Gần đây báo chí mới đưa tin có một số diễn viên của Việt Nam bị phân biệt đối xử khi tham dự một lễ trao giải tôn vinh những thành tựu xuất sắc và những đóng góp của các nghệ sỹ châu Á trong truyền hình và âm nhạc tại Hà Nội.
Hay câu chuyện tại Nhật Bản, nhiều cửa hàng, siêu thị treo biển cảnh cáo tình trạng trộm cắp chỉ có tiếng Nhật và tiếng Việt vì phần đa trộm cắp là người Việt Nam… những câu chuyện xấu hổ trên đã khiến hình ảnh của con người, đất nước ta xấu tồi tệ trong mắt những người nước ngoài.
Chúng ta tự đưa mình vào đối tượng được “ưu tiên” kỳ thị tại nước bạn nhưng điều buồn hơn cả là ở chính đất nước mình người Việt cũng đang đố kỵ lẫn nhau.
Khi người trong một nước không thương nhau cùng
Năm học lớp 6 tôi được chuyển từ trường làng ra trường thị trấn để học. Lớp học của tôi có rất nhiều bạn gái xinh xắn, ăn mặc hợp mốt, lọt thỏm có tôi đen nhẻm, quê mùa. Với bản tính vui vẻ, hòa đồng tôi nhập cuộc khá tốt cho đến một ngày các bạn gọi tôi là “đồ nhà quê” và bắt tôi làm bóng ma trong giờ thể dục, thậm chí khi bị bóng đập vào mặt chỉ có mình tôi ngồi ôm mặt khóc còn bạn mình thì cười khoái chí.
Tôi không thể làm được gì ngoài việc sống khép mình, cố gắng học làm niềm vui và vớt lại một chút sự kính nể của các bạn trong lớp. Năm lớp 7, lớp tôi lại đón thêm một đứa quê một cục như tôi ngày nào và bạn ấy tiếp tục là đối tượng nhận được ưu tiên “kỳ thị”. Bọn bạn trong lớp tôi gọi bạn ấy là “chó xù” và luôn cười nhạo mái tóc xoăn bẩm sinh của bạn, hoàn cảnh đưa đẩy, chúng tôi chơi với nhau thân thiết cho đến tận bây giờ, khi cả hai đã là những người mẹ.
Có lẽ tôi hay cô bạn tôi chỉ là một trong hàng ngàn, hàng vạn người khác cũng đã từng là nạn nhân của sự kỳ thị. Ở nhiều nước trên thế giới, khi bạn khác biệt tức là bạn đặc biệt, ngoại hình hay xuất thân đều không phải là yếu tố để đánh giá con người bạn, thế nên chúng ta mới có chàng trai nghị lực Nick Vuijicic, cô người mẫu bạch tạng winnie harlow… còn rất nhiều tấm gương cho sự vượt lên, bất chấp những hạn chế về ngoại hình, màu da, ngôn ngữ.
Nhưng điều đó nếu xảy ra ở Việt Nam thì có lẽ mọi thứ sẽ khác vì thói quen cố hữu thích chỉ trích, đố kỵ, khinh khi khi người khác có một xuất phát điểm hay một hoàn cảnh khác người hơn bình thường, điều đó có khi đơn giản chỉ là chiều cao, cho đến cao hơn là thành tựu.
Câu chuyện về Giáo sư Hồ Ngọc Đại với việc đổi mới cách dạy cho học sinh, Phó Giáo sư Bùi Hiền với đề xuất cải tiến chữ tiếng Việt gặp phải làn sóng chỉ trích dữ dội, các Fanpage giả mạo xuất hiện tràn lan chỉ để cho những người đáng tuổi con, cháu lao vào chửi bới, nhục mạ bằng những từ ngữ không thể tồi tệ hơn. Dù trước đó họ đã có rất nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi.
Câu chuyện cô Hoa hậu H’Hen niê cũng chả kém cạnh, khi cô quyết định đi thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam là lúc cô nhận được vô vàn chỉ trích, chê bai vì ngoại hình không phúc hậu, nước da không trắng trẻo hay tiếng Anh chưa lưu loát, người ta hoài nghi về chiếc vương miện mà Ban tổ chức trao cho cô. Họ nghĩ rằng, cô này đã phải bỏ ra rất nhiều tiền hoặc đánh đổi thứ gì đó để có được danh hiệu Hoa hậu.
Ngày cô đem chuông đi đánh xứ người, có cô Hoa hậu Mỹ lên trang cá nhân của mình để chê bai khả năng giao tiếp tiếng Anh của H’Hen niê, thật đáng buồn là trong nhiều nút like, comment đó đến từ người Việt Nam. Chúng ta thường có xu hướng không tin tưởng, hay nói đúng hơn là “bụt chủ nhà không thiêng” khi những người chung dòng máu đỏ, da vàng có thành tích vượt trội hơn.
Tôi cũng không lấy làm lạ nhưng cũng buồn khi theo dõi những bộ phim, bài hát được các nhà sản xuất, ca sĩ Việt remake lại từ các nước khác, nhất là Hàn Quốc hay Trung Quốc lại không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của chính khán giả nước nhà vì họ cho rằng diễn viên, ca sĩ Việt Nam không thể nào tài năng, xuất thần như thần tượng xứ người của họ được. Họ mổ xẻ, phân tích, thậm chí chửi bới khi tình tiết phim được cải biên nhưng cũng sẵn sàng chê bai, khinh thường khi tình tiết phim không thay đổi, không hấp dẫn so với kịch bản.
