Trung Đông - Chưa trọn 'giấc mơ' hòa bình

Hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Trung Đông còn xa vời
Hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Trung Đông còn xa vời
(PLO) - Hội nghị hòa bình Trung Đông do Pháp chủ trì diễn ra hôm qua – 15/1 tại thủ đô Paris mà không có sự tham gia của Israel. Động thái này đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về triển vọng hòa bình cho khu vực Trung Đông đầy bất ổn.

Theo kế hoạch, Hội nghị hòa bình Trung Đông diễn ra tại Paris, Pháp ngày hôm qua - 15/1 với sự tham dự của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng đại diện 70 nước và tổ chức. 

Israel chỉ trích và tẩy chay

Tuy nhiên, ngay trước thềm hội nghị quan trọng này, ngày 12/1, Thủ tướng Israel Netanyahu đã chỉ trích Hội nghị hòa bình Trung Đông tại Pháp, đồng thời thông báo Israel sẽ không tham dự hội nghị.

Động thái này của chính quyền Thủ tướng Israel Netanyahu đã khiến Tổng thống Pháp Hollande, trên cương vị là nước chủ trì hội nghị, bày tỏ không đặt nhiều kỳ vọng vào triển vọng hòa bình Trung Đông. Tổng thống Pháp Hollande cho rằng Hội nghị hòa bình Trung Đông lần này sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với một giải pháp hai nhà nước, song giải pháp duy nhất để tiến trình hòa bình Trung Đông thành công là thông qua đối thoại song phương giữa Palestine và Israel.

Tổng thống Hollande nhấn mạnh ông nhận thức rõ kết quả hội nghị lần này, đồng thời khẳng định không ai khác, chỉ có người Israel và Palestine mới thiết lập được hòa bình Trung Đông và chỉ có đàm phán song phương mới có thể mang đến kết quả thành công.

Trước đó, để chuẩn bị Hội nghị cấp cao về tiến trình hòa bình Trung Đông này, hồi tháng 6/2016, Pháp đã tổ chức một hội nghị trù bị với sự tham gia của đại diện Liên Hợp quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và nhiều nước Arab, song không có mặt đại diện của Israel và Palestine.

Sau hội nghị, Tổng thống Pháp Hollande đã mời Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Palestine Abbas dự cuộc gặp ba bên để thảo luận kết quả hội nghị. Tại cuộc gặp, Tổng thống Pháp đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine quay trở lại đàm phán trong bối cảnh nước Mỹ sắp diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực.

Mâu thuẫn dai dẳng

Israel chiếm đóng Bờ Tây và Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập Đông Jerusalem và tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của Israel. Cộng đồng quốc tế không công nhận động thái này của Israel và coi Bờ Tây và Đông Jerusalem là các “vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”, theo đó tất cả các khu định cư Do Thái xây dựng trên các vùng đất chiếm đóng này là bất hợp pháp. Trong khi đó, Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai được thành lập ở Bờ Tây và Dải Gaza.

Trong nhiều thập kỷ qua, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã nhiều lần bị đình trệ rồi lại tái khởi động. Những bất đồng giữa hai bên chủ yếu trong các vấn đề mấu chốt bao gồm: đường biên giới cho nhà nước Palestine trong tương lai, các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây, số phận người tị nạn Palestine tại các vùng đất do Israel chiếm đóng, quy chế đối với thành phố Jerusalem, vấn đề trao trả tù nhân… 

Các cuộc đối thoại giữa Israel và Palestine đã gần như sụp đổ kể từ tháng 9/2010, khi Israel coi các khu định cư của người Palestine được xây dựng mà không có sự chấp thuận của chính phủ Israel là phạm pháp và thường triển khai nhân viên an ninh tới phá dỡ những khu định cư này đồng thời từ chối ngừng hoạt động xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ của người Palestine. 

