Nam Bộ xưa có câu ca dao “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/Nhớ người áo trắng, khăn điều vắt vai” là để tưởng nhớ hình ảnh người nghĩa binh của Đức Cố Quản Thành. Áo trắng và khăn điều là đặc trưng trang phục của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đồng thời cũng là quân phục của nghĩa binh Bảy Thưa.
Tượng Đức Quản cơ Trần Văn Thành tại miền Tây |
Cuộc chiến thần thánh chống tàu sắt súng đồng
Chánh Quản cơ Trần Văn Thành sinh năm 1818 trong một gia đình nông dân tại ấp Bình Phú (Cồn Nhỏ), làng Bình Thạnh Đông, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay là xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Năm 1840, ông tham gia quân đội nhà Nguyễn.
Do có sức khỏe, giỏi võ nghệ, biết chữ nghĩa nên ông được cử làm suất đội (chỉ huy 50 lính), từng đóng quân bảo hộ ở Chân Lạp. 5 năm sau, sau khi lập được nhiều công lao, ông được thăng làm Chánh quản cơ, coi 500 quân, đồn trú ở Châu Đốc để giữ gìn biên cương phía Tây Nam. Một năm sau đó, ông về nhàn dưỡng tại quê nhà và theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, là đại đệ tử của Phật Thầy Tây An.
Năm 1867, quân Pháp đưa một đoàn tàu chiến do trung tá hải quân GaLey cầm đầu, tiến lên hãm thành Châu Đốc. Tổng đốc Phan Khắc Thận đầu hàng, An Giang thất thủ.
Sau biến cố lịch sử ấy, Trần Văn Thành tự tổ chức dân binh đắp cản ở quê nhà (Cồn Nhỏ) để ngăn quân Pháp, đồng thời mang quân qua phía Rạch Giá, hỗ trợ cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực. Tháng 6/1868, quân Pháp phản công Nguyễn Trung Trực, tái chiếm đồn Kiên Giang. Trần Văn Thành cho dân quân Núi Sập đắp cản ở Ba Bần, Trà Kên (huyện Thoại Sơn) để ngăn cản tàu chiến Pháp đi tái chiếm tỉnh lỵ Rạch Giá.
Nguyễn Trung Trực thất trận phải rút quân về Ba Trại, Hòn Chông nay thuộc Kiên Lương (Kiên Giang), còn Trần Văn Thành thì dẫn lực lượng vào Láng Linh mưu sự lâu dài. Nghĩa quân của ông còn có tên là Binh Gia Nghị.
Láng Linh là một cánh đồng trũng phèn rộng mênh mông dài khoảng 20 km, rộng chừng 10 km. Cánh đồng này mùa nước nổi cá linh từ Biển Hồ về nhiều vô kể. Bảy Thưa là khu trung tâm của cánh đồng.
Trần Văn Thành rút quân về vùng Bảy Thưa giữa cánh đồng Láng Linh mênh mông đầm lầy, lau sậy. Ông lập các đồn binh, xây dựng căn cứ và tổ chức sản xuất với mục đích kháng chiến lâu dài. Bảy Thưa đã trở thành một chiến khu có tổ chức.
“Binh Gia Nghị”, nỗi sợ hãi của giặc Pháp
Binh Gia Nghị có xưởng đúc, chế tạo vũ khí thủ công ở Láng Linh nhưng kỹ thuật hãy còn thô sơ. Các chiến binh được trang bị gọn nhẹ với đao, kiếm, dao găm, súng điểu thương, tác chiến theo lối du kích, đột kích.
Nghĩa quân Binh Gia Nghị lấy tinh thần yêu nước, sự dũng cảm, dựa vào lực lượng nông dân, tôn giáo để đánh địch. Dù bị vây khốn, có nguy cơ bị tiêu diệt nhưng quân Binh Gia Nghị không bao giờ đầu hàng.
Các lãnh đạo của binh Gia Nghị như Trần Văn Thành cùng với vợ và các con là những chiến sĩ chống Pháp kiên cường, hy sinh anh dũng.
Riêng “cậu Út” Trần Văn Chái mới vừa 18 tuổi bị giặc Pháp bắt đã được bà mẹ dúi cho một con dao nhỏ đã nghe theo lời mẹ tuẫn tiết trong ngục Châu Đốc.
