Triệu trái tim thổn thức vụ người cha “làm liều” để cứu con bệnh máu trắng

Để gom tiền chữa bệnh cho con trai bị bệnh máu trắng, người cha nhiều lần tống tiền một tài xế taxi vì “nắm thóp” của anh này trong một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Sau đó, thậm chí người cha còn ép tài xế taxi sát hại mình để có tiền bảo hiểm đền bù cứu mạng đứa con đang nguy kịch. Kế hoạch không thành nhưng người tài xế đã cảm động trước tình phụ tử của “kẻ thù” và hai người đã nhận nhau làm anh em kết nghĩa. Sau đó, người lái xe chấp nhận gán nhà và nợ nần để cứu chữa cho đứa cháu mới nhận của mình.

Để gom tiền chữa bệnh cho con trai bị bệnh máu trắng, người cha nhiều lần tống tiền một tài xế taxi vì “nắm thóp” của anh này trong một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Sau đó, thậm chí người cha còn ép tài xế taxi sát hại mình để có tiền bảo hiểm đền bù cứu mạng đứa con đang nguy kịch. Kế hoạch không thành nhưng người tài xế đã cảm động trước tình phụ tử của “kẻ thù” và hai người đã nhận nhau làm anh em kết nghĩa. Sau đó, người lái xe chấp nhận gán nhà và nợ nần để cứu chữa cho đứa cháu mới nhận của mình.

Bất hạnh trên trời rơi xuống

Trương Tiểu Cương (33 tuổi, ngụ TP.Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) là nhân viên tiếp thị tại một công ty chuyên sản xuất máy móc thiết bị ngành công nghiệp chế biến. Vợ Cương là Hồ Mĩ Hà, nhân viên một siêu thị lớn trong thành phố. Năm 2000, họ tổ chức lễ cưới trong sự chào đón và vui mừng của người thân. 1 năm sau, Hà sinh cho Cương con trai đầu lòng, đặt tên là Trương Kiệt Duy khiến niềm vui và hạnh phúc trong tổ ấm này nhân lên gấp bội.

Nhưng cuộc sống đầm ấm ấy chưa kéo dài được bao lâu thì bất hạnh đã ập xuống gia đình nhỏ của Cương. Một ngày tháng 4/2008, Kiệt Duy bỗng bị sốt cao, mấy ngày sau vẫn không đỡ. Mọi người vội vã đưa cậu bé đi bệnh viện kiểm tra, kết quả chẩn đoán khiến đôi vợ chồng trẻ như muốn ngã khuỵu: Kiệt Duy mắc bệnh máu trắng tế bào đơn nhân, có thể chết bất cứ lúc nào nếu không sớm được điều trị dứt điểm! Nhưng may mắn là mọi chỉ số sinh lí của cậu đều rất ổn định, có thể lập tức làm phẫu thuật ghép tủy.

Cha mẹ cậu nhanh chóng làm xét nghiệm tủy sống của mình, nhưng tủy sống của cả hai người lại không phù hợp với con trai khiến cả nhà một lần nữa rơi vào đau khổ tuyệt vọng...

Không còn cách nào khác, các bác sĩ đành phải trị liệu bằng hóa chất cho Kiệt Duy, một số lượng lớn hóa chất được đưa vào người khiến cơ thể cậu khó chịu không sao tả xiết. Trong một lần trị liệu, Kiệt Duy bị đau bụng và nôn ọe liên hồi, ăn vào bao nhiêu lại nôn ra bấy nhiêu. Nước mắt nước mũi cậu chảy ra đầm đìa. Hồ Mĩ Hà đau đớn trong lòng, vừa vỗ về vừa an ủi con: “Con trai, con hãy cố gắng lên! Từ nay về sau mình sẽ không trị liệu bằng hóa chất nữa”.