Sau 3 năm bế tắc, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã được nối lại kể từ tháng 7/2013, nhờ những nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Kể từ khi ông Kerry lên nắm giữ cương vị Ngoại trưởng Mỹ vào tháng 2/2013, ông đã thực hiện hơn 10 chuyến thăm Trung Đông nhằm khôi phục lại tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine. Thông qua những chuyến thăm ngoại giao con thoi liên tục này, đến nay, Israel và Palestine đã tiến hành được khoảng 20 vòng đàm phán. 

Trong các vòng đàm phán, Israel và Palestine thống nhất sẽ nỗ lực để tiến tới việc đạt được hiệp định hòa bình cuối cùng giữa hai nước. Đây cũng chính là mục tiêu hàng đầu trong chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã bị đổ vỡ từ tháng 4/2014, sau khi Palestine thông báo việc thành lập một chính phủ đoàn kết với phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza. Thất bại của các vòng đàm phán khiến các nhà phân tích nhận định, những bất đồng vốn đã tồn tại từ lâu giữa Israel và Palestine rất khó để hóa giải. Tuy các bên đều tuyên bố mong muốn đạt một thỏa thuận hòa bình song trên thực tế vẫn chưa thực sự có một bước đột phá nào trong các vòng đàm phán, mà chỉ là cố gắng thu hẹp các bất đồng. 

Kể từ tháng 4/2014, các cuộc thương lượng giữa Israel và Palestine nhằm vãn hồi hòa bình Trung Đông đã bị đình trệ. Tháng 10/2015, bạo lực giữa người Palestine và Israel bùng phát và liên tục xảy ra, nhất là tại khu vực thánh địa Jerusalem và Bờ Tây. Theo thống kê của Liên Hợp quốc, ít nhất 214 người Palestine, 34 người Israel, 2 người Mỹ, 1 người Eritrea tị nạn và 1 người Sudan tị nạn đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột bạo lực này. Căng thẳng giữa Israel và Palestine càng bị đẩy lên cao khi trong năm 2016 Israel đã xây dựng hàng nghìn nhà định cư ở bên trong và xung quanh Đông Jerusalem.

Trước tình hình đó, Mỹ đã kêu gọi lãnh đạo hai bên áp dụng “các bước đi cụ thể” nhằm xây dựng lại lòng tin giữa hai cộng đồng, đồng thời chỉ trích các hoạt động xây nhà định cư của Israel trên các vùng đất chiếm đóng của Palestine, cho rằng việc này hủy hoại các cơ hội đạt một thỏa thuận hòa bình.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa người Palestine và người Do Thái chưa có hồi kết, việc Israel từ chối tham dự hội nghị hòa bình Trung Đông tại Pháp đã khiến hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Trung Đông giữa Palestine và Israel ngày càng trở nên xa vời.

Italy ủng hộ giải pháp hai nhà nước

Italy ngày 13/1 đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt cuộc xung đột Israel-Palestine.   

Trong một tuyên bố báo chí được đưa ra tiếp sau cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cùng ngày tại Rome, Ngoại trưởng Italy Angelino Alfano cho biết nước ông, cùng với cộng đồng quốc tế, tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước, coi đây là giải pháp khả thi duy nhất nhằm chấm dứt cuộc xung đột Israel-Palestine. Italy cam kết sẽ giúp tạo ra bầu không khí thích hợp để hiện thực hóa đề xuất hai nhà nước này.     

Tuy nhiên, vị quan chức ngoại giao Italy này nhấn mạnh rằng việc ban lãnh đạo Palestine lên án bạo lực nên được đi kèm với những chiến lược và hành động cụ thể nhằm chống lại sự khiêu khích. Trong nhiều năm qua, Italy đã chứng tỏ cam kết của mình qua việc hỗ trợ cho ngân sách của chính quyền Palestine hơn 240 triệu euro kể từ năm 2005 và sẽ tiếp tục thực hiện phần việc của mình nhằm làm hồi sinh hoàn toàn triển vọng về một nền hòa bình lâu dài và thực sự dựa trên giải pháp hai nhà nước.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.