đó tuyệt đối không bao giờ được “bia miệng” của xã hội dung thứ.
Nhưng trong pháp luật đương đại, mọi hành vi dù là tội ác thì cũng cần phải được nhìn nhận suy xét ở nhiều góc độ, để từ đó không một ai bị oan ức và cũng không một kẻ nào lọt lưới trừng phạt. Với hành vi bất hiếu cũng vậy. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 nêu rõ rằng con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ. Phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt là khi cha mẹ già yếu, ốm đau. Nghiêm cấm ngược đãi, hành hạ, xúc phạm ông bà, cha mẹ...
Như vậy về nguyên tắc, hiện tượng đánh đập, mắng chửi, đày đọa, ngược đãi ông bà, cha mẹ là hành vi trái pháp luật. Nhưng nếu người vi phạm nghĩa vụ nói trên, mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, trước hết có thể bị xử phạt hành chính. Biện pháp hành chính áp dụng ở đây chủ yếu là nhằm giáo dục để cá nhân vi phạm nhận thức được sai phạm của mình, tự nguyện sửa chữa và chấm dứt hành vi vi phạm.
Còn ở những trường hợp nghiêm trọng hơn như hành vi đâm, chém, đấm, đá, đánh đập ông bà, cha mẹ có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tình tiết tăng nặng do người bị đánh đập là ông, bà, cha, mẹ. Hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ (như đối xử tàn nhẫn, trái đạo đức, gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho ông bà, cha mẹ) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ. Nhưng cũng cần lưu ý rằng những hành vi này hoặc chỉ bị khởi tố nếu có yêu cầu của người bị hại hoặc phải gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã từng bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính rồi mà còn vi phạm...
Như vậy, với những quy định nhiều khi bị “mang tiếng” là nhẹ nhàng, pháp luật Việt Nam đã và đang chứng tỏ một điều rằng, sự từ tâm của cha mẹ, đạo đức của con cháu, tình đoàn kết, thương yêu trong nội bộ gia đình để duy trì, bảo tồn chữ Hiếu mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải là những phiên tòa luôn ngập tràn nước mắt người trong cuộc.
(Còn tiếp)
Hồng Minh