Nhưng không ngờ, nghe mẹ nói, cậu bé lại liên tục xua tay: “Có phải trị liệu bằng hóa chất thì sẽ không chết phải không mẹ? Nếu như vậy thì lần sau con sẽ vẫn tiếp tục điều trị”. Hai vợ chồng Trương Tiểu Cương nghe xong thì ôm chặt lấy con trai mà khóc lạc cả giọng. Trương Tiểu Cương tự hứa với lòng mình: “Cho dù có phải “lên núi đao, xuống biển lửa” cũng phải giành giật lại sự sống cho con”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đầu tháng 7 năm đó, sau một thời gian điều trị bằng hóa chất, bệnh tình của Kiệt Duy đã tạm thời ổn định trở lại. Hai vợ chồng Cương phải bán vội căn nhà mình đang ở được 80 ngàn nhân dân tệ (khoảng hơn 240 triệu VNĐ) để gom tiền chữa trị giai đoạn tiếp theo cho con. Không còn nhà riêng, Cương phải dắt vợ về ở nhờ nhà cha mẹ ruột. 3 tháng tiếp theo, họ mong ngóng chờ đợi từng ngày nhưng vẫn chưa tìm được nguồn tủy sống phù hợp để ghép cho Kiệt Duy.

Vô tình “nắm thóp”

Ngày 5/11/2008, khi Trương Tiểu Cương đang chuẩn bị đi làm thì bỗng nhận được điện thoại của vợ gọi về từ bệnh viện: “Phổi của Kiệt Duy bị cảm nhiễm nặng, hiện tại đang được cấp cứu trong Phòng Chăm sóc đặc biệt...”. Cương hoảng hốt, vội vàng lao vào bệnh viện. Khi anh đi tới khu đài tưởng niệm cách bệnh viện không xa, bỗng nhìn thấy chiếc xe taxi màu trắng phía trước đâm ngã một người phụ nữ đang đi xe đạp cùng chiều. Gây tai nạn xong, chiếc xe vội vã chao đảo chạy trốn khỏi hiện trường... Trương Tiểu Cương vội dừng xe rồi chạy lại sơ cứu cho người gặp nạn.

Anh đặt tay lên mũi người phụ nữ, thấy vẫn còn hơi thở nên lập tức lấy điện thoại gọi báo cảnh sát, sau đó gọi điện báo cấp cứu. Vì sợ người phụ nữ tỉnh lại sẽ ngộ nhận mình là người gây ra tai nạn, hơn nữa con trai đang nguy kịch trong bệnh viện nên anh đứng dậy rời khỏi hiện trường. Khi vừa quay người, anh dẫm phải một vật cứng dưới chân, thì ra đó là tấm biển xe màu xanh. Nghĩ tấm biển đó chính là của chiếc xe gây tai nạn bị rơi ra khi đâm phải chiếc xe đạp, anh nhặt lên cất vào túi xách của mình, đề phòng sau này có vấn đề gì xảy ra có thể đem ra để chứng minh.

Đến bệnh viện, cũng là lúc Kiệt Duy được cấp cứu thành công. Thấy con vừa quay về từ “quỷ môn quan”, trong lòng anh vẫn đau đớn như dao cắt vì biết rằng sinh mệnh của con trai giờ như sợi chỉ mong manh, muốn cứu con vẫn còn cần một số tiền rất lớn. Một lúc sau, anh nhận được điện thoại của cảnh sát gọi tới dò hỏi xem anh có nhìn thấy biển số xe gây tai nạn hay không.

Do trong lòng đang theo đuổi những suy nghĩ về bệnh tình của con nên anh ấp úng nói cho qua chuyện: “Không, tôi không biết”. Sau đó, cảnh sát không hỏi thêm gì nữa, đồng thời chuyển lời cảm ơn của nạn nhân cho anh và cho biết cô gái chỉ bị thương nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng.

