“Can thiệp” bằng… cưỡng chế
Đến nay, ông Trương Xuân Hòa (SN 1964, ngụ phường Thuận Giao, TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương) vẫn đang kế thừa di nguyện của anh trai mình là ông Trường Xuân Kiệt (mất năm 2007) theo đuổi vụ kiện con đường của gia đình bỗng dưng bị hàng xóm và chính quyền địa phương biến thành đường đi chung.
Phần đất tọa lạc ở khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao mà gia đình ông Kiệt đang đang sử dụng và được sổ đỏ có nguồn gốc mua lại từ năm 1981 để làm lò gốm. Tiếp đến, năm 1990, ông Kiệt tiếp tục mua thêm phần đất liền kề của chủ đất cũ.
Trong giấy mua bán và những giấy tờ tái xác nhận sau này, chủ đất cũ đều khẳng định trên những phần đất đã bán cho gia đình ông Kiệt không có đường đi chung. Giấy chứng nhận, các tờ bản đồ lưu trữ ở chính quyền cũng xác định không có đường đi chung.
Để thuận lợi việc làm gốm, ông Kiệt mở một con đường nội bộ cắt ngang, nằm giữa phần đất của mình, có điểm lối ra con đường chính, và điểm cuối giáp với đất của bà Huỳnh Thị Mỹ Hiệp.
Ông Hòa cho biết: “Trước đây, khu đất của bà Hiệp sử dụng lối đi nhờ ở một hướng khác nên hai bên không xảy ra chuyện gì. Đến khoảng năm 2000, lối đi nhờ này không sử dụng được, bà Hiệp mới xoay sang đi nhờ con đường nội bộ do gia đình tôi mở. Do con đường này có cổng rào, chúng tôi thường khóa lại để phòng trộm cắp, bà Hiệp không đi lại được nên xảy ra mâu thuẫn”.
Bà Hiệp lại cho rằng đây là lối đi chung nên năm 2003 phát đơn kiện gia đình ông Kiệt chiếm dụng, tự ý rào chắn lối đi chung. Sự việc hòa giải ở phường không thành nhưng không hiểu tại sao không được đưa ra tòa mà lại chuyển lên cấp thị xã. Chính quyền TX Thuận An lại can thiệp bằng một quyết định cưỡng chế. Quyết định nói rằng con đường đi chung, ông Kiệt rào chắn là trái pháp luật, nên tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ trả lại lối đi chung.
Tất cả khiếu nại bị bác bỏ, ông Kiệt khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của TX. Thuận An ra tòa. Tuy nhiên, tòa hai cấp đều bác đơn, cho rằng quyết định giải quyết khiếu nại trên là đúng luật.
Trong quá trình xét xử ở tỉnh, trong hồ sơ vụ án có một bản vẽ đóng số bút lục được cho là chứng cứ do phía chính quyền TX. Thuận An cung cấp. Bản vẽ bằng tay này thể hiện có con đường đi chung đang tranh chấp. Dựa vào điều này, tòa cấp trên cho rằng đó là lối đi chung.
Tuy nhiên, ông Hòa tìm được chứng cứ khác là các bản vẽ trong bản đồ quy hoạch từ năm 2007 định hướng đến năm 2015. Những bản đồ này không có con đường đang tranh chấp. Ông Hòa cho rằng chính quyền cố tình vẽ sai bản đồ, tạo chứng cứ giả. Ông Hòa đề nghị tái thẩm hai bản án trên.
Vừa có quyết định tái thẩm hủy hai bản án cấp sơ, phúc thẩm, ông Kiệt mất. Ông Hòa kế thừa anh mình, tiếp tục khiếu kiện. Mãi đến năm 2014, tòa Bình Dương mới chấp nhận khởi kiện của ông Hòa, hủy quyết định của TX. Thuận An về việc công nhận đường đi chung, cưỡng chế tháo dỡ cổng rào.
Giấy bán đất của chủ cũ cho gia đình ông Hòa |
Ba năm đi đòi 2 bộ cổng rào
Ông Hòa cho rằng việc cưỡng chế trái luật, không cho gia đình lắp cổng rào bảo vệ an ninh khiến nhà ông liên tục bị trộm đột nhập lấy đi nhiều tài sản. Việc bị mất trộm, ông có trình báo nhưng không thấy giải quyết.
