Bầu trời xanh, “ xa xỉ phẩm” của 20 triệu dân Bắc Kinh
Ngày 12/11/2014 Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận lịch sử về khí hậu với Hoa Kỳ bên lên lề thượng đỉnh APEC. Bắc Kinh đề ra mục tiêu giảm khí thải làm hâm nóng trái đất vào năm 2030. Cả thế giới đã chú ý đến sự kiện nói trên khi biết rằng, Trung Quốc và Mỹ là hai nguồn gây ô nhiễm nhất cho nhân loại. Trong năm 2013, các nhà máy của Trung Quốc và 137 triệu chiếc xe đủ cỡ nhả ra 9,9 tỷ tấn CO2, tương đương với hơn 27 % lượng khí thải toàn cầu.
Một cơ quan nghiên cứu nhìn nhận để tạo ra 10 ngàn nhân dân tệ GDP, hiện nay Trung Quốc cần 0,8 tấn than đá. Trong khi đó một quốc gia công nghiệp phát triển trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE chỉ tiêu thụ có 0,25 tấn. Do vậy Trung Quốc đang phấn đấu để đạt được mức tiêu thụ than đá trong quá trình sản xuất như của OCDE vào năm 2050.
Tháng 3/2013 lần đầu tiên Bộ Môi trường Trung Quốc công bố danh sách hơn 400 ngôi “làng ung thư”. Tại đây, tỷ lệ nguời nhiễm bệnh đạt mức báo động. Chính quyền công nhận “Chất hóa học độc hại là nguyên nhân gây nhiều tai họa cho môi trường, làm ô nhiễm không khí và các nguồn nước sạch”.
Từ năm 1991 - 2013 tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chưa bao giờ rơi xuống dưới ngưỡng 7 % một năm. Nhờ thế Trung Quốc qua mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ nhì trên thế giới, đồng thời cũng biến nước đông dân nhất địa cầu thành nguồn gây ô nhiễm lớn nhất hành tinh. Chỉ riêng thời gian 1999 - 2004, lượng khí thải của Trung Quốc tăng 120 %.
Trong đà phát triển của Trung Quốc, tới nay, than đá bảo đảm 70 % nhu cầu năng lượng. Mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ hơn 3,5 tỷ tấn than đá, tương đương 50 % mức tiêu thụ của thế giới. Mỏ than vừa là cột trụ kinh tế, vừa là mối đau đầu về môi trường.
Năm 2013, thủ đô Bắc Kinh chìm trong khói mù và không khí ngột ngạt tới 183 ngày. Lượng phân tử siêu nhỏ PM 2,5 nguy hại nhất cho đường hô hấp tại Bắc Kinh cao gấp 20 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo một công trình nghiên cứu của Viện khoa học xã hội Thượng Hải, hàng năm có từ 350 ngàn - 500 ngàn người chết sớm do các bệnh ung thư phổi, tim mạch hay đường hô hấp. Thế nhưng một báo cáo độc lập khác được công bố vào cuối năm 2012 còn đưa ra con số đáng sợ hơn: Trong năm 2010 đã có tới 1,2 triệu người trả giá cho phép lạ tăng trưởng.
Một bác sĩ tại bệnh viện Bắc Kinh cho biết tỷ lệ người bị ung thư phổi tăng đáng kể. Cách nay ba năm, khi vào nghề, một năm ông điều trị cho khoảng 10 bệnh nhân. Giờ đây 6 tháng có hơn 10 người. Tỷ lệ ung thư phổi trên toàn quốc tăng 60 % trong một thập niên qua.
Nhìn đến chất lượng của các nguồn nước, một thống kê ghi nhận: Năm 2008, hơn 300 triệu dân Trung Quốc không được cung cấp nước sạch và ¼ các nguồn nước trên quốc gia này không đáp ứng với các tiêu chuẩn an toàn. Ngân hàng thế giới thẩm định, nước bẩn là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật và cướp đi khoảng 8 tỷ USD của Trung Quốc.
