Đạ Long mang sức hút của một miền sơn cước dưới chân núi cổng trời, trên đầu nguồn dòng sông Sêrêpôk. Nơi đây có tới 6 con suối nước lạnh, 2 suối nước nóng đêm ngày chảy quanh 14 buôn làng. Cho nên dẫu là một xã xa nhất huyện Đam Rông, Đạ Long đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư du lịch, đầu tư thủy điện… Cơ sở để người Cill ở đây tin vào tương lai tươi sáng của họ chính là những chuyển biến trong kinh tế, xã hội đang diễn ra từng ngày trên vùng đất này.
Đi chưa đầy 1,5 km đường nhựa chạy qua trung tâm xã, chúng tôi bắt gặp 3 trường học với ba cấp: Trường THCS được đóng ngay đầu xã, trường vừa xây dựng được hơn một năm với dãy nhà cao hai tầng; năm học 2009 - 2010, trường có 8 lớp với tổng số học sinh là 285 em. Trường tiểu học đối diện với trung tâm xã cũng vừa hoàn thành dãy nhà 2 tầng, bên dãy nhà cấp 4 của các lớp học cũ; trường hiện có 8 lớp với 465 học sinh. Trường mầm non có 3 cơ sở: Một cơ sở ở trung tâm xã gồm 5 lớp, với 185 cháu; còn 2 cơ sở ở tiểu khu 72 và tiểu khu 66, mỗi cơ sở có một lớp với 25 cháu. Gặp chúng tôi, thầy Dung, một giáo viên người Cill đã gắn bó với nghề dạy học ở Đạ Long hơn 20 năm qua nói lên lòng biết ơn của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư từ cơ sở vật chất đến chất lượng giáo dục, giúp cho người Cill ở đây từ chỗ không một người nào biết chữ, không một đứa trẻ nào được đến trường, đến nay đã có nhiều em tốt nghiệp lớp 12, một số em có trình độ cao đẳng, đại học… Bên cạnh bưu điện phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, một trạm truyền thanh không dây tại trung tâm xã với 11 cụm loa phân phối đều trong 5 thôn, có lịch phát sóng đều đặn, đã và đang đáp ứng nhu cầu thông tin thiết thực của người dân. Tại đây, một nhà văn hóa vừa mới khánh thành, là nơi để bà con giao lưu, học hỏi những điệu múa, bản đồng la, nhạc cụ truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người. Một trạm y tế xây dựng mới năm 2008 đã đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe của người dân, thực hiện tốt công tác chống dịch bệnh xẩy ra trên địa bàn, tạo lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với hệ thống y tế của Nhà nước. Hệ thống đường điện đã có mặt tại Đạ Long vào năm 2005, toàn bộ người Cill trong xã đã có điện thắp sáng, tỉ lệ người xem ti vi chiếm 97%. Chị MBon Thương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã xúc động nói: Nhờ sự kiên trì của các thầy cô giáo, các y bác sĩ; nhờ được nghe đài, xem ti vi người Cill Đạ Long đang từ bỏ dần những tập tục lạc hậu, phụ nữ không còn tự ngồi đẻ một mình, không lấy cật nứa tự cắt rốn cho con nữa. Hầu hết chị em đã đến trạm xá để sinh đẻ, sau đó mang con đến Trạm Y tế xã để tiêm chủng, chích ngừa. Một số chị đã thực hiện sinh đẻ có kế hoạch; người dân đau ốm không còn cúng bái mà đã đến Trạm y tế để khám chữa bệnh. Điểm tựa cho những chuyển biến ở Đạ Long chính là việc triển khai các dự án, chương trình, với nhiều nguồn vốn đầu tư của Nhà nước nhằm ổn định định canh, định cư, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, quản lý bảo vệ rừng. Các nguồn vốn 327, 120, 134, 135, 168, vốn xóa đói giảm nghèo… ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… đã hỗ trợ bà con mở rộng diện tích gieo trồng trên 892 ha, trong đó có 312 ha cây công nghiệp (cà phê, điều, keo tai tượng), 580 ha cây lương thực (lúa, bắp, mỳ). Hỗ trợ bà con chăn nuôi gia súc, gia cầm (bò, heo, gà, vịt…). Với định hướng chú trọng đầu tư chiều sâu, thâm canh chứ không quảng canh, các chương trình, dự án đã đưa Đạ Long thoát khỏi nền kinh tế tự cung - tự cấp; du canh, du cư, phát nương, làm rẫy với phương thức độc canh. Hiện nay, người Cill đã ổn định định canh định cư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Đạ Long vẫn là một xã nghèo do kinh tế phát triển chậm, tính ổn định chưa cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, các ngành nông - lâm - thủy sản còn chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu kinh tế của xã, ngành công nghiệp - dịch vụ phát triển chậm, chế biến nông sản chưa phát triển, kinh tế trang trại chưa hình thành; thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định. Số lao động không có việc làm chiếm tỉ lệ lớn, phần đông lao động có trình độ thấp hoặc lao động chưa qua đào tạo. Do đó, từ đầu năm 2010 đến nay, người dân Đạ Long đang được hỗ trợ để triển khai Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, theo các hạng mục như: Chăm sóc bảo vệ rừng, trồng rừng, khai hoang, phục hóa, chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ thâm canh, hỗ trợ vật nuôi… Đoạn đường Đông Trường Sơn nối Đưng K Nớ với Đạ Long vừa mới khởi công sẽ tạo lối mở thông thoáng để Đạ Long phát triển tương xứng với tiềm năng.
Đinh Thị Nga