[links()] Việc quản lý và phát triển cái gọi là “thành phố Tam Sa” có thể sẽ mang tới nhiều thách thức ngoài dự kiến đối với chính phủ Bắc Kinh sau khi tuyên bố khánh thành trái phép thành phố này vào cuối tháng 7, tờ Wantchinatimes đưa tin hôm 10/8.
Trên thực tế, cái mà Trung Quốc gọi là “thành phố Tam Sa” không hề được công nhận bởi bất cứ quốc gia nào trong khu vực và vì vậy, nó “không đủ tư cách” để tham gia bất cứ hoạt động giao dịch, hợp tác hay liên kết quốc tế nào, các chuyên gia quốc tế nhận định.
“Thành phố Tam Sa” nằm trên đảo Phủ Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và được chính phủ Bắc Kinh tuyên bố khánh thành trái phép vào ngày 24/7.
Theo Cơ quan Giám sát Kinh tế Trung Quốc có trụ sở ở Bắc Kinh, mặc dù Tam Sa chỉ là một thành phố cấp quận với diện tích bề nổi rất nhỏ cùng bộ máy chính quyền đơn giản, dân số chỉ khoảng 1.000 người nhưng lại là thành phố có diện tích vùng biển bao quanh lớn nhất Trung Quốc.
Đây có thể là lý do khiến Bắc Kinh cương quyết thành lập cho bằng được cái gọi là “thành phố Tam Sa” bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế khiến mâu thuẫn chủ quyền trên Biển Đông ngày càng leo thang.
Lễ khánh thánh trái phép cái gọi là "thành phố Tam Sa" của Trung Quốc diễn ra hôm 24/7 trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa |
Trung Quốc kỳ vọng nhờ Tam Sa để phát triển hoạt động du lịch, đánh bắt hải sản và đẩy mạnh ngành công nghiệp dầu khí, đưa Bắc Kinh vươn xa hơn ra Biển Đông.
Chính vì vậy, ngay sau khi tuyên bố thành lập Tam Sa, Trung Quốc đã nhanh chóng thực hiện các thủ tục nhằm “hợp thức hóa” thành phố gây tranh cãi này bằng việc tổ chức bầu hội đồng nhân dân, bầu thị trưởng thành phố, đưa quân đội ra đồn trú hay xây dựng các cơ sở “dân sự”…
Tuy nhiên, với sự chuẩn bị “chu toàn” nhằm mục đích phát triển thành phố mới với 3 mũi chiến lược là:du lịch – hải sản – dầu khí, chính quyền Bắc Kinh đã không thể lường trước những thách thức sẽ gặp phải tại một thành phố còn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng như Tam Sa.
Về hoạt động đánh bắt, do số lượng tàu bè còn hạn chế cùng với sự quản lý chưa chặt chẽ của chính phủ, hàng năm ngư dân Trung Quốc chỉ đánh bắt được khoảng 80.000 tấn cá trên vùng biển gần Tam Sa, Wantchinatimes dẫn lời nguồn tin trong nước.
Trong khi trước đó, chính quyền tỉnh Hải Nam từng tuyên bố sản lượng đánh bắt ở khu vực này có thể lên tới 2 triệu tấn.
Ngoài ra, tuyến đường viện trợ cho các tàu cá cũng được coi là một trong những trở ngại lớn nhất đối với ngành công nghiệp đánh bắt của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo ước tính, hoạt động tiếp lương thực và nhu yếu phẩm cho một tàu cá trên vùng biển gần “thành phố Tam Sa” sẽ mất ít nhất là một ngày và một đêm.
Chình vì vậy, ngư dân Trung Quốc được khuyến khích phải tự đảm bảo cho hoạt động của mình trên biển khiến khả năng đánh bắt xa bờ rất hạn chế.
Hình ảnh một đoàn tàu cá Trung Quốc ngang nhiên hoạt động trên Biển Đông |
Trước thách thức này, Bộ Ngư nghiệp Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch xây dựng trạm tiếp tế trên biển và điều tàu hỗ trợ cỡ lớn tới thành phố Tam Sa để giúp ngư dân khắc phục khó khăn.