Làm liều

Do lúc xảy ra tai nạn trời còn đang sớm, hiện trường lại là nơi tương đối vắng vẻ nên không có ai chứng kiến vụ tai nạn ngoài Trương Tiểu Cương, nạn nhân cũng không nhìn rõ biển số xe nên vụ án tạm thời không thể tìm ra manh mối. Tối hôm đó, Trương Tiểu Cương về nhà nhưng không tài nào ngủ được, anh lấy chiếc túi xách định bụng tính toán tiền viện phí của con.

Lúc này anh mới nhìn thấy chiếc biển số xe mà mình đã tiện tay cho vào túi. Anh định cầm chiếc biển số vứt vào sọt rác, bỗng một ý nghĩa xấu xuất hiện trong đầu anh...

Chiều hôm sau, Trương Tiểu Cương tra được chủ nhân của chiếc xe là Phí Minh và số điện thoại của anh ta. Cương đấu tranh trong sự mâu thuẫn, mấy lần bấm số của Phí Minh nhưng không dám bấm phím gọi đi. Trong tâm khảm Cương, một cảm giác tội lỗi dâng lên, nhưng cùng lúc ấy, bộ dạng đau đớn của con trai bị bệnh tật hành hạ cứ hiển hiện ngay trước mắt. Cuối cùng, Cương cắn răng gọi cho người lái xe.

Khi phía bên kia bắt máy, Trương Tiểu Cương lạnh lùng nói: “Anh là Phí Minh đúng không?”. Sau khi Phí Minh xác nhận, Trương nói tiếp: “Anh còn nhớ chuyện xảy ra sáng hôm qua không?”. Đối phương hoang mang hỏi lại: “Anh là ai?”. “Tôi là ai không quan trọng, tôi chỉ muốn nhắc nhở anh, biển số xe của anh đang ở trong tay tôi. 7h sáng mai tôi đợi anh ở đài tưởng niệm”, nói xong Trương ngắt máy.

Phí Minh là người TP.Cửu Giang, năm đó 43 tuổi. Năm 2005, sau khi li dị vợ, một mình anh nuôi con trai đang học cấp 3. Cuối năm 2007, anh mua một chiếc xe taxi chở hàng để mưu sinh. Hôm xảy ra tai nạn, anh đang vận chuyển hàng, lúc ngang qua đài tưởng niệm, do dậy quá sớm mất tập trung nên đâm phải người đi xe đạp. Quan sát thấy không có ai gần hiện trường, sợ gây ra án mạng không đền được nên Minh bỏ chạy. Đến chỗ giao hàng, Minh mới phát hiện bị rơi mất biển số xe, ngày hôm sau lại nhận được điện thoại của Trương nên sợ hãi đến chân tay run lẩy bẩy.

Sáng ngày 7/11/2008, Phí Minh đành phải đến điểm hẹn. Cương nói, không những mình tận mắt nhìn thấy tai nạn mà còn nhặt được biển số xe. Phí Minh dò hỏi tình hình của người gặp nạn: “Vậy... vậy bây giờ người kia thế nào rồi?”. “Chết ngay tức khắc rồi”, Cương nói. Trong đầu Phí Minh như có bom nổ, mặt mũi tối sầm, tái nhợt.

Trương nói tiếp: “Anh đừng sợ, nếu tôi muốn báo cảnh sát thì hôm nay tôi không tìm anh làm gì...”. Sau đó, Cương đòi Phí Minh 50 ngàn nhân dân tệ (khoảng 150 triệu VNĐ) để không tố cáo anh ta: “Vụ tai nạn mà anh gây ra, không những phải đền tiền mà còn bị ngồi tù. Hơn nữa, một mạng người đáng bao nhiêu tiền? Anh cứ suy nghĩ kĩ đi”. Phí Minh lo lắng cầu xin Trương tha cho anh ta, nhưng Trương vẫn kiên quyết đòi 50 ngàn tệ thì mới bỏ qua.