“Năm 2003, bộ cổng rào đầu tiên bị cưỡng chế, nhà tôi cương quyết rào lại nên làm tiếp bộ cổng rào khác. Năm 2004, cổng rào thứ hai này cũng bị cưỡng chế. Nhà tôi sau đó cứ bị phá cổng rào thì dùng cây cối rào lại và lại bị cưỡng chế”, ông Hòa kể.
Ông Hòa cho rằng anh mình chết trong uất ức vì bị dồn ép. Dù rất nhiều giấy xác nhận của chủ cũ thể hiện đất không có đường đi, cả xã, cả làng ai cũng biết nhưng cứ bị xử ép. Trước khi chết, ông Kiệt trăn trối lại cho anh em trong nhà phải tiếp tục theo đuổi sự việc.
Kéo dài nhiều năm liên tục với nhiều đơn kiện bổ sung của bà Hiệp và nhiều yêu cầu của tòa án, cuối năm 2016, vụ án mới được tòa Bình Dương đưa ra xét xử sơ thẩm. Theo ông Hiệp, tòa “lách” việc không công nhận đường đi chung theo khởi kiện của bà Hiệp bằng một quyết định cho rằng do bà Hiệp không có đường đi nên ông Hòa phải có trách nhiệm mở đường cho hàng xóm sử dụng.
Bà Hiệp sẽ trả tiền bằng một nửa giá thị trường phần đất con đường. Ông Hòa phải mở chính con đường đang sử dụng làm đường đi nội bộ cho bà Hiệp đi, chứ không được mở đường ở vị trí khác.
Ông Hòa cho biết: "Gia đình sẵn sàng để cho bà Hiệp mở một con đường đi nhưng không phải con đường hiện nay. Và bà Hiệp phải là người thể hiện thiện chí, nguyện vọng. Hai bên cũng phải thương lượng giá cả". Thiện chí này của ông Hòa không được tòa chấp nhận.
Không đồng ý với bản án, ông Hòa và cả bà Hiệp kháng cáo. Trong kháng cáo, bà Hiệp cho rằng vì ông Hòa chiếm dụng đường đi chung nên yêu cầu tòa cấp phúc thẩm tuyên buộc ông Hòa phải bồi thường hơn 2 tỷ. Hiện ngày xét xử phúc thẩm vẫn chưa được định.
14 năm qua, gia đình ông Hòa bỗng dưng bị rơi vào vòng “đáo tụng đình”. Con trai bà Hiệp bị cho là còn liên tục có hành vi đập phá tài sản của gia đình ông Hòa, việc đập phá kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị cơ quan chức năng truy tố.
Về sự việc ông Hòa thắng kiện TX. Thuận An, ông yêu cầu phải trả lại hai bộ cổng rào đã thu giữ và lắp lại như hiện trạng cũ nhưng đến nay đã hơn ba năm vẫn chưa được trả lại.
Nhận được đơn của ông Hòa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu cơ quan liên quan trả lời cho đương sự và báo kết quả. Ngày 13/1/2017, UBND TX. Thuận An có công văn trả lời, cho biết chưa THA vì đang chờ kiến nghị giám đốc thẩm.
Cũng theo ủy ban, khi ông Kiệt mất thì chỉ những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng ở hàng thừa kế thứ nhất mới có quyền khởi kiện. Ông Hòa chỉ được kiện khi không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất của anh minh.
Phía đại biểu quốc hội và Ban nội chính tỉnh ủy tiếp tục yêu cầu phải thực hiện việc trả lại hai bộ cổng đã cưỡng chế cho gia đình ông Hòa vì án đã có hiệu lực. Nhưng đến nay hai bộ cổng mà TX Thuận An cưỡng chế đã bị mất.
Phía chính quyền đề nghị ông Hòa cung cấp địa chỉ nơi đã sản xuất hai bộ cổng để chính quyền làm trả lại. Ông Hòa không đồng ý, cho rằng dù có rách nát cũng phải trả lại hai bộ cổng và ai làm mất, mất như thế nào, trách nhiệm ra sao?