[Truyện ngắn] Cõi người trôi nổi

[Truyện ngắn] Cõi người trôi nổi
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đã lâu rồi tôi mới trở lại Bến, kể từ ngày tôi rời bỏ chiếc ghe nhỏ đã bắt đầu “dở chứng” bằng những đợt hé ván để nước sông chảy vào rỉ rả, để bắt đầu cho một cuộc đi xa.

Ngồi trên tầng cao của một quán cà phê thuộc khuôn viên khách sạn trên Bến, với tầm nhìn bao quát tôi có thể thấy được con sông xẻ đồng bằng chảy xuôi, những chiếc du thuyền sáng đèn tấp nập, cả chiếc cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á mềm mại như vải lụa nối đôi bờ… Cảnh đẹp và trù phú. Sông dài huyền diệu trong đêm. Những hình ảnh đó gợi cho tôi nhớ về những đêm xa xưa tôi ngồi trên mũi ghe xếp thuyền giấy thả trôi trên dòng sông. Thuyền giấy nổi không được bao lâu thì ngấm nước, chìm nghỉm, tôi tiếc.

Cha gọi tôi vào trong ghe, sợ tôi cảm gió. Tôi giăng mùng, nằm co ro trên tấm chiếu cũ, nước vỗ vào sườn ghe róc rách. Âm thanh dịu dàng của đồng bằng đưa tôi vào giấc ngủ, bỏ lại trong đêm hình bóng cha tôi ngồi hút thuốc sau lái, khói tỏa ra thành từng vệt trôi rồi rã ra trong không gian bất tận…

*

Chúng tôi cứ đi, từ ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác. Mải miết. Cha con tôi sống trên chiếc ghe nhỏ lang bạt nay đây, mai đó. Những chỗ mà chúng tôi dừng lại cha gọi là bến tạm. Bởi không biết đâu là bến cuối để rồi chúng tôi có thể rời bỏ chiếc ghe đã gắn bó lâu nay, nước sông bắt đầu ngấm sâu vào từng thớ gỗ, rồi chúng tôi sẽ lên bờ cất nhà, sống cuộc đời bình yên mà không phải sợ những ngày gió giông, mưa bão.

Cha nói chừng nào tìm được mẹ tôi thì chúng tôi mới lên bờ, còn chưa tìm được mẹ chúng tôi sẽ phải sống đời gạo chợ, nước sông, lang bạt kỳ hồ. Ở trên ghe, tôi thường thấy lòng mình buồn buồn mỗi lúc chiều buông, khi cánh vạc kêu, xa xôi trên nền trời đỏ ửng như lửa cháy. Tôi thích sống trên bờ hơn dưới ghe, đơn giản vì nó cố định một chỗ mà không cần phải toan tính sẽ rẽ sông trái hay sông phải ở ngã ba để đi tiếp, không phải phập phồng lo sợ mỗi đêm mưa to. Tôi cũng muốn được đi học, mà nghĩ lại tôi cũng lớn tồng ngồng, giờ mà vào lớp ngồi học lại lớp ba, lớp bốn chắc sẽ trở thành trò cười cho cả lớp. Tôi nhớ ngày xưa mỗi sáng mẹ đều dẫn tôi đi học, trưa trưa cha đón tôi về nhà, cõng tôi qua khúc cây khô bắc ngang con mương. Những kỷ niệm đó tôi vẫn còn giữ mãi. Nghĩ lại, tôi cười: mình mãi là cô bé học lớp ba năm nào.

“Lên bờ đi cha. Tìm mẹ gần mười năm rồi mà có gặp mẹ đâu. Mẹ đi luôn rồi. Hay mẹ về với sông rồi. Đi mãi cũng vô vọng”. Tôi nói với cha như vậy khi khát khao tìm mẹ vẫn lớn dần trong cha. Cha đợi mẹ trở về. Cha từ bỏ cả lời ngỏ của người đàn bà mặc áo bông đứng liêu xiêu bên bờ sông, rằng muốn cùng cha đi hết đoạn đời còn lại. Cha giong ghe đi, không nói một lời. Tôi hỏi sao người ta thương cha mà cha đối xử với người ta bạc bẽo dữ vậy. Cha tôi nhìn dáo dác. Hai bên sông toàn là dừa nước xanh um. Ở đây sông nào cũng như nhau, khó phân biệt. Cha nói gọn: “Tao có vợ rồi. Tao cũng có thương yêu gì người ta đâu mà đối xử tốt, mất công người ta nuôi hy vọng”. Tôi đứng dậy sửa lại mái tóc, ngoái lại nhìn người đàn bà đang đứng ở bến sông với đôi mắt u buồn. Biết đâu đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà ta, vì cha tôi thường không đi lại quãng sông cũ.