3 ngày sau, Phí Minh đem 50 ngàn tệ tiền tiết kiệm của mình giao cho Trương. Nhân cơ hội ấy Trương lại tiếp tục uy hiếp, nếu không đưa thêm 50 ngàn thì 2 ngày sau sẽ báo cảnh sát. Phí Minh về nhà, trầm ngâm suy nghĩ không biết làm thế nào cho phải, cuối cùng đành phải mượn của bạn bè 20 ngàn tệ và ngậm ngùi bán rẻ chiếc xe được thêm 30 ngàn tệ, giao cho Trương làm hai lần để lấy lại biển số xe. Phí Minh nghĩ, sự việc đến đây là chấm dứt, nhưng anh ta không biết được rằng, cơn ác mộng vẫn còn đang tiếp diễn...

Ép người đến đường cùng

Trương Tiểu Cương cầm được tiền trong tay, trong lòng lại vẫn rất mâu thuẫn. Nhưng mỗi lần đẩy cửa bước vào nhìn thấy nụ cười và khuôn mặt tái nhợt của con trai, ý nghĩ muốn con được sống tiếp khiến mọi hổ thẹn và mặc cảm tội lỗi lại biến mất. Cho dù phải dùng cả tính mạng của mình, Cương cũng không cảm thấy đáng tiếc, huống hồ là chuyện phạm pháp tống tiền? Tiếp theo đó, chi phí chữa trị của Kiệt Duy như chiếc thùng không đáy, số tiền lấy được của Phí Minh tính ra vẫn chưa thấm vào đâu.

Lo lắng đến phát điên, ngày 15/12, Cương đi ăn cơm cùng bạn làm về bảo hiểm, khi nghe nói đến gói bảo hiểm thương tật ngoài ý muốn, tim anh đập thình thịch: “Nếu mình xảy ra mệnh hệ gì đó, có nghĩa là sẽ nhận được tiền bảo hiểm, có tiền rồi chẳng phải con trai sẽ được cứu hay sao?”. Chiều hôm đó, Trương đến công ty bảo hiểm nhờ tư vấn. Anh hiểu được rằng, loại bảo hiểm này một suất là 1000 tệ, mức bồi thường cao nhất là 100 ngàn tệ. Mua hôm trước, hôm sau có hiệu lực luôn, số lượng mua không hạn chế.

Khi Trương đang do dự có mua bảo hiểm hay không thì có điện thoại từ Bắc Kinh báo về: “Kiệt Duy có hi vọng rồi!”. Thì ra, chú họ của Trương gọi điện nói bệnh viện đã tìm được nguồn tủy phù hợp. Lúc đó Trương xúc động đến mức nước mắt cứ tự lăn dài trên khóe mắt. Nhưng tiền phẫu thuật ghép tủy phải mất 200 ngàn tệ, cộng thêm chi phí điều trị sau phẫu thuật 100 ngàn tệ.

Tổng số tiền 300 ngàn tệ biết kiếm đâu cho đủ? Trương lại nghĩ đến việc mua bảo hiểm. Nhưng mua bảo hiểm xong, làm thế nào để xảy ra sự việc ngoài ý muốn cho phù hợp với điều kiện bảo hiểm? Bất giác, Trương lại nghĩ đến Phí Minh, anh ta bị mình ép buộc hết lần này đến lần khác, chắc chắn trong lòng cũng đang thù hận mình. Nếu mình tiếp tục kiếm anh ta đòi thêm tiền, ép anh ta vào bước đường cùng, không biết chừng anh ta sẽ báo thù. Nhưng nếu Phí Minh thực sự giết mình thì vợ và con vẫn nhận được tiền bồi thường của anh ta. Nước cờ này chắc chắn sẽ cùng lúc nhận được cả tiền bảo hiểm lẫn tiền bồi thường, đủ để vợ con được sống thoải mái.

Ngày 21/12, Cương mua 4 suất bảo hiểm, người thụ hưởng là con trai Trương Kiệt Duy. Sau đó Cương gọi điện cho Phí Minh yêu cầu anh ta chuẩn bị 200 ngàn tệ. Cương nghĩ, nếu Phí Minh kiếm được đủ số tiền trên thì tốt, con mình sẽ được cứu; nếu anh ta không có đủ tiền thế nào cũng làm liều vì sợ ngồi tù...

