Thượng nghị sỹ Jim Webb – Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ - ngày 25/7 nói rằng, những hành động gần đây của Trung Quốc để đơn phương khẳng định chủ quyền trên Biển Đông có thể đã vi phạm luật quốc tế.
Thượng nghị sỹ Jim Webb. |
“Với sự trỗi dậy của một nhóm nhất định có liên hệ với quân đội, Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn”, Thượng nghị sỹ Jim Webb phát biểu trước Thượng viện Mỹ ngày 25/7.
“Vào ngày 21/6, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập cái mà họ gọi là thành phố cấp địa khu Tam Sa. Đây là việc thành lập đơn phương, vô căn cứ một cơ quan chính quyền tại khu vực cũng được Việt Nam tuyên bố chủ quyền”, ông Webb nói.
Thượng nghị sỹ Webb là người đã đề xuất một nghị quyết, đã được Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua hồi tháng 6/2011, lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực trên Biển Đông và kêu gọi một giải pháp hòa bình, đa phương đối với những tranh chấp lãnh hải tại khu vực Đông Nam Á.
Trong bài phát biểu ngày 25/7, ông Webb cũng chỉ trích việc Trung Quốc từ chối giải quyết các tranh chấp tại diễn đàn đa phương. “Họ khẳng định những vấn đề đó chỉ được giải quyết song phương, giữa một nước và nước khác. Tại sao? Vì họ có thể chi phối bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn có thể cho là sự vi phạm luật pháp quốc tế, trái với chính những tuyên bố của Trung Quốc rằng họ sẵn sàng hợp tác với ASEAN để phát triển Bộ quy tắc ứng xử COC”, ông Webb khẳng định.
Thượng nghị sỹ Webb cho rằng đây là một vấn đề rất phức tạp và ông sẽ thúc giục Bộ Ngoại giao Mỹ nhanh chóng làm rõ tình hình với Trung Quốc và với Thượng viện.
Ông Webb cùng với các ông John Kerry, Richarr Lugar, John McCain, James Inhofe và Joe Lieberman trong tuần này đã đưa ra một nghị quyết thúc giục Trung Quốc và ASEAN hoàn tất việc soạn thảo COC để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trước khi căng thẳng tiếp tục leo thang.
Bản nghị quyết “thúc giục các bên, trong lúc chờ đợi Bộ quy tắc ứng xử COC, thực hiện đúng các cam kết theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế thực hiện những hành động có thể làm phức tạp tình hình hoặc leo thang tranh chấp”.
Philippines tiếp tục theo đuổi con đường pháp lý
Liên quan đến các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines ngày 26/7 nói rằng Manila vẫn đang cân nhắc các động thái để theo đuổi con đường pháp lý trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
“Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu chiến thuật để theo đuổi một cách hợp pháp. Chúng tôi hy vọng sẽ có được những khuyến nghị từ các cố vấn vào cuối tháng này để có một cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề. Tuy nhiên, các tiếp cận pháp lý là lựa chọn mà chúng tôi muốn theo đuổi”, ông Del Rosario nói.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III trong bài diễn văn quốc gia ngày 16/7 cũng nói rằng nước này đang tham vấn các chuyên gia trong việc giải quyết tranh chấp.
Manila muốn đưa tranh chấp hàng hải ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), nhấn mạnh việc cần có trọng tài quốc tế để phân xử tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối đề nghị này – hành động mà theo Ngoại trưởng Philippines Đel Rosario đã cho thấy có lẽ Trung Quốc không thể chứng minh quan điểm của họ dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Minh Ngọc (theo Webb.senate.gov, Inquirer)