Hài chấm nhạc, trò chấm thầy
Mới đây, sau khi phát sóng được vài tập, chương trình truyền hình thực tế “Sinh ra để tỏa sáng” đã gây thắc mắc cho khán giả truyền hình khi có sự sắp xếp đội ngũ thí sinh và giám khảo khá “vênh” nhau. Một nghệ sĩ đầy thực lực và kinh nghiệm nhiều năm như Siu Black thì trong vai trò thí sinh, còn giám kháo chấm thi cho chị lại là… nghệ sĩ Việt Hương. Chưa thể nói đến tuổi đời, tuổi nghề, đẳng cấp, chỉ cần xét việc đây là một gameshow về âm nhạc, thí sinh là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, còn giám khảo lại… không có chuyên môn về âm nhạc, chỉ là diễn viên hài đã thấy ngay sự khập khiễng, vô lý của một gameshow.
Giờ đây, khán giả dường như đã quá quen thuộc với những gương mặt nổi tiếng, xuất hiện mỗi ngày trên truyền hình thực tế: những Trấn Thành, Việt Hương, Trường Giang, Hoài Linh, Đại Nghĩa… dường như đang có mặt ở tất cả mọi kênh truyền hình, mọi gameshow giải trí. Tiêu chí lựa chọn của nhiều chương trình truyền hình, có vẻ như cũng không còn phụ thuộc vào năng lực, đẳng cấp, vị trí trong nghề của nghệ sĩ, mà tiêu chí duy nhất chỉ là “đang hot”.
Với tiêu chí này, các nhà sản xuất có thể đem đặt ngang một sao đang nổi vì tai tiếng và một nghệ sĩ gạo cội, đứng cạnh nhau trong một chương trình, miễn là làm khán giả thấy thích thú. Cũng bởi thế, người ta có thể thấy những nghệ sĩ “tay mơ” làm giám khảo cho thí sinh chuyên nghiệp, tuổi đời, tuổi nghề có thể là “thầy” của giám khảo.
Hay cùng một ban giám khảo, có cả thầy và trò ngồi với nhau, người mới nổi với người kinh nghiệm lâu năm cùng cãi nhau chan chát giành thí sinh. Trên sân khấu The Voice 2017, Thu Minh, nữ ca sĩ dày dạn kinh nghiệm, đang ngấp nghé ngôi vị “diva” lại làm giám khảo chung với 3 nghệ sĩ đàn em, bước vào nghề chưa lâu, mới đây vẫn còn là những ca sĩ thần tượng tuổi teen như Đông Nhi, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh. Đó là còn chưa kể đến, nhiều giám khảo ngồi trên ghế nóng, đưa ra những nhận xét rất thiếu chuyên môn, thiếu hiểu biết. Nhiều giám khảo, cả trình độ, kiến thức, thực lực đều kém thí sinh của mình rất nhiều…
Nỗi buồn “thời gameshow”
Không chỉ không phân biệt ngôi thứ, vị trí lớn nhỏ, cuộc chơi khắc nghiệt của gameshow còn khiến nhà sản xuất đặt ưu tiên hàng đầu cho những ngôi sao đang nổi, thu hút dư luận, bất chấp là tiếng tốt hay tai tiếng. Để rồi, khi có xung đột trong chương trình, họ có thể sẵn sàng loại bỏ những nghệ sĩ gạo cội để giữ lại những gương mặt mới nổi, nhằm bảo đảm lượng người xem.
Câu chuyện không hay xảy ra giữa nghệ sĩ Trung Dân và nữ ca sĩ chuyển giới Hương Giang là một ví dụ khá sống động cho cách vận hành của cuộc chơi mang tên truyền hình thực tế. Nhà sản xuất sẵn sàng để một nghệ sĩ chân chính, đáng kính trọng bị xúc phạm tại trường quay bởi nghệ sĩ nhỏ hơn và thà rằng chấm dứt hợp tác với ông, hơn là để chương trình phải “chịu thiệt”.
Nhiều nghệ sĩ tham gia các chương trình truyền hình thực tế đã chia sẻ, những câu chuyện nho nhỏ xảy ra hậu trường các buổi phát sóng truyền hình thực tế rất nhiều, và hầu như trong các trường hợp va chạm, các nghệ sĩ lớn tuổi đều được thuyết phục “nhường nhịn” đối với lớp trẻ đáng tuổi học trò, con cháu mình. Không ít nghệ sĩ, sau một, vài lần tham gia truyền hình thực tế đã rút khỏi nhanh chóng và không bao giờ quay trở lại. Khá nhiều nghệ sĩ lớn có tên tuổi, để tránh khỏi chạnh lòng, tránh cảm giác bị điều khiển, bị xúc phạm đã luôn luôn “nói không” với gameshow, như trường hợp các nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu, Xuân Hương hay Hồng Vân.
Tuy nhiên, làng giải trí đầy khốc liệt, dễ đào thải và mau lãng quên. Để có đất sống, để có thể hâm nóng hình ảnh của mình với khán giả, nhiều nghệ sĩ vẫn đành chấp nhận tham gia vào gameshow, mặc những tấm áo chật đối với mình, tung hứng với các đàn em, đàn cháu và chấp nhận để sự tàn nhẫn của truyền hình thực tế nuốt chửng mình. Âu, cũng là cái khó của nghệ sĩ, cái đáng buồn của nghệ thuật thời gameshow xâm lấn.