Tác động kinh tế và xã hội
Để đối phó với nạn ô nhiễm không khí, bốn thành phố lớn ở Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Tây An, trong năm 2012 đã chi ra ngân sách hơn một tỷ USD. Theo các thống kê, tình trạng môi trường xuống cấp làm thất thoát khoảng 3 % GDP của Trung Quốc.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2007 thẩm định, ô nhiễm là nguyên nhân gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc khoảng 100 tỷ USD, tương đương hơn 5 % GDP của quốc gia này.
Từ hàng chục năm qua chính quyền Trung Quốc không quan tâm tới vấn đề giải quyết rác thải của các nhà máy, của các trung tâm điện lực. Cách Ô Hải khoảng 500km về phía đông, huyện Tuyên Hóa, thuộc tỉnh Hà Bắc dù đã tạm thời đóng cửa một số nhà máy hồi năm 2008 để chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh nhưng người dân tại đây vẫn là nạn nhân của các máy than, nhà máy xi măng, phân bón …
Ngoài nạn sông ngòi và không khí bị ô nhiễm, Trung Quốc phải khắc phục cùng lúc hậu quả của hiện tượng sa mạc hóa, tan băng. Chỉ trong ba năm tới, một nửa các công trình xây dựng được thực hiện tại Trung Quốc. Đau đầu hơn cả là mỗi năm có tới 250 triệu người dân ở nông thôn đổ về các thành phố kiếm sông. Điển hình là thành phố Trùng Khánh nơi có tới 30 triệu dân sinh sống trên một diện tích chưa bằng 1/7 so với của Pháp.
Nỗ lực như giọt nước trong sa mạc
Thực ra Trung Quốc đã có một sự chuẩn bị để sống trong một thế giới xanh tươi hơn, lành mạnh hơn. Chẳng hạn như một nhà máy nhiệt điện ở Thượng Hải, dù phải sử dụng than đá để cung ứng 10 % điện cho thành phố nhưng nhóm kỹ sư của nhà máy này đã sử dụng một phương pháp mới để giới hạn lượng khí thải CO2.
Đơn giản là thay vì thải khí carbone, thì nhà máy tìm cách nhốt CO2 lại, chôn xuống lòng đất hoặc tích trữ để sử dụng vào những công việc khác như là chế tạo bia hơi, hay nước ngọt có ga, các loại nước sô-đa. Tuy nhiên phương pháp này chưa hoàn hảo, vì dù giới hạn được khí thải CO2 nhưng các chất gây ô nhiễm và độc hại khác như thủy ngân hay ni-tơ vẫn bị thất thoát ra ngoài.
Nhiều sáng chế khác để làm sạch nước và không khí, hay tiết kiệm năng lượng đã ra đời tại Trung Quốc. Trong số đó phải kể đến thí nghiệm của tập đoàn năng lượng sạch ENN, trụ sở tại Lang Phường, tỉnh Hà Bắc. Cơ quan này đang dùng lục bình để tẩy không khí.
Một nhà tiên phong khác trong lĩnh vực làm sạch môi trường là kiến trúc sư Du Không Kiên. Từ nhiều năm qua, ông chủ trương lọc tẩy nước bẩn bằng các loài thảo mộc thiên nhiên. Nhiều công trình của ông đã thành công. Đáng chú ý nhất là việc tẩy nước bẩn trên dòng sông Hoàng Phố ở Thượng Hải. Năm 2010 kiến trúc sư này đã tham gia dự án đấu thầu của thành phố Minneapolis để làm sạch một khúc của dòng sông Mississippi.
Câu hỏi đặt ra là những ý tưởng cao đẹp của một số cá nhân, những sáng kiến của một số các chuyên gia liệu rằng sẽ có được phổ biến rộng rãi hay không. Trước mắt những nỗ lực để đảo ngược tình huống trên vấn đề ô nhiễm không khí, nước hay chống hủy hoại môi trường của Trung Quốc mới chỉ là những giọt nước trong sa mạc./.