Cha tôi hay nhắc về mẹ, dù tôi không thích điều đó. Những bữa cơm tôi nấu đơn giản, có cá kho, rau luộc, hoặc thêm tô canh rau tập tàng cha hái được ở một bờ bãi nào đó. Thoảng cha lại chê món này hơi mặn, món kia hơi nhạt, cơm hơi khô… không giống như mẹ nấu: “Mẹ mày nấu ngon hơn nhiều”. Tôi giận sôi nước mắt, định bụng bưng tô canh đổ xuống dòng sông rồi nói bằng những chất chứa, dồn nén bấy lâu trong lòng mình, tưởng như bong bóng nước bị vỡ. “Vậy thì cha đi tìm mẹ về nấu cho cha đi. Vậy thì cha đi tìm cái hình bóng chất chứa trong cha chục năm nay đi… Trời ơi! Tội tình gì dữ vậy, hả cha?”. Cha im re, ngồi xoay mặt ra sông hút thuốc, tôi nhìn kỹ, thấy tóc cha đã bạc hơn một nửa mái đầu. Tự dưng tôi thương, thương đứt ruột. Tôi muốn nói: “Cha ơi, đừng giận con, chỉ vì con không muốn cha cứ khổ hoài vì một bóng hình đã ra đi từ nhiều năm trước”. Nhưng cổ họng tôi nghèn nghẹn không nói được nên lời. Thay vào đó, tôi lùi lũi ra sau ghe nấu lại mấy món ăn, cố nêm nếm sao cho giống mẹ. Dù dư vị năm xưa đã phai lợt trong tôi ít nhiều.

*

Cái xóm cũ đã lùi xa sau lái ghe, biền biệt. Những hình ảnh cuối cùng về xóm cũ còn sót lại trong tôi mấy ngôi nhà tòm tèm nằm bên bờ sông, chỗ cái bến có mấy chiếc ghe lạ thường về neo đậu. Ở đó, có những chiều tôi theo mẹ ra sông giặt đồ, những sớm mai tôi ngồi trên chiếc xuồng nhỏ để mẹ bơi sang sông đi học, có con sáo sậu thường về đậu trên cành tre bên kia sông, đưa mắt nhìn sang bên này… Rồi sáo bay đi. Mẹ tôi cũng đi, trong một đêm tôi ngủ say không biết trời đất gì, còn cha cũng bơi xuồng đi soi cá dưới sông, tận mấy con rạch heo hút.

Mẹ tôi thích hát. Ở nhà không lúc nào ngớt giọng mẹ. Mẹ tôi hát hay, cha tôi cũng thường tấm tắc khen, nhất là khi mẹ xuống mấy câu vọng cổ khiến cha “nổi da gà”, nói mẹ hát không thua gì nghệ sĩ. Một buổi chiều mẹ ngồi dưới gốc me trước sân nhà gỡ tóc cho tôi, mẹ hỏi: “Lê, con thấy mẹ hát có hay không?”, rồi mẹ xõa tóc ra, cười hiền, mắt long lanh đứng trước mặt tôi hỏi: “Con thấy mẹ có giống nghệ sĩ không Lê?”. Tôi cười cười, gật đầu để mẹ tôi vui. Nghệ sĩ - tôi chưa một lần được gặp ngoài đời, chỉ thấy qua mấy tấm ảnh mẹ tôi cắt từ tờ báo cũ dán kín trong buồng. Mẹ ngồi dựa gốc me, mặt hơi ngước lên, mắt nhìn đâu đó xa xăm tận bên kia sông, nhìn về phương xa vô định. Trên trời, một cánh chim chiều rộn rã bay…

Mẹ tôi cũng vỗ cánh mà bay.