Tỉnh ngộ trong nguy nan

Nhận được điện thoại tống tiền, Phí Minh tức giận lồng lộn, anh không thể ngờ được mình lại gặp phải kẻ có lòng tham vô đáy này. Nghĩ ngợi đắn đo, Phí Minh đi đến quyết định: “Đằng nào cũng đã đâm chết một người rồi, chi bằng liều thêm một lần nữa, khử luôn Trương Tiểu Cương, kết thúc sự đeo bám của anh ta”.

Ngày hôm sau, Phí Minh và Cương hẹn gặp nhau vào lúc 16h tại một sân bay bỏ hoang, vắng vẻ. Đúng hẹn, Cương hỏi: “Đem tiền theo không?”. Phí Minh cầm một gói giấy lớn đưa cho Cương. Lúc Cương định cầm thì Phí Minh buông tay cho gói giấy rơi xuống đất, Cương cúi mình xuống nhặt lên. Nhân cơ hội này, Phí Minh luồn tay ra sau rút chiếc rìu sắc lẹm giấu sau cạp quần, định giơ lên chuẩn bị giáng thẳng xuống đầu Cương... Bất giác Cương ngẩng mặt lên nhìn, Phí Minh lại vội vã thu chiếc rìu lại.

Cương mở gói giấy ra xem, bên trong chỉ có mấy tờ tiền lẻ, còn lại toàn bộ là giấy báo và đá liền chất vấn Phí Minh. Phí Minh giơ rìu lên dọa: “Mày đừng có ép tao nữa, cẩn thận tao giết mày đấy”. Cương tức giận nói: “Được lắm, giết tao đi! Đằng nào thì mày cũng giết một người rồi, còn sợ thêm một người nữa à? Giết đi...”. Vừa nói Cương vừa sấn sổ đẩy Phí Minh, Phí Minh mấy lần giơ rìu lên định bổ nhưng lại không thể xuống tay.

Cương thấy Phí Minh do dự liền hét vào mặt anh ta: “Nếu mày không khử được tao thì tao sẽ đeo bám mày cho đến khi khuynh gia bại sản...”. Phí Minh bị kích động, giơ rìu lên xông về phía Trương Tiểu Cương. Đúng lúc Cương nhắm mắt chịu trận thì Phí Minh dẫm phải bọc giấy mình mang theo, trẹo chân loạng choạng, chiếc rìu văng ra khỏi tay, chỉ nghe thấy một tiếng “choang” khô khốc, cả hai người đàn ông cùng đứng ngây người...

Im lặng một lát, Phí Minh vừa thở hổn hển vừa tức giận nói: “Mày đừng ép tao nữa, tao thực sự hết tiền rồi. Một mình nuôi con nên cũng rất khó khăn, đưa xong số tiền 100 ngàn tệ cho mày, tao cũng khuynh gia bại sản rồi”. Nghe thấy câu “khuynh gia bại sản”, trong đầu Cương ập đến một cảm giác khó tả, nước mắt tích tụ lâu ngày bỗng tuôn ra ướt nhòa khuôn mặt, anh nói với Phí Minh: “Cũng vì không còn cách nào khác nên tôi mới phải chọn bước đường cùng như thế này”.

Phí Minh thấy Cương đau khổ như vậy liền hỏi có chuyện gì xảy ra. Cương nói: “Thôi anh đi đi”. “Vậy anh không tố cáo tôi nữa à?”, Phí Minh hỏi lại. Lúc này Cương mới nói sự thực: “Tôi tố cáo anh chuyện gì đây? Vốn dĩ nạn nhân chỉ bị thương tích nhẹ thôi chứ có chết đâu”. Sau đó, Phí Minh hỏi lại mấy lần Trương mới đem câu chuyện của mình kể cho anh ta nghe...

