Năm 2010, Quân chủng Hải quân tiếp tục tổ chức các đoàn thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Tình cảm cha mẹ dành cho con, vợ dành cho chồng giữa muôn trùng sóng không gì sánh nổi.
Bác Vũ Hồng Dương ở xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh
Lần đầu ra thăm con rể đang làm nhiệm vụ trên đảo Nam Yết, bác Lê Văn Nghĩa ở thành phố Vinh, Nghệ An không giấu nổi niềm vui: “... Chuyến đi này là niềm vinh hạnh và tự hào lớn của các thân nhân. Chúng tôi không chỉ cổ vũ, động viên con em mình mà còn hiểu thêm về cuộc sống sinh hoạt và nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa”.
Trong số thân nhân ra thăm Trường Sa lần này có hơn một nửa là vợ chiến sĩ. Mỗi người vợ có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có điểm chung là: lâu rồi, hai vợ chồng chưa được gần gũi. Có cán bộ trẻ đã 3 năm chưa được về phép; có cặp cưới nhau đã vài năm nhưng vì chồng biển- vợ đất liền nên chưa được làm bố, làm mẹ. Tình cảm, tình yêu của họ thật khó diễn tả bằng lời.
Chị Trương Thị Hồng ra thăm chồng là đồng chí Nguyễn Văn Tuấn đang làm nhiệm vụ trên đảo Sơn Ca đã viết: “... Thật mà cứ ngỡ như chiêm bao, cảm động, mừng vui khiến những giọt nước mắt của tôi cứ lăn dài trên má. Anh đây rồi. Tôi reo lên trong niềm xúc động. Anh đã lao đến ôm chặt tôi vào lòng mà thổn thức… Còn cô giáo Đồng Thị Nga, quê Hải Dương ra thăm chồng là đại úy Đồng Văn Sình, công tác trên đảo Nam Yết đã trải lòng mình bằng tất cả niềm thương, nỗi nhớ: “Tôi gặp chồng trong niềm hạnh phúc vô bờ. Niềm vui, nỗi nhớ như đong đầy đến tận cùng biển cả. Đảo chỉ còn là chiếc võng nhỏ nhoi mắc trên hai đầu ngọn sóng để chúng tôi mãi mãi dạt dào...”
Cô giáo Nga còn kể rằng, ngày đầu sống trên đảo, cô được chồng cùng cán bộ, chiến sĩ đưa đi viếng mộ liệt sĩ. Đứng trước phần mộ các anh, cô đã không kìm nén được sự xúc động, bởi các anh ngã xuống khi tuổi đời còn rất đẹp. Những ngày trên đảo, cô giáo Nga đã nhận được sự đón tiếp ân cần của cán bộ, chiến sĩ. Cô như thấy đảo gần gũi hơn, bởi tình cảm của những người giữ biển, bởi sự khang trang hiện đại của các công trình. Về đêm, đảo như một thành phố nổi. Sự thanh bình hiền hòa ấy làm cho Nga thấy đảo xa thật gần, thật yên tâm và vững tin về cuộc sống của chồng mình.
Sau chuyến đi này, ngoài động viên, gửi trọn niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, những người thân ra thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đã có những điều tâm huyết với mong muốn xây dựng Trường Sa ngày càng giàu mạnh, gần hơn với đất liền.
Bác Lê Thị Bảy, sau những ngày sống trên đảo cùng con trai đã mạnh dạn đề nghị: Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân sớm đầu tư cho các đảo hệ thống máy lọc nước mặn thành nước ngọt để bộ đội và nhân dân trên đảo có đủ nước để sinh hoạt. Bác Nguyễn Văn Tám lại nói: Hiện nay, trên các đảo đã có dân sinh sống, nên chăng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân cần bàn bạc đưa vợ con bộ đội ra đảo lập nghiệp, ổn định cuộc sống lâu dài. Còn bác Ngô Văn Điển kiến nghị: Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hãy quan tâm hơn nữa tới Trường Sa. Cùng chung tay xây dựng Trường Sa mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường. Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân sớm mở các tua du lịch Trường Sa. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian không xa, Trường Sa sẽ có nhà máy chế biến hải sản, có những khu dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân ra đánh bắt xa bờ.
Phần đông các thân nhân đều mong rằng, hàng năm, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tổ chức được những chuyến đi như thế này để bằng tình cảm gia đình, bằng tình yêu Tổ quốc động viên cán bộ, chiến sĩ Trường Sa vững vàng, tin tưởng, kiên cường, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu.
Trịnh Văn Dũng