Tôi giật mình thức giấc khi đoàn ca múa nhạc Hương Rừng đã nghỉ từ lâu. Tôi quờ sang tìm mẹ. Trống hoác. Tôi mở mắt nhìn thì không thấy mẹ đâu. Ngọn đèn vẫn leo lét cháy. Xóm xa nên chưa có điện, đêm phải dùng đèn dầu. Tôi ngồi dậy, vặn cây đèn cho sáng hơn rồi bưng ra trước, ra sau tìm mẹ. Bốn bề thinh không. Cha tôi đi soi cá vẫn chưa về. Một cảm giác cô đơn chiếm lấy tôi. Tôi hốt hoảng ngồi sụp xuống góc nhà khóc mếu máo. Nước mắt tôi ứa ra giàn giụa. Đoàn ca múa nhạc Hương Rừng đã nhổ sào, rời bến, ra đi tự lúc nào tôi không biết. Tôi khóc đến khi cha về tới nhà thì nước mắt không chảy ra được nữa, chỉ còn tiếng nấc.

“Cha ơi, mẹ… mẹ đi mất tiêu rồi. Mẹ đi theo đoàn Hương Rừng rồi. Mẹ bỏ cha con mình rồi. Cha ơi!”.

Cha ôm tôi vào lòng. Nước mắt cha chảy xuống vai tôi âm ấm.

Và rồi chúng tôi cũng đi. Tìm mẹ. Tôi hỏi cha: “Mình tìm ở đâu, cha?”. Cha nói: “Chắc mẹ mày quanh quẩn đâu đó cùng đoàn ca múa nhạc trên sông. Thôi cứ đi gặp đoàn ca múa nhạc hay chỗ nào đông đông thì dừng lại. Năm năm, mười năm… thế nào cũng gặp”.

Ban đầu tôi chỉ tưởng cha nói vậy thôi, thường thì đàn bà đi tìm đàn ông chứ đâu ra chuyện đàn ông mải miết chạy đi tìm mãi một người đàn bà đã bỏ đi nhiều năm trước. Nhưng đến tận bây giờ thì tôi tin, niềm tin về cuộc trở về của mẹ vẫn đong đầy trong cha…

*

Gặp đoàn ca múa nhạc nào cha tôi cũng hỏi mấy câu quen quen: “Có phải Hương Rừng không?”, “Biết Hương Rừng đang biểu diễn ở đâu không?”, “Biết người phụ nữ tên Lê Thy hát hay mà múa cũng đẹp hay không?”… Ai cũng lắc đầu. Sông nước mênh mông, có khi đã từng lướt qua nhau rồi nhưng không thể nào gặp được.

Cha tôi vẫn cứ ôm ấp mãi bóng hình của mẹ, người phụ nữ có mái tóc dài, cặp mắt có chiều sâu với đôi mi cong vút thuở thanh xuân đã để lại nỗi vương vấn trong lòng không biết bao nhiêu chàng trai. Nhưng mẹ chọn cha. Và rồi mẹ lại bỏ cha giữa đường. “Mẹ kỳ thiệt, cha ha”, tôi nói vậy. Cha tặc lưỡi: “Đừng nói mẹ vậy. Mẹ có ước mơ riêng của mình”. Tôi thở dài nhìn cha: “Thiệt khổ!”.

Cha nói tôi giống mẹ. Mà thật, càng lớn soi gương tôi càng thấy mình giống mẹ như đúc. Tóc tôi cũng dài, đến khi chiếc ghe chạy ngang qua xóm lạ có tiệm uốn tóc nằm cặp mé sông, tôi nói cha dừng lại đợi tôi lên cắt bớt. Tóc dài quá vướng víu. Cha ngăn: “Đừng cắt con. Để tóc dài… cho đẹp”. Tôi tiếp lời: “Và giống mẹ nữa, phải không cha?”. Cha lặng im. Không có gió lùa vào mà sao tự nhiên mắt tôi cay cay.

