Dàn cảnh tai nạn để đòi bảo hiểm
Hồi năm ngoái, cảnh sát tỉnh An Huy, Trung Quốc đã bắt giữ 3 bác sỹ tại Bệnh viện huyện Lingbi cùng 4 người khác vì cáo buộc dàn dựng các vụ tai nạn xe hơi để đòi tiền bảo hiểm nhân thọ cho các bệnh nhân thực chất đã tử vong vì ung thư.
Cụ thể, theo tin từ tờ People’s Daily của Trung Quốc, cảnh sát đã vào cuộc sau khi nhận được tin báo từ các công ty bảo hiểm ở địa phương bày tỏ nghi vấn sau khi họ liên tục phải chi trả tiền cho các nạn nhân bị tai nạn xe hơi. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy, một người đàn ông họ Yang, 46 tuổi, ở Lingbi thường nhận được tin báo từ người đứng đầu bộ phận bảo hiểm y tế của Bệnh viện huyện Lingbi về các trường hợp bệnh nhân ung thư sắp qua đời.
Ngay khi bệnh nhân tử vong, Yang và 3 người họ hàng của ông ta liền sử dụng xe hơi của họ và xe đạp điện để dàn dựng tai nạn đường bộ, trong đó thi thể của bệnh nhân ung thư vừa qua đời sẽ được lấy từ bệnh viện ra rồi đưa vào phòng cấp cứu của bệnh viện để “điều trị”. Các bác sỹ ở bệnh viện khi đó sẽ tuyên bố bệnh nhân đã tử vong và viết bệnh án giả kết luận tai nạn xe hơi là nguyên nhân tử vong. Với bệnh án này, Yang sau đó sẽ thỏa thuận với gia đình bệnh nhân và thay mặt họ để đòi tiền bảo hiểm nhân thọ từ các công ty bảo hiểm.
Kết luận điều tra sau đó cho biết Yang và các cộng sự đã dàn dựng 42 vụ tai nạn xe hơi như vậy và trục lợi bất chính tổng cộng 1,6 triệu nhân dân tệ (khoảng 260.000 USD) tiền bảo hiểm trong vòng 4 năm và đang yêu cầu thanh toán thêm số tiền tương đương như vậy.
Lĩnh án vì tự chặt tay để đòi bảo hiểm
Giữa tháng 1 vừa qua, Tòa án tỉnh Castellón ở phía Đông Tây Ban Nha đã tuyên mức án 4 năm tù giam đối với một người đàn ông tên Miguel B.P., 42 tuổi sau khi ông này đã tự chặt tay của mình và dàn dựng tai nạn xe hơi giả để đòi hàng trăm nghìn bảng từ các công ty bảo hiểm.
Theo tờ The Local của Đức, ngoài án phạt tù, người đàn ông nói trên, cũng đã bị phạt 3.000 euro và buộc phải hoàn trả 335.000 euro (253.000 bảng Anh) các khoản thanh toán bảo hiểm mà ông này đã được nhận.
Theo bản án được tòa công khai, Miguel B.P., vốn là một nông dân. Ở thời điểm xảy ra vụ “tai nạn xe hơi”, ông ta đang gặp khó khăn về tài chính và chật vật trả tiền mua đất. Tháng 12/2007, ông này đã tự cắt tay phải của mình bằng một công cụ sắc trước khi trèo lên xe hơi và đưa chiếc xe tới 1 con dốc gần 1 đường tàu. Với sự giúp sức của ít nhất 1 đồng phạm, người đàn ông này sau đó đã đẩy chiếc xe xuống dốc, lao vào đường tàu. Sau cùng, Miguel B.P., gọi điện thông báo với cảnh sát về tai nạn.
Người đàn ông này được cho là đã đòi đến 2 triệu euro tiền bảo hiểm từ 8 công ty bảo hiểm khác nhau. Tuy nhiên, giám đốc một công ty bảo hiểm sau đó nghi ngờ phần xương còn lại trên cánh tay của người đàn ông này quá gọn gàng và “sạch sẽ” so với việc bị nghiền đứt trong một tai nạn nên đã báo cảnh sát, dẫn đến việc hành vi lừa đảo của người đàn ông trên bị phanh phui như đã nói ở trên.
Giả chết để đòi tiền
Ngày 21/3/2002, cảnh sát Mỹ nhận được tin báo về việc một giáo viên tên John Darwin đã mất tích khi đi xuồng ra biển chơi. Vợ của Darwin sau đó yêu cầu được thanh toán hàng triệu USD bảo hiểm nhân thọ của chồng. Hồ sơ vụ việc sau đó đã khép lại khi cảnh sát phát hiện chiếc xuồng của Darwin. Ấy thế nhưng đến tháng 12/2007, cảnh sát lại tình cờ phát hiện Darwin đang ở cùng với vợ con ở ngay nhà riêng.
Theo điều tra của cảnh sát sau đó, chính Darwin và vợ đã dàn xếp vụ mất tích để chiếm đoạt tiền. Sau khi được báo mất tích, người đàn ông này đã dùng giấy tờ giả để trốn sang Panama và vẫn thi thoảng về nước thăm vợ con. Đến tháng 7/2008, Darwin và vợ là Anne Darwin đã bị kết án 6 năm tù giam cho mỗi người vì hành vi gian lận bảo hiểm.
Hai vợ chồng John và Anne Darwin |
Năm 2012, một người đàn ông khác tên Raymond Roth đã bị kết án 3 tháng tù giam, 5 năm quản chế và phải trả toàn bộ chi phí của cuộc tìm kiếm ông ta lên đến hơn 30.000 USD sau khi cũng giả mất tích để vợ và con đòi tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, âm mưu bất thành, người đàn ông này bị phát hiện chỉ 4 ngày sau khi được trình báo mất tích trên biển.
Giết cả gia đình vì tiền
Nghiêm trọng hơn, nhiều vụ chiếm đoạt bảo hiểm kết thúc với hậu quả vô cùng thảm khốc. Ví dụ, tại Anh, tiền bảo hiểm nhân mạng được xác định chính là động cơ của Mary Ann Cotton – người được xác định là kẻ giết người hàng loạt đầu tiên của Anh.
Theo các ghi chép, trong khoảng thời gian từ năm 1852 cho đến năm 1873, người phụ nữ này đã âm thầm đầu độc 21 người, bao gồm cả mẹ đẻ, các con và chồng của mình để chiếm đoạt tiền bảo hiểm. Năm 1873, người phụ nữ này đã bị kết án tù bằng hình thức treo cổ vì bị buộc tội đầu độc chết con trai.
Sau Mary Ann Cotton, rất nhiều vụ việc tương tự đã được phát giác như trường hợp Isao Kakehi - một phụ nữ người Nhật - bị cáo buộc đã dùng cyanua để giết chết tổng cộng 9 người, bao gồm 4 người chồng và 5 bạn trai để chiếm đoạt gần 10 triệu USD tiền bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm và những tài sản khác của những người đàn ông xấu số. Năm 2014, một phụ nữ người Mỹ tên Marissa-Suzanne Reese Devault cũng đã bị phanh phui hành vi giết chồng để đòi tiền bảo hiểm nhân mạng trị giá 1,25 triệu USD.