Sự nghĩa hiệp hóa giải thù hận

Tối hôm đó, hai người đàn ông tìm đến một quán rượu, Cương nói anh muốn trả lại 100 ngàn tệ cho Phí Minh. Nhưng Phí Minh từ chối nói: “Anh cứ cầm số tiền ấy để cứu con, nếu không đủ mình lại tính tiếp. Nếu thực sự không còn cách nào khác, tôi sẽ bán nhà cho con anh chữa bệnh”. Cương tròn mắt nhìn Phí Minh: “Tôi đối xử với anh như vậy, anh không hận tôi sao? Hơn nữa, tôi giữ lại số tiền ấy cũng chưa đủ để cứu con...”, nói xong anh lại nghẹn ngào rơi nước mắt.

Phí Minh an ủi: “Anh có con trai, tôi cũng có con trai, tôi biết làm một người cha khó như thế nào, nếu anh thực sự cảm thấy ái ngại thì cứ coi như tiền tôi cho mượn. Nhưng bây giờ tôi đang tính đi tự thú, thực sự tôi không thể chịu đựng được sự dày vò của lương tâm, càng không muốn con trai cảm thấy xấu hổ vì tôi...”. “Vậy tôi với anh cùng đi! Nếu con trai tôi biết được tôi dùng thủ đoạn xấu xa để gom tiền trị bệnh cho nó, chắc nó cũng cảm thấy tôi là một người cha thật tồi tệ!”.

Cùng là người cha, một người trốn tránh trách nhiệm hình sự vì lo cho con, một người vì con mà chấp nhận phạm pháp, thậm chí chấp nhận chết. Hai người đàn ông sau khi trải qua sự việc trên đã nguyện kết nghĩa làm anh em. Ngày 24/12/2008, Phí Minh và Trương Tiểu Cương đến cơ quan công an tự thú. Do Phí Minh chủ động xin cho nên Cương được đóng tiền bảo lãnh tại ngoại 6 tháng chờ xét xử. Về phần Phí Minh, sau đó đã tích cực bồi thường cho nạn nhân nên được miễn trách nhiệm hình sự.

Để giúp Trương Tiểu Cương có tiền chữa trị cho con, Phí Minh cầm cố căn nhà của mình được 50 ngàn tệ, đồng thời vay mượn khắp nơi được thêm 30 ngàn tệ. Gia đình Cương cũng mượn thêm được 50 ngàn tệ. Cuối cùng, Kiệt Duy cũng được làm phẫu thuật ghép tủy. Ca phẫu thuật hết sức thành công nên 1 tháng sau Kiệt Duy trải qua giai đoạn miễn dịch an toàn. Hôm Kiệt Duy xuất viện, Phí Minh dẫn theo con trai đến nhà Trương Tiểu Cương để góp vui. Sau hoạn nạn sinh tử, hai gia đình cùng vui mừng chúc cho Kiệt Duy được trở lại với cuộc sống bình thường…

Câu chuyện được đăng tải khiến hàng triệu người đọc thổn thức rơi lệ, may mắn là câu chuyện trên đã diễn biến theo một kết cục có hậu. Hai người đàn ông đã kịp thời nhận ra sai lầm và phục thiện. Bởi nếu lật lại ta có thể thấy, tuy tình yêu thương của người cha dành cho người con là vô bờ bến nhưng giả sử lúc đó Phí Minh không thể tự kìm chế bản thân, không có sự may mắn bất ngờ thì Trương Tiểu Cương đã ép Phí Minh trở thành kẻ giết người. Cương sẽ chết và Kiệt Duy mất cha. Phí Minh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, con của anh ta cũng thiếu vắng người cha.

“Sẽ là bi kịch cho cả hai gia đình và xã hội, một bi kịch chỉ vì một suy nghĩ tiêu cực nhất thời. Đây cũng là một bài học để mỗi người tự rút kinh nghiệm bản thân”, một cư dân mạng chia sẻ.

Duy Cường

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.