Tôi ngại nhất là những lần cha ngồi nhìn tôi đăm đăm. Hoặc khi cha lặn xuống sông gỡ đám vẹm bám chi chít dưới đáy ghe, sửa lại chiếc ghe để nước đừng chảy vào óc ách, lạnh quá cha ngoi lên, thấy tôi ngồi gội đầu sau lái, cha nhìn. Tôi giật mình khi thấy cặp mắt của cha dán vào mình. Cha lãng đi. Tôi hỏi: “Bộ con lạ lắm sao cha nhìn dữ vậy?”. “Đâu có đâu, tại cha thấy mày giống mẹ mày dữ quá Lê, giống mấy lần mẹ mày ngồi múc nước mưa gội tóc ở cái lu sau nhà, giống…”. Tôi gạt ngang: “Được rồi, cha. Con là con chớ sao là mẹ được”. Cha “ừ” một tiếng ngắn ngủi rồi lặn sâu xuống đáy sông. Nước tháng năm đỏ bầm màu trái sắn…

*

Những ngày tháng trên ghe không vui, không buồn, tôi vô định như chiếc lá trôi trên dòng nước. Tôi nghĩ mình đủ bản lĩnh để đối mặt với mọi thứ, cuộc sống không có mẹ bên cạnh đã dạy cho tôi biết thế nào là tự lập và gồng mình để thay thế mẹ vun vén cho cha. Như lần đầu tôi có kinh bụng đau rát dữ dội, tôi ngồi thu lu một chỗ trong ghe giả bộ xếp lại đống áo quần, xếp xong tôi làm cho nó lộn xộn lên rồi xếp lại. Đợi cha rời ghe đi đâu đó. Hình như cha hiểu chuyện nên đã bỏ đi tới xế chiều. Tôi tranh thủ đắm mình trong dòng sông, nước sẽ rửa trôi mọi thứ. Tôi úp mặt vào ghe mà khóc. Đất trời hỗn loạn trước mắt tôi.

Và rồi tôi quen với cảnh sống trên ghe, chật hẹp, thiếu thốn. Ngoại trừ đôi mắt đăm đăm của cha thì tôi không thấy sợ bất kỳ điều gì. Đôi mắt ấy xoáy sâu vào tận tâm can tôi. Đôi mắt ám ảnh trong những đêm tối bao bọc đồng bằng, tôi nằm trong ghe mà phập phồng, cha ngồi trước mũi ghe lai rai mấy cút rượu nhạt. Tôi không ngủ được, thường thì khi cha ngủ tôi mới chợp mắt. Nhưng cha tôi không ngủ, cha đi đâu đó quẩn quanh trên bờ, bóng cha chập chờn trên bờ cạnh cánh đồng trống hoang đầy nước. Tôi buồn ngủ ríu mắt. Muỗi kêu vo ve. Đêm thanh vắng. Đêm đó giấc ngủ của tôi đã bị cắt đứt, đêm tối xô lệch. Chiếc ghe lắc lư. Tôi mở mắt, một bóng đen đổ sập xuống người tôi. Tôi hốt hoảng hét toáng: “Cha ơi, cứu con, chết con rồi”. Nhưng trong khoảnh khắc tôi cố chống chọi lại cơ thể nặng trịch và đợi cha tôi trở lại chiếc ghe, tôi thoáng nghe có tiếng gọi: “Lê Thy…”. Tiếng gọi khe khẽ nhưng đầy khao khát. Tiếng gọi cất lên từ những nhớ thương chưa bao giờ ngủ quên trong tâm người đàn ông khô cằn như mảnh đất sau đợt hạn mặn, nứt nẻ vì chừng ấy năm khắc khoải đợi chờ… Tôi chết trân.

“Cha ơi! Cha! Là con chứ không phải mẹ. Cha đừng có làm như vậy nữa, được không cha?”.