Binh Gia Nghị đã tổ chức, tham gia thành công việc ám sát tên chủ tỉnh Vĩnh Long là Salicetti ở Vũng Liêm (Vĩnh Long). Bọn thực dân Pháp có lúc treo giải thưởng 1.000 quan cho ai bắt nộp được “Tổng binh Thành, gốc ở Thất Sơn”.
Chiến khu Bảy Thưa là cái gai nhọn chọc vào mắt bọn thực dân Pháp, là mối lo làm chúng ăn ngủ không yên. Từ Bảy Thưa, Binh Gia Nghị đã tổ chức nhiều cuộc đánh phá, quấy rối nhiều nơi ở An Giang và các vùng phụ cận.
Từ tháng 3/1873, thực dân Pháp cho quân đánh đồn Hờ ở rạch Cái Dầu (Châu Phú), và uy hiếp đồn Nghệ. Quân giặc nã đại bác vào trước và bắt dân dọn đường. Qua 5 ngày chiến đấu, quân Binh Gia Nghị lui dần.
Ngày 19/3, hải quân Pháp từ Châu Đốc tiến vào đánh đồn Cái Môn (nay thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú). Bọn chúng chiếm được đồn. Cùng ngày ấy, tàu chiến Pháp đậu tại vàm rạch Mặc Cần Dưng (nay thuộc Châu Thành, An Giang), cho quân dùng xuồng nhỏ vào ngọn rạch Mặc Cần Dưng để tiến tới ngọn Hang Tra là nơi Trần Văn Thành đang chỉ huy chiến cuộc. Biết mình đang bị bao vây, nguy khốn nhưng Trần Văn Thành và nghĩa quân vẫn cương quyết chiến đấu.
Hóa phép ẩn thân đi ngang trước mũi súng quân Pháp?
Khoảng 9h ngày 19/3/1873 (21 tháng 2 năm Quý Dậu), quân Pháp bắt đầu xung phong đánh chiếm Hưng Trung doanh (đồn Bảy Thưa). Báo Le Courrier de Saigon ra ngày 5/4/1873 tường thuật:
“Tại Hưng Trung, Trần Văn Thành vẫn bình tĩnh đứng sau chiến lũy làm bằng những tấm ván và những bao gạo chồng lên nhau, để đốc thúc nghĩa binh chiến đấu. Nghĩa quân trong các chiến lũy thổi tù và, đánh trống và reo hò để tăng uy thế. Bên cạnh ông còn có con trai ông hỗ trợ cho ông bắn”…
Mặc dù quân Gia Nghị đã chống trả quyết liệt và dũng cảm nhưng trước hỏa lực áp đảo của giặc Pháp, cuối cùng Hưng Trung Doanh cũng bị thất thủ.
Nhà văn Sơn Nam viết: “Tuy biết đang bị bao vây tứ phía và người Pháp có võ khí hữu hiệu, nhưng nghĩa quân và Trần Văn Thành vẫn bình tĩnh, cương quyết đối phó.
Đến phút quyết liệt, ông mặc áo màu đỏ sậm (màu tấm trần điều mà giáo phái đang thờ phượng) và cắt từng lọn tóc của mình phân phát cho nghĩa quân (một kiểu giống như phù phép, cốt để thuộc hạ lên tinh thần).”
Quân Pháp cay cú nổi lửa thiêu hủy Bảy Thưa rồi mang xác ông Thành và Đội Văn về bày tại chợ Cái Dầu (Châu Phú) để thị uy dân chúng.
Nhưng theo tác giả Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế: “Sau khi Bản doanh Hưng Trung bị tàn phá, thất bại nặng, ông Thành rút lui vào chiến khu và mất ngày 21 tháng 2 âm lịch năm 1873”.
Còn theo niềm tin của những người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, Đức Cố Quản có phép ẩn thân nên khi Pháp chiếm đồn Hưng Trung, ông đã hóa thân đi qua mắt quân đội Pháp và quy tiên. Số nghĩa quân còn lại trên đường rút lui bằng thuyền bị bưng lát cản đường, đã được con sấu tinh năm chân khổng lồ mà dân gian thường gọi là “ông Năm Chèo” dùng sức mạnh thần kỳ rẽ lau sậy để mở đường thoát hiểm.
Theo Xa lộ pháp luật