Tuy nhiên, hành động này của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các nước có tuyên bố chủ quyền chung trên Biển Đông bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Trong khi đó, vấn đề phát triển du lịch ở thành phố Tam Sa cũng đang gặp không ít khó khăn.
Vì thành phố mới được Trung Quốc thành lập này nằm trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa – đang là tâm điểm tranh chấp của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á nên trước hết, về mặt chính trị, thành phố này “chưa đủ tư cách”, cũng như không đảm bảo được yếu tố “an toàn” cho du khách.
Chưa kể cơ sở vật chất ở thành phố Tam Sa còn quá thô sơ. Trên toàn đảo Phú Lâm nơi Trung Quốc khẳng định chủ quyền và đưa quân đội ra quản lý chỉ có duy nhất một nhà nghỉ gồm 40 phòng. Vì vậy, đối với khách du lịch muốn nghỉ qua đêm trên đảo, số lượng không thể vượt quá 100 người.
Việc du khách không thể lưu lại qua đêm đồng nghĩa với việc họ không có thời gian để mua sắm hay sử dụng các dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí trên đảo, và vì vậy, doanh thu từ du lịch là yếu tố không mấy khả quan.
Trong khi đó, các quan chức trong ngành ở Trung Quốc lại cho rằng khách du lịch có thể nghỉ qua đêm ngay trên thuyền, vừa đảm bảo lịch trình lại giúp giảm bớt lượng rác thải trên đảo.
Tuy nhiên, dù sao thì việc phát triển du lịch ở một thành phố mà cơ sở vật chất còn chưa đảm bảo vẫn là vấn đề không đơn giản và chưa thể khắc phục một sớm một chiều theo kiểu “nóng sốt” của Trung Quốc.
Đảo Phú Lâm thuộc quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ |
Ngoài những thách thức trong lĩnh vực đánh bắt và du lịch, hoạt động khai thác dầu khí trên vùng biển bao quanh cái gọi là “thành phố Tam Sa” cũng khiến Bắc Kinh phải “đau đầu”.
Trong điều kiện hiện nay, Tam Sa chưa được trang bị công nghệ thăm dò và khoan khai thác dầu khí trong khu vực giàu tài nguyên trên Biển Đông.
Vì thế, chính quyền “thành phố trẻ nhất Trung Quốc” này cần sự giúp đỡ của các công ty dầu khí quốc doanh.
Thế nhưng, một khi để các công ty này tham gia khai thác, chính quyền thành phố Tam Sa lại lo ngại lợi ích của mình trên biển sẽ bị “tước đoạt” vì chưa thể làm chủ được công nghệ và hoàn toàn phụ thuộc vào bên ngoài.
Theo đó, để khắc phục vấn đề này, chính quyền Tam Sa cho biết có khả năng sẽ ban hành một loại thuế nhằm đảm bảo lợi ích được phân chia công bằng từ hoạt động khai thác dầu khí quanh đảo, Zheng Gangsheng – giám đốc nghiên cứu kinh tế hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông nói.
Thành phố Tam Sa được Bắc Kinh tuyên bố thành lập hôm 24/7 trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trên Biển Đông ngày càng căng thẳng.
Việt Nam, Philippines cùng các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực kiên quyết phản đối “thành phố Tam Sa”, trong khi Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh đã “hành động một cách đơn phương và mang tính gây hấn”.
Mặ dù vậy, bất chấp dư luận quốc tế và khu vực, Trung Quốc vẫn liên tiếp có những hành động ngông cuồng, xâm phạm nghiêm trọng tới chủ quyền của nhiều nước cũng như tỏ thái độ “thiếu hợp tác” trong đối thoại khiến cho mâu thuẫn trên Biển Đông ngày càng khó giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo tờ Wantchinatimes hôm 10/8.
Theo VTC