Tôi nói vậy sau khi dùng hết sức lực sắp sửa cạn kiệt của đứa con gái mới lớn đẩy cái bóng ra sau. Ngọn đèn dầu lật ngang, dầu loang ra, lửa bắt dầu bùng cháy. Tôi chạy ra khỏi ghe. Chạy. Bóng tối nuốt chửng tôi. Tôi không xác định được con đường phía trước của mình. Tôi có ngoái lại nhưng chỉ thấy lửa đang quét sạch chiếc ghe cha con tôi từng gắn bó gần mười năm trời, biết bao kỷ niệm. Chân tôi đạp lên đám gai đau buốt. Chân tôi chạy ngang qua mặt ruộng khô cong và nứt nẻ. Tôi gắng sức bơi qua con mương từng váng phèn đọng trên mặt nước vỡ ra rôm rốp. Cha, chiếc ghe và giấc mơ tìm mẹ đã dang dở ở phía sau.

*

Chừng ấy năm tôi không trở lại đây. Cuộc đời đổi khác. Lời mẹ nói năm xưa hoàn toàn đúng: “Đời không vùi dập bất kỳ ai”. Tôi vẫn sống, mạnh mẽ và đầy bản lĩnh. Thành phố đã cưu mang tôi. Tôi gặp những con người mới, những khuôn mặt mới. Thi thoảng tôi thấy thoáng qua trước mắt mình hình bóng ai đó giống hệt cha tôi, bờ lưng khẳng khiu, mái đầu đã bạc… Nhưng tôi không chạy theo. Tôi cũng không biết rõ cảm xúc đó là gì, hận thù hay nhung nhớ.

Trên chặng đường đầy chông gai của chính mình tôi cũng không gặp lại mẹ mình. Chắc đoàn ca múa nhạc Hương Rừng cũng đã giải thể từ lâu, bởi giờ đây cải lương đã không còn thịnh hành như xưa nữa, thay vào đó là âm nhạc sập sình với những giai điệu lẫn lộn, lời lẽ cạn xèo vô nghĩa. Nhiều lần đặt lịch phỏng vấn một nghệ sĩ nào đó bước ra từ đoàn ca múa nhạc năm xưa, tôi cứ ngờ ngợ đó có phải là mẹ mình hay không. Nhưng trước mặt tôi là một nghệ sĩ già lạ hoắc, nhan sắc phai tàn, chỉ có giọng ca là trong trẻo đến khi tóc bạc, da nhàu.

Tôi cũng không trở lại những dòng sông xưa để tìm cha. Đất dài sông rộng, có muốn tìm cũng chẳng biết tìm đâu…

Bến càng về khuya càng vắng. Dòng người tấp nập, khách du lịch dạo chơi… tất cả đã chìm sâu vào giấc ngủ đồng bằng yên tĩnh, chỉ còn lại vài người già lê từng bước chân đẩy những xe cóc, ổi, mía ghim trở về căn gác trọ xập xệ. Đâu đó, giữa những người xa lạ đó, tôi thoáng trông thấy ai hệt người đàn ông năm nào đã chăm chút cho tôi, yêu thương tôi, bảo bọc tôi trên chiếc ghe nhỏ lênh đênh trên những dòng sông rộng.

Nước mắt tôi chứa chan.

Tôi ngồi trên tầng cao quán cà phê mở xuyên đêm, nửa muốn chạy theo, nửa lại bị sợi dây vô hình cột chân ở lại. Cảm giác dùng dằng khó chịu cho đến khi tôi thấy từ trong ngõ vắng, một người đàn bà bưng sề trái cây, đậu phộng luộc,… bước ra bước song song cùng người đàn ông, đi xa, bỏ lại sau lưng bức tượng đài trên Bến uy nghiêm vững chãi…

Tôi mếu máo chạy theo. Có tia hy vọng nào đó le lói trong trái tim tôi.

Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy

Tin cùng chuyên mục

Những cuốn sách về lịch sử, sách pháp luật, truyện ngắn... đã được trao tặng các em học sinh trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mang sách đến với học sinh vùng biên giới A Lưới

(PLVN) -Chiều ngày 19/4, Đồn Biên phòng Hương Nguyên, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND xã A Roàng và Trường Tiểu học, Trung học cơ sở A Roàng, huyện A Lưới tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Đọc thêm

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM
(PLVN) - Sáng 19/4, Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 - năm 2024 do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức đã chính thức diễn ra. Hoa hậu Lương Thùy Linh xuất hiện tại sự kiện với vai trò Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM nhiệm kỳ 2024-2025.