Tôi không biết những người hay đố kỵ, coi thường người khác, những anh hùng chuyên cào phím ăn vạ, hạ thấp giá trị của người khác xuống đã sống đủ tốt để tự cho mình cái quyền được chê bai người khác hay chưa? Nhưng rõ ràng, người trong một nước không thương nhau, gà cùng một mẹ đá nhau như cách người Việt đối xử với nhau như hiện nay đã và đang trực tiếp làm xấu đi hình ảnh của người Việt trong mắt người nước ngoài? Có khi nào kỳ thị sẽ trở thành là “dân tộc tính” của người Việt hay không?!
Hình minh họa |
Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ “bị kỳ thị”
Khi gõ cụm từ “tính cách của người Việt”, Wikipedia sẽ cho ra kết quả là “dịu dàng, lịch thiệp, đoàn kết, trọng khách, giản dị, yêu thích và dễ tiếp thu văn hóa nước ngoài”, song cũng có nhược điểm là “ham tiền, háo danh, coi nhẹ ý nghĩa đồng bào”. Tôi thấy khá chính xác và cho thấy hai mặt của tính cách người Việt nói chung.
Người Việt Nam có tính đoàn kết và cộng đồng rất cao. Điều đó được thể hiện ở mô hình làng xã, gia đình tứ đại đồng đường từ nhiều đời nay vẫn luôn được duy trì, trở thành một nét tính cách đặc trưng hay trong thời chiến, tinh thần đoàn kết lại càng được thể hiện rõ nét hơn bao giờ. Tuy nhiên, cũng vì thế mà nó đã ức chế sự phát triển cá tính, kìm hãm sự phát triển cá nhân vì chúng ta không chấp nhận những cá nhân có cá tính không phù hợp với quy chuẩn chung của cộng đồng.
Mâu thuẫn được đẩy lên sẽ lộ rõ tính cách ích kỷ, đố kỵ của người Việt. Chúng ta thường có thái độ phân biệt rất rõ ràng khi đối xử với người Việt và người nước ngoài khi đặt trong cùng một bối cảnh. Câu chuyện bị phân biệt đối xử trong cách phục vụ chắc nhiều người đã gặp phải, nhất là ở các nhà hàng hay khu nghỉ dưỡng sang trọng.
Bản thân tôi cách đây không lâu, khi đi nghỉ tại một khu du lịch nổi tiếng của Việt Nam, khi vào tiệm nail tôi được phục vụ hờ hững, lạnh nhạt hơn so với hai cô khách tây ở đó chỉ vì tôi trả tiền việt, còn hai cô kia sẽ trả tiền đô. Thật nực cười mà cũng thật chua chát khi mình bị phân biệt đối xử bởi chính đồng bào mình, ngay trên đất nước mình.
Mặt khác, không chỉ không chấp nhận những cá tính cá nhân của đồng bào mình mà nhiều người còn có xu hướng chê bai, cười nhạo những thói quen, tật xấu của người ở quốc gia khác. Ở Việt Nam không bao giờ thiếu những hình ảnh đi tiểu bậy ngoài đường, khạc nhổ bừa bãi, vô ý thức nơi công cộng, thiếu trách nhiệm với người bị nạn hay tranh cướp nhau ở những lễ hội… vô số những hình ảnh của “người Việt xấu xí” nhưng lại sẵn sàng cười cợt, chê bai khi các phương tiện truyền thông đưa tin về việc du khách Trung Quốc xả bậy, vứt rác bừa bãi ở đất nước nào đó.
Tôi tự xấu hổ thay khi chính người nhà mình không nhìn vào đó như một bài học để tự thay đổi. Thay vì làm anh hùng cào bàn phím để hạ thấp giá trị của chính đồng bào mình, gián tiếp làm xấu hình ảnh của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế, chúng ta lại không nhìn lại bản thân mình để thay đổi tốt hơn. Sao không thấy cái xà nhà to tướng trong mắt mình, trước khi cười khoái trá với cái dằm nhỏ xíu trong tay người khác?
Bảo sao mà có thật nhiều nhà hàng ở Việt Nam sẵn sàng treo biển không phục vụ khách là người Việt, nói chi việc chúng ta bị kỳ thị, cảnh giác ở các quốc gia khác. Chính chúng ta đã giẫm lên vết xe đổ do chúng ta tạo ra, thật đáng buồn thay.
Việt Nam đang trên đường hội nhập sâu hơn với thế giới, việc để lại ấn tượng không đẹp trong mắt bạn bè quốc tế sẽ gây nên những rào cản trong việc giao lưu kinh tế - văn hóa. Là một người Việt Nam, tôi yêu vô vàn những phẩm chất tốt đẹp của đồng bào mình, tự hào vì được là một phần của dân tộc có đức tính chịu thương, chịu khó, luôn vượt khó để vươn lên nhưng một dân tộc tự luyến, không biết tự sửa mình sẽ không thể là một dân tộc mạnh.
Thay vì mổ xẻ, xoáy vào những lỗi lầm hay khác biệt của người khác, chúng ta nên bắt đầu từ cách tự thay đổi chính mình vì chúng ta là một phần của dân tộc mạnh. Một dân tộc biết tôn trọng sự khác biệt, văn minh và lịch sự với các nền văn hóa, con người ở các vùng miền, đất nước khác nhau.