Nếu như người lao động khu vực Nhà nước điền tên vào danh sách quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc khá dễ dàng thì khu vực ngoài quốc doanh, tỷ lệ người trốn bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ trên dưới 30%...
Bắt buộc cũng trốn
Gọi là bắt buộc, nhưng thực tế, số người lao động không tham gia BHXH còn khá nhiều, nhất là khu vực ngoài quốc doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức và cá nhân kinh doanh có thuê, mượn lao động. Việc trốn đóng BHXH xảy ra cả trong khu vực Nhà nước (chủ yếu ở các đơn vị sự nghiệp thuê lao động theo hợp đồng) nhưng ở mức thấp hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới người lao động trốn BHXH bắt buộc, điều mà theo đúng nghĩa, họ cần phải tham gia để được hưởng lợi.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội thành phố, khoảng hơn 7 nghìn đơn vị phải đóng BHXH với gần 321 nghìn lao động phải tham gia BHXH nhưng chỉ quản lý được 5034 đơn vị với 252.705 lao động đăng ký tham gia BHXH.
|
Theo Giám đốc BHXH thành phố
Cơ quan BHXH có nhiều cố gắng trong việc kiểm tra, xác định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, kiến nghị chủ sử dụng lao động thực hiện nghiêm chỉnh song chủ sử dụng lao động không liền một lúc tham gia cho tất cả lao động thuộc diện bắt buộc theo kiến nghị thanh tra, kiểm tra mà tham gia dần theo tháng, quý hoặc tham gia BHXH với mức lương tối thiểu không theo mức lương đã đăng ký với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội.
Bảo hiểm xã hội và Liên đoàn Lao động thành phố ký kết phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp. |
Vì sao "né"?
Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lao động thực tế tham gia BHXH bắt buộc thấp hơn quy định là do một số doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH cho người lao động. Tình hình khủng hoảng kinh tế 2 năm trước đây khiến tình hình sản xuất kinh doanh ở không ít doanh nghiệp gặp khó khăn nên trốn đóng, nợ đọng BHXH.
Mặt khác cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng chưa xử phạt kịp thời những doanh nghiệp nợ đọng hoặc trốn đóng BHXH nên dẫn đến tình trạng “nhờn thuốc”. Mức lãi suất chậm nộp thấp hơn lãi suất tiền vay của các ngân hàng thương mại nên vì lợi nhuận một số doanh nghiệp chây ỳ, cố tình làm trái các quy định trong việc thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, ảnh hưởng không nhỏ đến chế độ, quyền lợi của người lao động.
Một bộ phận người lao động thiếu hiểu biết về pháp luật, chịu áp lực về việc làm, thu nhập, cuộc sống khó khăn nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng khi chủ sử dụng lao động không đóng BHXH. Thậm chí, một số lao động do chỉ muốn làm việc trong một khoảng thời gian để có khoản thu nhập nhất định sau đó về quê sinh sống nên không muốn tham gia BHXH.
Chế tài xử phạt mạnh hơn
Việc tham gia BHXH và đóng thuế đều là bắt buộc theo quy định của pháp luật, tuy nhiên khác với trốn thuế, việc trốn đóng BHXH chưa được quy định trong Luật hình sự mà chỉ bị xử phạt tối đa 30 triệu đồng với hành vi vi phạm. Có thể nói đây chính là kẽ hở để không ít doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với người lao động. Do đó, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến từng người lao động về chính sách BHXH, BHYT, điều chỉnh mức lãi suất chậm nộp cao hơn mức tiền vay tại các ngân hàng thương mại cần có chế tài xử phạt mạnh tay hơn đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH.
Cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương phối hợp đồng bộ với cơ quan BHXH trong việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHXH. Đưa công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện BHXH vào chỉ tiêu thi đua hàng năm của các ngành, các cấp và các đơn vị hoặc coi đó là một trong những tiêu chuẩn bình xét chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh hằng năm. Các cơ quan, ban ngành chức năng như Sở Kế hoạch-Đầu tư, Cục Thống kê, Thuế, Liên đoàn Lao động, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội…cần phối hợp chặt chẽ trong việc thường xuyên quản lý, kiểm tra, khảo sát, xác định đầy đủ số lượng đơn vị sử dụng lao động và lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc theo luật định, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động./.
Bạch Dương