Trung Quốc hôm qua (4/5) tuyên bố Luật sư khiếm thị Trần Quang Thành có thể nộp đơn xin ra nước ngoài để theo đuổi việc nghiên cứu, mở ra hướng giải quyết cho bế tắc về mặt ngoại giao với Mỹ.
Các sự kiện xảy ra đối với Trần từ khi ông ta bỏ trốn. |
Thông tin trên được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhưng Bộ này không cung cấp các thông tin cụ thể. Ông Trần hiện đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để được rời khỏi Trung Quốc sau khi bỏ trốn trong thời gian thụ án quản thúc tại gia và đến Đại sứ quán Mỹ trong 6 ngày. Ông này hiện đang được điều trị tại bệnh viện dưới sự giám sát của cảnh sát Trung Quốc.
“Trần Quang Thành hiện đang được điều trị tại bệnh viện. Là một công dân Trung Quốc, nếu muốn ra nước ngoài nghiên cứu thì ông ta có thể đi qua các kênh thông thường bằng việc đến các bộ phận có liên quan và hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật như những công dân Trung Quốc khác” – tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết.
Trong khi đó, tờ Beijing Daily – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản thành phố Bắc Kinh – hôm qua cáo buộc Luật sư Trần là “công cụ” trong âm mưu lật đổ quyền lực của Đảng Cộng sản của phía Mỹ. Tờ báo này cũng cho rằng Đại sứ quán Mỹ và Đại sứ Gary Locke đã cố tình tạo sự cố để bôi nhọ danh tiếng của Chính phủ Trung Quốc và kích động sự bất mãn trong xã hội. |
Tuyên bố nói trên là phản ứng tích cực nhất cho đến nay từ phía Trung Quốc, đối lập hoàn toàn với những chỉ trích và yêu cầu của Bắc Kinh đòi Mỹ xin lỗi vì đã để ông Trần lưu lại Đại sứ quán của mình. Tuyên bố này được đưa ra chỉ ít lâu sau khi ông Trần nói với Hãng tin AP rằng ông ta cảm thấy tình cảnh của bản thân rất “nguy hiểm” và phàn nàn về việc đã không thể gặp trực tiếp các quan chức Mỹ trong 2 ngày.
Ông Trần cũng nói rằng những người bạn đã tìm cách đến thăm ông ta đều bị đánh đập. “Tôi chỉ có thể nói một điều. Tình hình của tôi hiện rất nguy hiểm. Trong 2 ngày qua, các nhà chức trách Mỹ muốn tới gặp tôi đều không được vào” – ông Trần nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Trước đó, ngày 3/5, ông Trần đã gọi điện tới một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, cầu cứu sự giúp đỡ để ông và gia đình được rời khỏi Trung Quốc. “Tôi muốn tới nước Mỹ nghỉ ngơi. Tôi đã không được nghỉ ngơi 10 năm qua” – ông nói qua điện thoại.
Thanh Tâm (Theo AP, Reuters)