Bản thân cơ quan chống tham nhũng gần như chưa có cơ chế, chế tài nào giám sát. Những cơ quan này muốn “chống tham nhũng” có hiệu quả, đầu tiên họ phải khẳng định được mình không tham nhũng.
Mấy ngày qua dư luận Trung Quốc xôn xao xung quanh thông tin đại học Nhân dân Trung Quốc vừa khai giảng lớp thạc sỹ đặc biệt, thạc sỹ chống tham nhũng hôm 21/9.
Văn Cường - một quan tham cỡ bự ở Trùng Khánh từng bị điều tra, kết tội tử hình vì tham nhũng, lợi dụng quyền lực. (Ảnh minh hoạ). |
Theo tin từ CCTV – đài truyền hình trung ương Trung Quốc, lớp thạc sỹ đặc biệt này có 30 học viên, tăng hơn chút ít so với kế hoạch ban đầu đặt ra.
Trong 8 cán bộ chống tham nhũng bao gồm ông Trần Liên Phúc – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chống tham nhũng Trung Quốc sẽ tham gia giảng dạy.
Theo giáo sư Lâm Triết, một chuyên gia chống tham nhũng của trường Đảng trung ương, động thái mở lớp thạc sỹ chống tham nhũng của đại học Nhân dân Trung Quốc có ý nghĩa tích cực đối với xã hội.
8 giảng viên là các cán bộ của lực lượng chuyên trách chống tham nhũng sẽ phụ trách hướng dẫn từ 3 đến 4 nghiên cứu sinh, khóa học sẽ được bắt đầu sau ngày quốc khánh Trung Quốc với những môn như kiểm sát, điều tra tội phạm chức vụ, chứng cứ tội phạm chức vụ…
Tuy nhiên tờ “Trùng Khánh buổi sớm” ngày 26/9 có bài phân tích, dư luận giới truyền thông nước này đang lập lờ đánh lận con đen. Thực tế, chuyên ngành chính xác của lớp thạc sỹ này là lớp “nghiên cứu sinh thạc sỹ hướng điều tra tội phạm có chức vụ”.
Do có 8 quan chức từ Tổng cục Chống tham nhũng được mời tham gia giảng dạy nên báo giới đặt cho lớp này cái tên giật gân như vậy.
Những thạc sỹ “chống tham nhũng” tương lai này thực ra là những nghiên cứu sinh thạc sỹ ngành luật có điểm đầu vào xuất sắc được lựa chọn, về bản chất lớp thạc sỹ này là lớp chuyên ngành hẹp của luật.
Tân Hoa Xã ngày 25/9 có đăng bài phân tích của Tôn Kiệt cho rằng, chống tham nhũng không chỉ cứ chông chờ vào “30 ông thạc sỹ”, vấn đề cốt lõi nằm ở cơ chế.
Hiện tại, lực lượng chống tham nhũng ở Trung Quốc vẫn còn là một bộ phận nằm trong tổ chức hành chính các cấp, mà chống tham nhũng thì chống những ai? Những cán bộ có chức có quyền, và họ có thể là cấp trên của những người chống tham nhũng.
Bản thân cơ quan chống tham nhũng gần như chưa có cơ chế, chế tài nào giám sát. Những cơ quan này muốn “chống tham nhũng” có hiệu quả, đầu tiên họ phải khẳng định được mình không tham nhũng.
Việc mở lớp thạc sỹ “chống tham nhũng” đương nhiên là việc nên làm, tuy nhiên xây dựng một cơ chế minh bạch hạn chế kẽ hở cho tham nhũng còn quan trọng hơn.
Theo Bình Nguyên
VTCnews