Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, con người. Bác không chỉ đề ra đường hướng mà còn trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thực tiễn, phát động nhiều phong trào sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong nhiều ngành, nhiều giới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người.
Văn hóa, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là văn hóa của con người, do con người và vì con người. Nền văn hóa mới là nền văn hóa không xa rời truyền thống của dân tộc nhưng đồng thời lại chia sẻ những giá trị chung toàn cầu, mang hơi thở thời đại; hiện đại nhưng không hòa tan vào những nền văn hóa khác, vẫn giữ được bản sắc, hồn cốt Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, con người vẫn còn nguyên giá trị, là những chỉ dẫn quý báu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người hôm nay. Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để hoàn thiện nhận thức, đặc biệt là tổ chức các chương trình, kế hoạch, hành động thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển con người toàn diện là yêu cầu đặt ra cấp thiết.
Phó Giám đốc thường trực Học viện mong muốn các nhà khoa học tập trung phân tích những yếu tố đang và sẽ tác động đến sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Phân tích yêu cầu đặt ra trong việc phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam đáp ứng mục tiêu xây dựng đất nước giàu, mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đề xuất phương hướng và những giải pháp khả thi, hữu hiệu, sát hợp với thực tiễn đất nước, bối cảnh thời đại; những giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài và những giải pháp cấp thiết, mang tính đột phá để có thể tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển văn hóa, con người.
Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã đề xuất phương hướng, giải pháp và kiến nghị để vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời phân tích những thách thức và cơ hội việc kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, đề xuất các giải pháp cụ thể để ứng dụng tư tưởng vào thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước.
Theo các nhà khoa học, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh không phải một sự học tập máy móc, mà phải vận dụng sáng tạo, có kế thừa, có bổ sung, có phát triển; kiên định những vấn đề thuộc về nguyên tắc, nhưng linh hoạt, uyển chuyển với những vấn đề mang tính sách lược. Phát triển văn hóa gắn với phát triển con người, phát triển văn hóa lấy hạnh phúc của con người làm cơ sở, làm mục đích.
Trong bối cảnh Việt Nam đang vươn mình và nỗ lực hiện đại hóa, văn hóa đóng vai trò như một “sức mạnh mềm”, không chỉ kết nối nội lực dân tộc mà còn tạo ra một hình ảnh tích cực, thân thiện và giàu bản sắc với cộng đồng thế giới. Chính vì vậy, phát triển văn hóa song hành cùng phát triển kinh tế - xã hội sẽ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để đất nước khẳng định vị thế và bản sắc của mình trong kỷ nguyên mới.