Đến hết ngày 31/5/2013, số tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc mà Trung tâm Bảo vệ âm nhạc Việt Nam thu được là khoảng hơn 12 tỷ đồng từ các lĩnh vực sử dụng âm nhạc trong và ngoài nước như: Nhạc chuông chờ, khách sạn, nhà hàng, karaoke, biểu diễn, xuất bản, phát thanh, truyền hình…
Ảnh minh họa |
Tính đến thời điểm này, số lượng các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đã tin tưởng ủy thác cho Trung tâm đã lễ tới con số 2558 thành viên. Tăng 183 thành viên trong 5 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên cập nhật hoạt động của Trung tâm, thông báo, thông tin pháp luật về quyền âm nhạc thông qua www.vcpmc.org và www.musicmusic.vn.
Ngoài ra, Trung tâm đã ký hợp đồng hợp tác song phương với 50 tổ chức quản lý tập thể tương ứng trên thế giới, qua đó số lượng các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Trung tâm được ủy thác để bảo vệ quyền tác giả tại lãnh thổ Việt Nam lên tới 138 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng nghĩa với việc tác phẩm âm nhạc Việt Nam cũng đang được bảo hộ trên 138 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2013, Trung tâm bản quyền âm nhạc phấn đầu đạt mục tiêu thu tiền sử dụng tác phẩm năm 2013 là 54 tỷ đồng.
Chất xám là tài nguyên quan trọng và quý giá nhất của một quốc gia, do đó phải biết bảo vệ và tái tạo. Ở những nước phát triển, từ lâu người ta đã biết cách bảo vệ, phát huy tài nguyên chất xám và chất xám quay trở lại phục vụ cho sự phát triển của đất nước họ.
Hoạt động bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc của Trung tâm cũng chính là đang góp phần bảo vệ và bù đắp lại phần nào giá trị chất xám mà người nhạc sĩ đã bỏ ra, để có những tác phẩm âm nhạc. Đó cũng chính là sự kích thích lao động và tài năng, sự tái tạo chất xám, để có những tác phẩm âm nhạc để đời...
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho hay, tuy nhiên, những công việc mà chúng tôi làm được cũng mới chỉ khoảng một phần mười, và các tác giả cao tuổi có những tác phẩm hay của một thời vẫn còn nhiều thiệt thòi; bởi lẽ, một số khu vực có sử dụng các tác phẩm của các tác giả ấy vẫn chưa trả tác quyền xứng đáng.
“Để đảm bảo quyền lợi cho các tác giả, trước khi cơ quan chức năng cấp giấy phép cho một đơn vị nào hoạt động thì phải xem họ đã thực hiện đầy đủ luật pháp chưa, mà cụ thể ở đây là họ đã xin phép tác giả hoặc các đơn vị đại diện sở hữu bản quyền tác giả chưa. Trừ các chương trình phát sóng (bao gồm phát thanh và truyền hình) thì không cần xin phép trước nhưng phải trả tiền sau”- nhạc sĩ Phó Đức Phương nhấn mạnh.
Hiện nay, việc các cơ quan chức năng đóng dấu cấp phép các chương trình biểu diễn hiện nay có thể hiểu là kiểm duyệt thì đúng hơn là cấp phép, xem các đơn vị tổ chức ấy có vi phạm về chính trị hay thuần phong mỹ tục không.
Bách Hợp