Theo số liệu mới nhất của Bộ Tư pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết những nội dung được giao trực tiếp trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 7 và khoản 3 Điều 74 của Luật Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ rà soát để xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề mới quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư hoặc nâng các quy định của thông tư về điều kiện đầu tư kinh doanh lên để có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.
Khó khăn nhìn thấy trước
Qua rà soát, thống kê cho thấy, còn 49 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh cần ban hành trước ngày 01/7/2016. Tính đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã hoàn thành việc soạn thảo, gửi thẩm định các nghị định.
Về công tác thẩm định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định; thực hiện rút ngắn, đảm bảo thời hạn thẩm định tối đa 07 ngày; ưu tiên thời gian, nguồn lực và thực hiện chế độ làm việc ngoài giờ, làm thêm ngày nghỉ.
Đặc biệt vào nửa cuối tháng 5/2016, có ngày Bộ Tư pháp đã tổ chức và hoàn thiện báo cáo thẩm định 08 dự thảo nghị định, có trường hợp tiếp nhận hồ sơ và tiến hành tổ chức thẩm định trong vòng 03 - 04 ngày để đáp ứng yêu cầu của các bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm thời hạn trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016.
Bộ Tư pháp nhìn nhận, trong thời gian ngắn, bên cạnh việc xây dựng để ban hành một số lượng rất lớn văn bản quy định chi tiết, các bộ, cơ quan ngang bộ còn phải rà soát để xây dựng, trình Chính phủ một khối lượng các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành Luật Đầu tư.
Trong bối cảnh đó, do thời gian gấp, thực hiện quy trình rút gọn nên hầu hết các dự thảo văn bản không lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; không đánh giá tổng kết thực tiễn; chưa nghiên cứu kỹ các vấn đề cần quy định.
Ngoài ra, nhiều nội dung quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh còn lẫn với quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhất là các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh nâng lên từ thông tư.
Cũng theo Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ chưa chủ động rà soát và có kế hoạch xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.
Từ đó, dẫn đến trong thời gian ngắn dự thảo văn bản gửi dồn về Bộ Tư pháp để thẩm định với số lượng rất lớn, trong khi nguồn lực có hạn lại bị áp lực về thời gian phải rút ngắn 1/3 thời hạn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vì vậy, việc bảo đảm chất lượng thẩm định cũng như chất lượng, tính khả thi của văn bản sẽ không tránh khỏi những hạn chế nhất định.
Một số bộ ngành vẫn loay hoay “nhận diện”
Hiện có một tình trạng là để bảo đảm tiến độ trình Chính phủ, nhiều nghị định mới chỉ quy định điều kiện, mà chưa quy định thủ tục hành chính để thực hiện. Một số nghị định quy định điều kiện hoạt động lại chưa rà soát để quy định điều kiện thành lập…
Như vậy, có thể sẽ dẫn đến thiếu tính minh bạch, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Không những thế, một số luật mới được Quốc hội khóa XIII thông qua chưa có hiệu lực, có quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện đầu tư kinh doanh. Còn theo Luật đầu tư thì Chính phủ phải ban hành nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016, dẫn đến ban hành một số nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh tại thời điểm hiện nay phải căn cứ vào Luật cũ.
Điều đó nghĩa là thời gian có hiệu lực của nghị định ngắn hoặc ban hành sớm hơn so với thời điểm Luật mới có hiệu lực. Chẳng hạn, quy định điều kiện kinh doanh thuốc theo Luật Dược hiện hành chỉ có hiệu lực đến ngày 31/12/2016 hay nghị định quy định chi tiết Bộ luật Hàng hải chỉ có hiệu lực khi Bộ luật Hàng hải có hiệu lực vào ngày 01/7/2017.
Đáng lo ngại hơn cả là các bộ, ngành vẫn đang loay hoay trong nhận diện thế nào là điều kiện kinh doanh, nên đã nâng không ít điều kiện kinh doanh một cách cơ học chứ không theo tinh thần của luật.
Chẳng hạn, Bộ Công Thương gồm 22 thông tư thành 1 nghị định, Bộ Y tế “sắp xếp” 70 thông tư thành 12 nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “nâng cấp” 34 thông tư quy định nhiều lĩnh vực thành 1 nghị định...
Đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, kết quả rà soát cho thấy có nhiều quy định được coi là điều kiện nhưng thực chất lại là tiêu chuẩn để doanh nghiệp hoạt động khiến “anh em lúng túng”. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang thì chia sẻ, trong ngành y tế, điều kiện và tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức y tế đặc tính kỹ thuật không rõ ràng, độc lập với nhau.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhưng trong tháng 6, các bộ, cơ quan ngang bộ cần phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp chỉnh lý, hoàn thiện 49 nghị định về điều kiện kinh doanh để trình Chính phủ ban hành.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua nêu rõ kiên quyết cắt giảm các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, loại bỏ các giấy phép con bất hợp lý, không đặt ra các quy định mới gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; quy định về điều kiện đầu tư phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho phát triển…
Chính phủ đã thống nhất tổ chức một phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật trong tháng 6/2016 để xem xét thông qua các dự thảo nghị định đã được soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để Chính phủ ban hành các Nghị định nêu trên vào ngày 1/7/2016.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: “Không được làm khổ doanh nghiệp”
“Chúng ta phải rất minh bạch, không thể “bốc” cơ học các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh nâng lên thành nghị định. Những điều kiện, thủ tục nào bỏ, cái nào nâng cấp từ thông tư lên, cái nào thêm vào, cái nào thay thế cái nào phải nói rõ với Chính phủ.
Chúng ta phải bảo đảm tính pháp chế là đương nhiên rồi. Nhưng để bảo đảm thực tế, những điều kiện nào chưa rõ, bản thân chúng ta chưa hiểu thì chưa nên quy định. Tôi nghĩ Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và sau này Quốc hội không trách móc chúng ta đâu.
Những cái gì còn nhập nhằng giữa điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ thì nên nghiêng về hướng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để xử lý sau. Chứ cứ đeo thêm vào thì lại thêm một nấc nữa sẽ làm khổ cho doanh nghiệp. Không phải cái nào cũng thật thà như cái nào”.
* Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà: “Giảm điều kiện kinh doanh sẽ giảm tiêu cực”
“Giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là giảm nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Vì vậy, cần thống kê cụ thể giảm được bao nhiêu và lợi ích đạt được là gì, không cơ học, cứng hóa các điều kiện.
Doanh nghiệp họ đã rất khổ rồi, điều kiện kinh doanh có quá nhiều. Giờ phải xem có bao nhiêu điều kiện, chẳng hạn có tới 1.000 điều kiện thì ngồi lại rà soát xuống còn 800 rồi giảm tiếp. Những điều kiện nào không cần thiết thì phải bỏ hẳn chứ không để nâng cấp thông tư thành nghị định một cách cơ học.
Lúc đó sẽ là hành chính hóa, sợi dây trói doanh nghiệp sẽ càng chặt, doanh nghiệp càng khổ hơn. Các văn bản về điều kiện kinh doanh thà bỏ sót chứ không nên có điều kiện xấu, nhầm. Cứ bỏ sót có khi càng tốt cho doanh nghiệp hơn, tất nhiên đối với những vấn đề liên quan đến an toàn sinh mệnh, sức khỏe con người thì phải làm chặt chẽ”…