Ra mắt 2 ấn phẩm Tủ sách Huế và khai hội Ngày sách và Văn hoá đọc

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày Tủ sách Huế tại ngày hội.
(PLVN) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế, Viện Nghiên cứu và phát triển tỉnh tổ chức lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam; Giới thiệu 02 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và Phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024. 

Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng

Toàn cảnh đêm khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024. Ảnh: Bùi Hoàng Ý
(PLVN) - Tối 18/4, tại quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 và công bố di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Yên Lương.

Ngày thứ 4 giải Vô địch cầu mây Quốc Gia đúng ngày giỗ Tổ Hùng Vương

Pha không chiến trong trận đồng đội 3 nam giữa Hà Nội và Vĩnh Long
(PLVN) - Giải cầu mây vô địch Quốc Gia năm 2024 tại nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang trong ngày thứ 4 đã chứng kiến sự đa dạng trong tư duy chiến thuật của các đội tuyển ở nội dung đồng đội 3 người của cả nam và nữ, cùng với đó là kết thúc nội dung đổi tuyển 3 nữ với vị trí số 1 thuộc về tuyển nữ cầu mây Sóc Trăng.

Sóc Trăng bảo vệ thành công ngôi Vương ở nội dung cầu mây đội tuyển 3 nữ

Sóc Trăng trở thành vô địch nội dung đội tuyển 3 nữ
(PLVN) - Chiều 18/04 tại nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang đã chứng kiến màn đăng quang ngôi vô địch nội dung cầu mây đội tuyển 3 nữ, các cô gái Sóc Trăng một lần nữa bước lên bục cao nhất sau khi chiến thắng đội tuyển cầu mây nữ đến từ thủ đô, qua đó bảo vệ thành công chức vô địch đã có được vào mùa giải năm trước diễn ra tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Giỗ tổ Hùng Vương ở đền thờ đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long

Văn nghệ chào mừng Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang).
(PLVN) - Ngày 18/4 (nhằm ngày mùng 10/3 âm lịch), tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương Tân Hiệp (ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) diễn ra Lễ dâng hương Quốc Tổ Hùng Vương nhằm bày tỏ lòng thành kính, tri ân công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.​

“Không ai nỡ bỏ chợ Rằm tháng Ba...”

Lễ dâng hương tại Thác Bụt. Ảnh: Thanh Hà
(PLVN) - Đến hẹn lại lên, cứ dịp rằm tháng Ba âm lịch hàng năm, khách thập phương và các tộc người ở huyện Minh Hoá (tỉnh Quảng Bình) từ khắp mọi miền Tổ quốc háo hức tìm về trung tâm huyện lỵ - thị trấn Quy Đạt, để hòa mình vào không khí tưng bừng, vui tươi của lễ hội và những ngày chợ Rằm độc đáo...

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội (ảnh V.H)
(PLVN) -  Từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, là học trò của nữ ca sĩ Anh Thơ, Tô Ngọc Hà lại chọn theo dòng nhạc Bolero, trữ tình, lãng mạn…Với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào nữ ca sĩ thể hiện tình yêu Hà Nội qua những sắc màu thời gian.

Lễ hội tái hiện tích “Tản Viên đón vợ” thời Vua Hùng

Đặc sắc nghi lễ rước Chúa gái. (ảnh: Long Sơn)
(PLVN) - Lễ hội rước Chúa gái là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp gắn liền với hai nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước là Tản Viên Sơn Thánh và Ngọc Hoa Công chúa (con gái Vua Hùng thứ 18), tái hiện lại đoàn rước dâu năm xưa của Tản Viên Sơn Thánh.

Cà Mau trọng thể tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương

Cà Mau trọng thể tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương
(PLVN) - Hòa cùng không khí của cả nước tưởng nhớ Vua Hùng, sáng 18/4 (tức mùng 10/3 âm lịch), tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Vua Hùng (tọa lạc tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình) người đã có công khởi dựng cơ đồ cho dân tộc Việt Nam.